Châu Âu căng mình vá lỗ hổng để đối phó tên lửa siêu thanh của Nga

Cập nhật: 18/09/2022

VOV.VN - Dự án chung EU HYDEF về đánh chặn tên lửa siêu thanh phản ánh các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Các nước châu Âu hợp lực đối phó với thách thức từ tên lửa Nga

Các nhà sản xuất tên lửa của Đức và Tây Ban Nha cùng hướng tới việc phát triển một hệ thống đánh chặn tên lửa siêu thanh nhằm hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của châu Âu trước các thách thức mới do tên lửa siêu thanh Nga đặt ra.

Cụ thể, dự án Phòng thủ Đánh chặn Siêu thanh châu Âu (EU HYDEF) sẽ bao gồm việc phát triển một hệ thống đánh chặn nội khí quyển cho các mối đe dọa từ năm 2035.

Dự án sẽ kéo dài 36 tháng với chi phí ước tính là 110 triệu USD, trong đó Liên minh châu Âu (EU) đóng góp gần 100 triệu USD.

Defense News cho hay, mục tiêu của chương trình này là đưa ra một biện pháp đối phó có thể tích hợp vào hệ thống phòng không hiện nay với khả năng cảnh báo sớm, theo dõi và đánh chặn các mối đe dọa trên không ở hiện tại và tương lai, bao gồm tên lửa đạn đạo và siêu thanh.

Tin tức từ Defence News đề cập Diehl Defense (Đức) sẽ là hãng chính phụ trách kỹ thuật của dự án, còn Sener Aerospacial Sociedad Anonima (Tây Ban Nha) sẽ điều phối các hoạt động của dự án.

Cả hai công ty trên hợp tác chặt chẽ với hệ thống tên lửa đất đối không IRIS-T, nhấn mạnh mối quan hệ làm ăn mạnh mẽ giữa hai hãng quốc phòng.

Diehl sẽ chịu trách nhiệm về kỹ thuật và thiết kế của hệ thống đánh chặn, thiết kế giai đoạn sau và mô phỏng hệ thống, dẫn đường giai đoạn sau, điều hướng và kiểm soát, đầu tìm kiếm và điện tử tín hiệu, vẫn theo tin của Defence News.

Đồng thời, Sener sẽ dẫn dắt công việc về dẫn đường, các hệ thống dẫn đường và kiểm soát (GNC), cùng với công nghệ liên lạc, thiết bị kích hoạt và kiểm soát khí động học.

Theo thông cáo của Sener, dự án sẽ dẫn tới xây dựng khái niệm, giảm nguy cơ và đưa ra được một hệ thống đánh chặn nội khí quyển hiệu quả, có khả năng hoạt động ở mọi cấp bay khác nhau, trong đó có một hệ thống kiểm soát khí động học cải tiến nhằm mang lại tính cơ động cao.

Hãng Sener còn cho biết thêm, dự án EU HYDEF sẽ có sự tham gia của 13 công ty và tổ chức thuộc 7 quốc gia châu Âu, đó là Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Na Uy, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Thụy Điển.

Sener cũng cho biết, dự án EU HYDEF còn liên quan tới một dự án của Pháp nhằm phát triển một hệ thống hoàn thiện sử dụng theo dõi từ vũ trụ để ứng phó với các tên lửa siêu thanh.

Tháng 3/2022, Nga trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí siêu thanh trong chiến đấu trên thực địa khi họ phóng một tên lửa siêu thanh Kinzhal từ trên không vào một cơ sở cất trữ vũ khí của Ukraine dưới lòng đất.

Trong một bài báo trên trang The Strategist, nghiên cứu viên cao cấp Azriel Bermant lưu ý rằng rất khó tính toán đường đi của một tên lửa vận tốc cao và linh hoạt như tên lửa Kinzhal do tính khó dự đoán vốn có của nó.

Tuy nhiên, theo Bermant, bên phòng thủ vẫn có thể bắn rơi các tên lửa siêu thanh như thế bằng tên lửa đánh chặn có độ cơ động ngang bằng.

>> Xem thêm: Tên lửa Sarmat Nga đủ sức xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ

Hệ thống phòng thủ tên lửa có nhiều nhược điểm mà EU lại phụ thuộc Mỹ

Sau khi Nga lần đầu sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal ở Ukraine, các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hành của NATO (Patriot và Aegis Ashore) bỗng chốc trở nên yếu thế trước một cuộc tấn công tương tự của Nga.

Asia Times trước đây từng phản ánh về các nhược điểm, yếu kém của các hệ thống phòng thủ của Mỹ, bao gồm các vấn đề về nhận diện đối với Patriot và hiệu quả hạn chế của cả Patriot lẫn Aegis Ashore trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo bắn ở góc cao.

Chính các nhược điểm nói trên có thể đã hối thúc các nước châu Âu nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay để ngăn ngừa tốt hơn các thách thức từ vũ khí siêu thanh. Mỹ cũng đang đi theo hướng đó.

Mỹ cũng kết thúc các cuộc thử nghiệm Radar Phân biệt Tầm xa (LRDR) - một hệ thống 2 trong 1 có khả năng theo dõi nhiều mối đe dọa trong vũ trụ và phân biệt được đầu đạt thật với mồi nhử.

Ngoài hệ thống radar mới này, Asia Times còn cho biết Mỹ có kế hoạch phát triển một hệ thống theo dõi tên lửa vệ tinh 2 tầng mới, nhằm thay đổi căn bản khái niệm cảm biến phòng thủ tên lửa dựa trên vũ trụ. Hệ thống phòng thủ tên lửa dựa trên vũ trụ của Mỹ hiện nay dựa vào một số vệ tinh lớn và đắt đỏ nằm ở quỹ đạo trong 15 năm trở lên. Mỹ muốn thay thế hệ thống cũ này bằng chùm vệ tinh 2 lớp hoạt động tại quỹ đạo thấp ở độ cao 1.000km và quỹ đạo trung bình (ở độ cao từ 10.000km đến 20.000km), sử dụng các loại vệ tinh rẻ hơn được thay đều đặn sau mỗi 5 năm.

Bất chấp các cải tiến hệ thống cảm biến như thế này, cuối cùng Mỹ có thể vẫn không đạt được một hệ thống hiệu quả chống lại các mối đe dọa siêu thanh.

Theo Asia Times, tỷ lệ thành công của hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa dựa trên Mặt đất (GBMD) của Mỹ chỉ ở mức khoảng 53%. Tỷ lệ như vậy là quá thấp đối với hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tên lửa đánh chặn SM-6 Standard cùng biến thể SM-6 Dual đều của Mỹ tỏ ra yếu kém trước các mục tiêu cơ động bay ở tốc độ siêu thanh.

Một nghiên cứu năm 2021 của tổ chức nghiên cứu tư vấn Istituto Affari Internazionali (Italy) nhận xét rằng phòng thủ tên lửa của châu Âu về mặt cấu trúc là liên kết với răn đe của NATO, còn Mỹ vẫn là bên tiên phong sử dụng các hệ thống Aegis và Patriot - hòn đá tảng trong phòng không và phòng thủ tên lửa của NATO.

Ngoài HYDEF, các nước châu Âu còn đang tăng cường hợp tác về phòng thủ tên lửa thông qua dự án TWISTER nhằm nâng cao sự tự chủ chiến lược./.

>> Xem thêm: Mỹ phủ nhận thua kém Nga và Trung Quốc về vũ khí siêu thanh

Từ khóa: Châu Âu đối phó tên lửa Nga, châu Âu đối phó với tên lửa siêu thanh Nga, châu Âu vá lỗ hổng, tên lửa siêu thanh Nga, hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, ngăn chặn tên lửa siêu thanh, châu Âu hợp lực ứng phó Nga, thách thức từ tên lửa Nga, mối đe dọa từ tên lửa Nga

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập