Chấp hành Luật giao thông, cần cả truyền thông lẫn cưỡng chế
Cập nhật: 19/08/2024
VOV.VN - Mặc dù các ngành chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo TT ATGT. Đặc biệt, lực lượng CSGT cũng đã tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Tuy nhiên ý thức chấp hành của người tham gia giao thông còn hạn chế dẫn đến tình hình TNGT vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Làm thế nào để cải thiện, nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ pháp luật về giao thông, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải - Phụ trách truyền thông và chính sách của tổ chức Vital Strategies tại Việt Nam.
PV: Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ TN, gây thiệt hại về người và của, thì truyền thông đóng vai trò quan trọng như thế nào?
Ông Lê Thanh Hải: Là một đơn vị chuyên môn thực hiện các chương trình truyền thông không chỉ ở Việt Nam mà còn tại khoảng 50 nước khác trên thế giới, chương trình của chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là những người dân sinh sống tại các nước có thu nhập thấp. Bởi vì đó là những cộng đồng có rủi ro cao nhất đối với TNGT.
Lý do vì sao cần phải nâng cao nhận thức thì chúng ta cũng biết rồi, không chỉ là đối với an toàn giao thông mà còn nhiều lĩnh vực khác. Khi con người có hiểu biết và tuân theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là liên quan đến an toàn giao thông, thì cũng sẽ góp phần thực thi các quy định của Chính phủ.
Đặc biệt, trong TP.HCM, đó là những quy định của CSGT để đảm bảo tất cả mọi người dân tham gia giao thông đều tuân thủ đúng quy định và pháp luật.
PV: Hiện nay, ở Việt Nam, chúng ta đang triển khai công tác truyền thông như thế nào và hiệu quả của nó ra sao?
Ông Lê Thanh Hải: Tuyên truyền giao thông ở Việt Nam, ở cấp Trung ương thì có Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các thành phố, các tỉnh thành thì đều có các Ban An toàn giao thông cấp thành phố, cấp tỉnh và xuống đến quận, huyện.
Tôi thấy đây là một cách tuyên truyền truyền thống rất hiệu quả, Việt Nam làm rất tốt so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề vẫn tồn đọng là làm sao để người dân khi tham gia giao thông có thể có trách nhiệm hơn.
Vấn đề này liên quan đến ý thức, mà ý thức đã tiềm ẩn sâu trong con người chúng ta rồi, nên thay đổi thì không thể trong thời gian ngắn mà thay đổi được. Kinh nghiệm thực tế từ các nước khác cho thấy rằng truyền thông luôn luôn đi song hành với cưỡng chế, tức là khi người ta đưa ra một quyết định, một chiến lược về truyền thông thì việc thực hiện phải hoàn toàn tuân thủ theo pháp luật.
Tôi nói ví dụ như là ở Việt Nam, trong quá trình thực hiện quản lý nồng độ cồn, đã có quy định không uống rượu bia khi lái xe. Một số thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM khi có Nghị định 100 thì vừa tuyên truyền, truyền thông rất rộng rãi đến tất cả người dân, tất cả cộng đồng, và song song đó là việc thực thi pháp luật, đặc biệt là CSGT giám sát thực hiện, đóng góp phần rất quan trọng.
Đấy là một trong những bài học mà Việt Nam có được từ việc thực hiện thành công so với các nước khác.
PV: Có nhiều trường hợp cho rằng không phải họ không muốn chấp hành luật giao thông, mà do hạ tầng giao thông một số nơi chưa đáp ứng được nhu cầu nên tình trạng chạy xe trên lề hoặc đi ngược chiều, bất chấp một số quy định về giao thông, vẫn thường xuyên xảy ra. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Lê Thanh Hải: Đây thực sự là vấn đề rất khó, không chỉ với riêng những nhà hoạch định chính sách mà Chính phủ cũng cần phải xem xét, bởi vì tôi cũng hoàn toàn đồng ý, đúng thật là nó tồn đọng lại rất nhiều vấn đề. Đặc biệt, ví dụ như cơ sở hạ tầng và những vấn đề khác có liên quan, như anh có nói, là người ta đi lấn lên vỉa hè.
Đúng thật thì nguyên nhân này bao giờ cũng đến từ hai phía: chủ quan và khách quan. Nhưng tôi nghĩ để mà thay đổi được, để có một kết quả tốt nhất như những nước khác đã làm, thì chúng ta cũng cần phải có một quá trình lâu dài để dần dần vừa thay đổi nhận thức, vừa hoàn thiện dần dần các điều kiện vật chất, điều kiện cơ sở hạ tầng liên quan đến giao thông.
PV: Ông đánh giá như thế nào về chủ đề thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn mà những năm gần đây chúng ta đang thực hiện?
Ông Lê Thanh Hải: Đây thực ra là một điều kiện kiên quyết trong việc tuyên truyền về an toàn giao thông, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trên thế giới. Đặc biệt, tổ chức Y tế Thế giới cũng như Liên Hợp Quốc trong chương trình về an toàn giao thông cũng luôn chỉ ra các điều kiện rất cơ bản, đó là thượng tôn pháp luật.
Các chiến lược truyền thông đưa ra không chỉ riêng về truyền thông mà luôn phải đồng hành song song với việc cưỡng chế yêu cầu thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đó là điều kiện kiên quyết để đảm bảo sự thành công hay không.
Và tất nhiên, nó không thể có kết quả ngay lập tức mà đây là một quá trình lâu dài. Thay đổi hành vi thì không thể một sớm một chiều được, mà cần một quá trình để thay đổi, cũng như là môi trường và nhiều yếu tố khác thì mới thay đổi được
PV: Vâng, xin cảm ơn ông.
Từ khóa: giao thông, pháp luật giao thông, giao thông, tai nạn giao thông, ý thức người dân,tuân thủ pháp luật về giao thông,lực lượng cảnh sát giao thông,người tham gia giao thông
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nguyễn sử/vov-giao thông
Nguồn tin: VOVVN