Châu Âu gia tăng trừng phạt, căng thẳng Belarus leo thang
Cập nhật: 29/09/2020
Việc Mỹ chỉ định Houthi là khủng bố đánh dấu “sự kết thúc” của lực lượng này?
Tổng thống Nga Putin sẵn sàng đàm phán với ông Trump về Ukraine
VOV.VN - Tình hình tại Belarus có thể sẽ phức tạp hơn với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay (29/9) có cuộc gặp với lãnh đạo đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya.
Trong một biện pháp gia tăng sức ép lên chính phủ của Tổng thống Belarus Alexander Lukasenko, Mỹ, Anh và Canada hôm nay cũng thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Belarus.
Ông Macron trở thành người có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn nhất trong số những chính khách nước ngoài mà lãnh đạo đối lập Belarus từng trực tiếp gặp gỡ kể từ tháng 8 vừa qua. Phát biểu sau cuộc gặp, lãnh đạo đối lập Belarus cho biết, Tổng thống Macron cam kết sẽ giúp đứng ra làm trung gian đàm phán với chính quyền Belarus, đảm bảo việc thả tù nhân chính trị cũng như hỗ trợ “thực tế” cho người dân Belarus.
Ngay trước cuộc gặp lãnh đạo đối lập Belarus, Tổng thống Macron cũng nhất trí với người đồng cấp Litva rằng Liên minh châu Âu nên quyết định các biện pháp trừng phạt nhằm vào Belarus tại Hội nghị Thượng đỉnh cuối tuần này.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nhấn mạnh: “Tôi và Tổng thống Macron đã nhất trí rằng Liên minh châu Âu không thể phí thời gian và phải làm mọi điều để các biện pháp trừng phạt được nhất trí tại hội nghị sắp tới. Đây là vấn đề quan trọng, thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực”.
Dự kiến Mỹ, Canada và Anh hôm nay cũng chuẩn bị thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Belarus.
Trước những bước đi của các quốc gia châu Âu, chính phủ Belarus khẳng định kịch bản "cách mạng màu" có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài đang được sử dụng để chống lại đất nước Belarus, đồng thời lên án việc phương Tây ủng hộ lực lượng đối lập, gây bất ổn đất nước.
Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei nhấn mạnh: “Trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 8 năm nay tại Belarus, người dân đã đưa ra lựa chọn của mình. Họ lựa chọn một quốc gia ổn định và thịnh vượng, cũng như có mối quan hệ tốt với các nước láng giềng. Tuy nhiên đang có những nỗ lực gây mất ổn định đất nước. Sau những nỗ lực áp đặt cách mạng màu đối với Belarus không thành công, giờ chúng tôi lại trải qua sự can thiệp bên ngoài nhằm hủy hoại đất nước”.
Việc Pháp hay châu Âu có những bước đi cứng rắn nhằm vào Belarus có thể làm gia tăng căng thẳng với Nga - quốc gia đang khẳng định sự ủng hộ với Tổng thống Lucasenco sau bầu cử. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp thừa nhận, châu Âu không thể hành động mà không quan tâm tới vai trò của Nga.
“Tầm nhìn của chúng tôi đó là nếu muốn xây dựng một hòa bình lâu dài cho châu Âu, chúng ta phải hợp tác với Nga. Vì chia sẻ lịch sử, địa lý, EU cần thực hiện "những công việc chiến lược để xây dựng một kiến trúc an ninh" nhằm tránh leo thang căng thẳng với Nga”.
Riêng đối với tình hình Belarus, nhằm tránh gia tăng căng thẳng với Nga và đảm bảo một lộ trình có thể thực hiện được, giới quan sát nhận định, các bên liên quan nên ủng hộ và đóng góp cho tiến trình hòa giải dưới sự dẫn dắt Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) – sáng kiến mà Nga cũng ủng hộ./.
Từ khóa:
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN