Chàng trai Hà thành bỏ Đại học Ngoại thương để làm PT
Cập nhật: 06/08/2022
Vụ xe đâm tử vong bé 17 tháng tuổi trong nhà ở Tuyên Quang: Lấy mẫu máu nam tài xế
An Giang: Bắt 3 đối tượng xuất khống hóa đơn trên 16 tỷ đồng
[VOV2] - Phạm Minh (26 tuổi) là một huấn luyện viên cá nhân (PT) có tiếng ở Hà Nội. Bỏ trường ĐH Ngoại Thương để theo đuổi công việc của HLV, sau 7 năm anh đã tạo dựng được "cơ ngơi" cho riêng mình.
Bỏ đại học để theo nghiệp PT
Phạm Minh (26 tuổi) là một huấn luyện viên cá nhân (PT) có tiếng ở Hà Nội, đồng thời cũng là ông chủ của A.C.E Private Gym. Chính thức trở thành huấn luyện viên từ năm 2015, Minh tự nhận xét anh có một hành trình đến với nghề không bằng phẳng chút nào.
Năm 17 tuổi, khi tình cờ xem video trên youtube về một người châu Á có cơ bắp lớn, Minh rất hâm mộ và bắt đầu tập theo từ đó.
Phạm Minh là cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, cựu sinh viên trường ĐH Ngoại Thương. Khi hết học kỳ đầu tiên ở trường ĐH, vì niềm đam mê quá lớn với gym, anh quyết định bảo lưu kết quả một năm để làm HLV ở Elite Fitness.
Nửa năm sau, Minh trở lại với giảng đường. Nhưng được một năm rưỡi, anh quyết định nghỉ hẳn để mở phòng tập và nghiêm túc theo đuổi con đường HLV.
Nghe chia sẻ của Phạm Minh tại đây:
“Lúc đó mình còn rất trẻ, rất muốn theo việc này. Mình có năng khiếu thể thao và là người chơi thể thao từ bé nhưng vì nhiều lý do và bố mẹ định hướng việc học nên đã nghe theo bố mẹ. Tuy nhiên, khi vào ĐH, mình cảm thấy đủ lớn và có thể tự quyết định con đường của mình”, Minh chia sẻ.
Ở thời điểm đó, Phạm Minh có thu nhập khá tốt từ công việc HLV cá nhân. Anh cũng có lượng lớn follow trên mạng xã hội nhưng vốn là “con ngoan trò giỏi” nên khi thông báo sẽ nghỉ học để phát triển sự nghiệp PT, bố mẹ Minh rất sốc và kịch liệt phản đối.
“Bố là người phản ứng mạnh nhất vì bố kỳ vọng nhiều chuyện học hành, 2 bố con cũng to tiếng với nhau một chút nhưng cũng chỉ hôm đó. Sau mọi người hiểu hơn, được cái bố mẹ mình cũng rất hiện đại. Khi biết mình nghiêm túc theo đuổi sự nghiệp này thì ủng hộ hết mực”, Minh chia sẻ.
Nguyên tắc của một HLV
Giờ đây Phạm Minh đã có 2 cơ sở A.C.E Private Gym, vừa kinh doanh vừa thỏa mãn được đam mê làm huấn luyện.
Người em trai của Phạm Minh là Phạm Nam Sơn, 24 tuổi cũng quyết định đầu quân cho A.C.E Private Gym với vai trò là PT sau khi tốt nghiệp trường ĐH RMIT. Sơn vui vẻ, vì có anh trai “mở đường” nên việc chuyển ngang sang công việc này được bố mẹ hoàn toàn ủng hộ.
Phòng tập thường đông nhất vào cuối mỗi buổi chiều, nhưng công việc của các PT lại phụ thuộc phần lớn vào thời gian của khách hàng. Do đó, Sơn có thể thức dậy vào 6h sáng nhưng cũng có khi kết thúc giờ làm việc vào 9h tối.
“Ngoài huấn luyện cho khách hàng, theo dõi quá trình tập luyện của họ và đưa ra những lời khuyên về sinh hoạt, ăn uống giúp khách hàng khỏe mạnh hơn thì việc của những PT như Sơn còn có cả chăm sóc bản thân tốt hơn mỗi ngày để làm gương cho khách hàng”, Minh cho biết.
Đứng huấn luyện 5-7 khách mỗi ngày nên theo Sơn đây là công việc khá mất sức. Sơn cho rằng, để trở thành HLV tốt phải trờ thành người tập luyện có kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới từng ngày. Ngoài học để lấy bằng thì PT còn nghiên cứu về dinh dưỡng và sức khỏe để tư vấn cho khách hàng tốt hơn.
Làm ở trung tâm nào cũng vậy, PT đều phải tiếp cận khách hàng, kiểm tra thể trạng để tư vấn khách hàng. Sau khi bán gói tập thì lên chương trình, lên thực đơn dạy khách hàng. “Nói thì đơn giản nhưng khó nhất PT phải có thời gian tích lũy kiến thức và cần có kỹ năng thuyết phục để tạo doanh số riêng của mình”.
Để thành công với nghề PT bây giờ phải trau dồi và tích lũy kiến thức rất nhiều song Phạm Minh cho rằng, so với các nước phát triển, fitness du nhập vào Việt Nam chưa phải quá lâu nên ở đâu đó vẫn có những suy nghĩa đánh giá công việc này chỉ có chân tay không có đầu óc. Thậm chí, nhiều bài báo từng nói HLV ngoại tình với học viên. Đây chính là điều áp lực nhất của công việc này.
7 năm làm nghề, Phạm Minh đặt ra nguyên tắc “bất di bất dịch” đó là “luôn trung thực với khách hàng, không khiến khách hàng ảo tưởng về mục tiêu và kết quả họ nhận được. Đồng thời luôn giữ thái độ chuyên nghiệp, không phát triển quan quan hệ vượt qua giới hạnh khách hàng và HLV.
Xây dựng hình ảnh quan trọng ngang với chuyên môn
Để theo đuổi sự nghiệp fitness, theo Phạm Minh, các bạn trẻ bây giờ có thể tìm một trong những trung tâm uy tín hoặc tổ chức nước ngoài nào đó để học lấy bằng. Khi có nền tảng, bạn cần ít nhất 1-2 năm tập luyện để hiểu được cơ thể con người, hiểu tâm lý khách hàng và hiểu cơ thể phản ứng thế nào, sau đó xin vào trung tâm lớn làm lấy kinh nghiệm và nếu có thể hãy phát triển hình ảnh bản thân bằng các nền tảng Youtube, Facebook, Tiktok, Instagram...
Bên cạnh trau dồi chuyên môn, ông chủ của A.C.E Private Gym cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh. “Lúc mới vào nghề không phải ai cũng may mắn có danh tiếng, khi chưa tạo dựng được hình ảnh, PT thường kỳ vọng thu nhập khoảng 10-15 triệu. Tuy vậy, khi phát triển hình ảnh tốt thì con số có thể nhân lên nhiều. “Ví dụ khi mới làm online coaching, sevice thấp nhưng khách hàng của mình nhiều, thu nhập bình quân có thể lên 50-60 triệu/tháng”, Minh chia sẻ.
Từ khóa: PT Gym, huấn luyện viên cá nhân, hành trình nghề nghiệp, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2