Chàng trai Việt cất bằng thạc sỹ ở Nga để theo đuổi giấc mơ phi công

Cập nhật: 19/05/2022

[VOV2] - Tốt nghiệp thạc sỹ Hàng không - Hệ thống điện điều khiển máy bay, Trường Đại học Hàng không dân dụng quốc gia Moskva nhưng với khát khao trở thành phi công, về Việt Nam, Lê Đình Nghĩa tiếp tục theo đuổi nghề "làm bạn với bầu trời".

Theo đuổi tận cùng ước mơ

Lê Đình Nghĩa (31 tuổi) đã hoàn thành khóa học tại Trường Phi công bay Việt, mới được tiếp nhận vào đoàn bay 919. Sắp tới, anh sẽ chuyển sang tàu bay A321 của Vietnam Airlines để khai thác.

Tốt nghiệp thạc sỹ tại Trường Đại học hàng không dân dụng quốc gia Moskva nhưng với khát khao trở thành phi công, về Việt Nam, Lê Đình Nghĩa tiếp tục theo đuổi nghề "làm bạn với bầu trời". (Video NVCC)

“Từ bé mình đã muốn làm phi công nhưng trước đây internet chưa phát triển, tất cả những gì mình biết về hàng không rất mù mờ. Được biết, phi công đòi hỏi cao, chi phí học tập lớn, bố mẹ nói rằng “con không làm được đâu”. Lúc đó mình cũng buồn”.

Gia đình định hướng để Nghĩa theo học kinh tế, luật nhưng anh suy nghĩ “nếu không làm phi công thì sẽ học gì đó liên quan đến hàng không, kỹ thuật".

“Ngày xưa mình rất thần tượng chú Phạm Tuân, cũng biết tất cả phi công của ta đều được đào tạo từ Nga về. Bố mình cũng sinh sống và làm việc tại Nga, khao khát muốn làm phi công nên mình xin sang bên đấy học phổ thông để tìm con đường trở thành phi công”.

Năm 2004 Nghĩa sang Nga học phổ thông. Đến năm 2011 anh theo học ngành Khoa học Toán - Tin tại Trường Đại học Hàng không dân dụng quốc gia Moskva. Sau đó tiếp tục học lên thạc sỹ  hàng  không - Hệ thống điện, điều khiển máy bay.

Thời gian học ở Nga, Nghĩa cũng tìm hiểu về các chương trình đào tạo phi công, rồi vừa học vừa kiếm thêm thu nhập để theo đuổi ước mơ của mình.

Mãi về sau, khi có duyên gặp gỡ cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, hiệu trưởng Trường Phi công bay Việt, Nghĩa mới biết Việt Nam cũng có trường bay, có thi tuyển phi công. Nhìn thấy cơ hội nhưng vẫn đang học dở thạc sỹ, anh quyết tâm "đã làm cái gì thì phải làm đến cùng", tốt nghiệp thạc sỹ hàng không năm 2017 mới trở về Việt Nam để theo đuổi giấc mơ chinh phục bầu trời.  

“Với đặc thù của nghề này, bao giờ Việt Nam cũng ưu tiên cho công dân của mình trước. Quan trọng nhất là “mình muốn đóng góp cho đất nước. Gia đình ở Việt Nam nên mình muốn trở về”, Nghĩa chia sẻ lý do trở về nước sau 13 năm học tập tại Nga.

Hành trình trở thành phi công

Về Việt Nam, Nghĩa ngay lập tức đăng ký thi tuyển vào Trường Phi công bay Việt và bắt đầu trải qua 4 kỳ thi. Đầu tiên là bài thi xét tuyển phi công ADAPT. Kế đến là kiểm tra sức khỏe; Kiểm tra Toán, Lý, Hóa và phỏng vấn hoàn toàn bằng tiếng Anh.

6 tháng học lý thuyết là quãng thời gian gian nan nhất của đời phi công. Bởi trong thời gian này học viên sẽ phải tiếp cận khối kiến thức rất lớn với 14 môn học. “Gần như mỗi tuần phải học thuộc 1 quyển sách dày 300-500 trang và phải thi luôn, gần như tuần nào cũng có kỳ thi”, Nghĩa chia sẻ.

Đây là chướng ngại vật đầu tiên với những ai muốn chinh phục nghề phi công. Trên thực tế, với kiến thức lý thuyết học nặng, nếu không vượt qua được nhiều bạn đã chọn cách bỏ cuộc.

Sau khi hoàn thành 6 tháng lý thuyết, Nghĩa được sang nước ngoài học bay, trải qua 3 bằng cơ bản PPL (Chứng chỉ phi công cá nhân), Instrument Rating (Chứng chỉ bay bằng thiết bị), CPL (Chứng chỉ phi công thương mại).

“Thời gian học bay là quãng thời gian đẹp nhất đời phi công. Cột mốc đáng nhớ nhất là khi được nhả bay đơn. Lần đầu tiên thầy và các đồng nghiệp tin tưởng giao cho mình điều khiển máy bay hàng trăm ngàn đô. Lúc đó, vừa bay vừa sợ nhưng cảm giác cả máy bay và phi công hòa làm một, cảm xúc khó nói”.

Sau khi hoàn thành kỳ kiểm tra các kỹ năng PPL ở Mỹ, anh về Việt Nam tiếp tục học thêm phối hợp tổ lái (bằng MCC). Giai đoạn này, 2 người phối hợp với nhau để cùng điều khiển 1 chiếc máy bay. "Vì phối hợp tổ lái cho nên phải hiểu nhau. Phi công sau này đi bay không phải lúc nào cũng 2 người phối hợp mà sẽ phải thay đổi người. Để đảm bảo an toàn sẽ có quy trình chung, phối hợp với nhau ăn ý nhất. Trong quãng thời gian này nếu 1 bạn trượt thì cả 2 bạn cùng trượt”, Nghĩa chia sẻ.

Sau khi học xong MCC, làm quen với máy bay phản lực thì được chuyển hồ sơ sang đoàn bay 919 trực thuộc Vietnam Airlines. Trước đó, nếu được tuyển vào Vietnam Airlines, học viên sẽ phải trải qua 2 tháng huấn luyện quân sự ở Nha Trang.

Hoàn thành khóa đào tạo phi công năm 2020 nhưng không may đây cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.

“2 năm COVID-19 là quãng thời gian ám ảnh vì mình lúc nào cũng trong trạng thái chờ đợi không biết bao giờ được bay tiếp. Với những bạn bỏ ra số tiền không nhỏ để đi học phi công thì áp lực rất lớn vì phi công để khai thác bay thì sau 90 ngày sẽ phải bay cất cánh, hạ cánh ít nhất 3 lần mới giữ được bằng bay”.

2 năm không bay có nghĩa là khả năng sẽ yếu đi, sẽ phải thi lại, vừa áp lực nghề nghiệp vừa áp lực về kinh tế và gia đình.

Sau thời gian khủng hoảng vì dịch bệnh, mọi thứ đã tái khởi động. Nghĩa lọt vào nhóm được hãng Vietnam Airlines bao cấp tiền học phí chuyển loại. Còn chi phí học cơ bản, cả ăn uống dao động từ 2-2.5 tỷ đồng.

Theo chương trình học, chuyển loại sẽ mất khoảng 3 tháng. Từ khi tốt nghiệp xong phi công cơ bản mất khoảng 3-4 tháng, vào hãng sẽ đào tạo trở thành cơ phó.

Thi lại, học lại còn tốt hơn để xảy ra tai nạn

Khi bắt đầu một chuyến bay, phi công luôn phải giữ sức khỏe ở trạng thái tốt nhất, không để bản thân thiếu ngủ, đói. “Cảm thấy sức khỏe yếu là phải từ chối bay để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và các hành khách”.

Tiếp đó là kiểm tra thời tiết, lập kế hoạch bay an toàn. Nếu gặp giông bão sẽ phải có phương án hạ cánh tại đâu? Đảm bảo máy bay không hỏng hóc, không có lỗi, bất kỳ lỗi nào đều phải báo cáo cho bộ phận kỹ thuật để đánh giá lại máy bay. Đảm bảo máy bay ở trạng thái hoàn hảo nhất mới tiếp nhận và thực hiện chuyến bay.

“Khi thực hiện chuyến bay, khó nhất là giao tiếp với không lưu, đòi hỏi trình độ trình tiếng Anh và vì trên đài sóng nghe rất khó, dù bên hàng không có cú pháp sẵn để giảm tải công việc nhưng phải nghe chính xác và nhắc lại huấn lệnh cho đúng”.

Kết thúc chuyến bay, một lần nữa phải kiểm tra toàn bộ máy bay để tránh những rủi ro cho các phi công sau tiếp nhận máy bay. Cuối cùng là ghi nhật ký giờ bay.

Lê Đình Nghĩa thuộc nằm lòng quy trình làm việc của một phi công dân dụng trong mỗi chuyến bay - công việc anh sẽ thực hiện trong thời gian tới.

“Trong quá trình huấn luyện bay, áp lực đầu tiên là tập trung cao độ. Chỉ cần bấm sai 1 nút trước mắt sẽ phải trả giá bằng việc thi lại, học lại nhưng thi lại còn tốt hơn xảy ra tai nạn.

Không giống như nhiều ngành nghề khác, học ngành này có bằng phải tiếp tục đi học chứ không phải đi làm luôn. Áp lực sẽ gần như đi đến hết quá trình nghề nghiệp của mình, lúc nào cũng cần nâng cấp kiến thức, cập nhật công nghệ”.

Bù lại, phi công có thu nhập ở mức cao so với mặt bằng chung, được đi đây đi đó. "Khi được trực tiếp cầm lái mình cảm thấy yêu đời, yêu nghề hơn, cảm thấy chinh phục được điều gì đó vĩ đại và cần phải có trách nhiệm với cuộc sống hơn”.

Từ trước đến nay mọi người luôn nghĩ phi công là điều gì đó xa vời với những đòi hỏi về sức khỏe và tài chính khi theo học nhưng theo Nghĩa không quá khó để thực hiện được ước mơ. Anh cho rằng, các bạn trẻ muốn trở thành phi công thì nên tập trung các môn Toán, Lý, Tiếng Anh.

“Tiếng Anh càng giỏi càng tốt vì học 100% tiếng Anh. Chịu khó tập thể dục và tăng cường sức khỏe của mình. Để trở thành phi công dân dụng, các bạn cũng cần lên kế hoạch tài chính để đi hết chặng đường bởi trên thực tế có những bạn không đủ điều kiện tài chính bỏ dở việc học sẽ rất lãng phí”./.

Từ khóa: phi công, phi công dân dụng, thạc sỹ hàng không, Lê Đình Nghĩa, nghề phi công, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập