Chất vấn nhiều nội dung quan trọng tại Kỳ họp HĐND tỉnh Kiên Giang
Cập nhật: 17/07/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Nhiều đại biểu băn khoăn về tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp của ngư dân tỉnh Kiên Giang ngày càng gia tăng.
Tại phiên chất vấn trực tiếp của Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Kiên Giang sáng 17/7, nhiều ý kiến của cử tri quan tâm đến tình trạng tàu cá vi phạm trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, công tác đào tạo nghề và các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nhiều đại biểu băn khoăn về tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp của ngư dân tỉnh Kiên Giang ngày càng gia tăng và vẫn chưa có biện pháp khắc phục. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 16 tàu cá vi phạm với hơn 1000 ngư dân bị bắt giữ, xua đuổi. Điều này rất nguy hại khi hiện nay thuỷ sản Việt Nam đang bị Liên minh Châu Âu (EU) cảnh cáo “thẻ vàng”.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, Tỉnh uỷ Kiên Giang đã ban hành Nghị quyết số 34 ngày 13/7/2020 về tăng cường các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân tỉnh Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thuỷ sản trái pháp luật, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp; hoàn thiện hệ thống lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đảm bảo vận hành, kết nối với trung tâm giám sát hành trình của tỉnh...
Cụ thể, tăng cường công tác đấu tranh phòng ngừa và xử lý vi phạm như kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn với Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn 28 để tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát trên biển; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính cao nhất hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu phương tiện theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm.
"Chúng ta phối hợp tốt, xử lý nghiêm thì trong thời gian tới có thể giảm đến mức thấp nhất", ông Tâm khẳng định.
Về đào tạo nghề, toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo, trong đó có 3 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp với gần 1.000 giáo viên. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai đào tạo nghề theo kế hoạch 106, trong đó đa số là đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp, lồng ghép kế hoạch đào tạo nghề cho lao động tại các khu, cụm công nghiệp và khu du lịch.
Vì vậy đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề tại các khu công nghiệp, các khu resort, nhà hàng, khách sạn… Thông qua đào tạo đã tích cực đẩy nhanh công tác giải quyết việc làm cho hơn 35.000 cho lao động hàng năm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân đạt 1,62%/năm, đạt chỉ tiêu theo nghị quyết của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình báo cáo giải trình tại cuộc họp |
Báo cáo giải trình tại kỳ họp, ông Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm nay tiếp tục phát triển nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,23% theo kế hoạch đã đề ra đầu năm là thách thức rất lớn.
Vì vậy, Kiên Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu có tiềm năng; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu còn thấp; tận dụng tối đa các điều kiện để thúc đẩy du lịch nội địa, thu hút khách du lịch đến Kiên Giang nhiều hơn; phấn đấu chỉ tiêu khách nội địa đạt và vượt kịch bản đề ra.
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định ngành nông nghiệp. Tiếp đến là đẩy mạnh kích cầu nội địa, phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng trong tỉnh; bảo đảm cân đối cung - cầu một số mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá thị trường và phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp các ngành và địa phương.
Kỳ họp lần này thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có các nghị quyết về Phú Quốc như Nghị quyết về tán thành chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc, nhập xã Hòn Thơm vào thị trấn An Thới và thành lập các phường thuộc TP Phú Quốc; nghị quyết thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc tại xã Cửa Dương quy mô 163,97 ha; điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Vẹm tại xã Gành Dầu quy mô 217,6ha; điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bãi Ông Lang ở xã Cửa Dương 279,69ha; điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, xã Bãi Thơm quy mô 173,53ha./.
Từ khóa: HĐND Kiên Giang, Phú Quốc, chất vấn và trả lời chất vấn
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN