Champasak và ước mơ “một ngày ăn cơm 3 nước”

Cập nhật: 08/10/2020

VOV.VN - Rời Savanakhet sau bữa trưa với anh em Công ty cao su Quasa Geruco tại huyện Sê pôn, chúng tôi trở lại 150 km của Quốc lộ 9...

Rời Savanakhet sau bữa trưa với anh em Công ty cao su Quasa Geruco tại huyện Sê pôn, chúng tôi trở lại 150 km của Quốc lộ 9. Đến ngã ba Sê-nô, xe không vào thành phố Cayson Phomvihan mà rẽ trái đi tắt vào Quốc lộ 13. Đường tốt, xe không nhiều nên chỉ sau 4 tiếng, chúng tôi đã đến thành phố Pakxe, tỉnh lỵ của Champasak, sau khi đã bỏ lại phía sau nhiều làng mạc, chùa chiền và cả những cánh rừng vừa được khoát màu áo non tơ nhờ những cơn mưa đầu mùa của Lào.

Là một trong những tỉnh lớn nằm ở phía tây nam Lào, Champasak giáp các tỉnh Saravan, Sekong, Attapeu về phía bắc, giáp biên giới với Stung Treng và  Preah Vihear của Campuchia về phía nam;  Ubon và Ratchathani của Thái Lan về phía Tây. Hai con sông Mekong và Sedon từ ngàn đời lặng lẽ mang nặng phù sa đắp bồi cho vùng đất này thêm trù phú để cây trái sum suê bốn mùa, để miền đất này trở thành nơi sinh sống của bao thế hệ người Lào bản địa. Cùng với đó là người Thái, người Việt, người Hoa và cả người Tây về đây tụ hội, biến Champasak thành một tỉnh phát triển về kinh tế và đa dạng về văn hóa ở Nam Lào.

Một vùng đất trù phú

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Champasak, Somphone Phommixay cho biết, tỉnh đã quy hoạch cao nguyên Boloven thành vùng ưu tiên sản xuất nông nghiệp. Trong đó, huyện Paksong và một phần của huyện Ba Chieng Chaleunsouk dành ưu tiên để trồng cà phê, rau củ quả, chăn nuôi gia súc hàng hóa.

Mùa mưa, từ thành phố Pakxe về huyện Paksong, dã quỳ rực vàng hai bên đường. Nhà cửa, làng mạc của người Lào cứ loang loáng qua cửa kính ô tô, trông chả khác mấy như đi giữa mùa mưa Tây Nguyên. Nguồn đất đỏ bazan cộng với khí hậu mát mẻ quanh năm nhờ ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển đã giúp Champasak trở thành thủ phủ cà phê của Lào, khi diện tích cà phê ở đây có hơn 50.250 ha, chiếm 80% diện tích cà phê cả nước.

Thị trấn Paksong mùa covid vắng hoe. Xong bữa tối, tôi lượn ô tô một vòng thị trấn để hít thở chút không khí mát lạnh của cao nguyên Boloven cho thỏa ao ước bấy lâu. Con đường lớn chạy ngang qua thị trấn đi giữa những dãy nhà cao tầng rộng rãi, sáng choang dưới ánh điện, nhà nào cũng có một, hai chiếc ô tô. Anh bạn đi cùng bảo tôi, “người Lào nhà nào có điều kiện đều sắm vài ba chiếc ô tô. Chiếc để đi làm, chiếc đi chơi và chiếc để về trang trại cuối tuần”.

Mới 8 giờ tối mà nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Những dãy kiot tập kết đầy ắp các loại rau củ quả xứ lạnh trông thấy khi chiều, đã được phủ bạt kín mít. Chủ sạp đã về nhà sau khi những chiếc ô tô hoàn tất việc nhận hàng và tỏa về các tỉnh, vượt tận 700km về đến Vientiane cung cấp cho các siêu thị. Người Lào là vậy, nghỉ là nghỉ, không có chuyện làm thêm.            

Câu chuyện bên tách cà phê tự tay pha cho khách của ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc chi nhánh cà phê Minh Tiến tại Lào cuối buổi chiều giúp chúng tôi hiểu rằng, để có được cái danh “ thủ phủ cà phê”, không đơn giản là trồng được bao nhiêu hecta, thu được nhiêu nghìn tấn, xuất khẩu đi bao nhiêu nước, mà cốt lõi là ở chất lượng.

Đầu thế kỷ trước, người Pháp đã mang cây cà phê đến Champasak, truyền bá một thứ thức uống tao nhã, rất hợp với lối sống chậm của người Lào. Để rồi, trồng, chế biến, thưởng thức cà phê trở thành một nghề mang lại nhiều giá trị về kinh tế, văn hóa cho đất và người nơi đây.

Khi cà phê có giá, từng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Champasak đầu tư trồng cà phê, xây dựng nhà máy chế biến. Nhưng rồi, số trụ được không nhiều. Tập đoàn Đào Hương (Dao Hueang) của Việt kiều Lê Thị Lượng trở thành doanh nghiệp trồng, thu mua và xuất khẩu cà phê lớn nhất tại Lào nhờ đột phá với sản phẩm cà phê rang xay, hoà tan và cà phê 3 trong 1.

Còn cái tên Minh Tiến, tuy chưa phải đình đám gì ở Lào, nhưng là cánh tay nối dài góp phần làm nên thương hiệu cà phê Minh Tiến ở Việt Nam. Với vùng nguyên liệu Arabica, Robusta trải rộng từ Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị và sang tận Lào, đề cao phương châm“ trả cà phê về với giá trị thật”, mọi khâu trồng, thu hái, chế biến và xuất khẩu cà phê của Minh Tiến đều đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các tập đoàn, công ty rang xay, xuất khẩu cà phê danh tiếng trên thế giới, được chương trình chứng nhận toàn cầu chứng nhận là doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm, bền vững và thân thiện với môi trường.

Nhờ các doanh nghiệp này mà cà phê Paksong đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Nhưng nhiều nhất vẫn là Việt Nam (chiếm 65% sản lượng), còn lại là Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia, Bỉ, Thụy Sĩ, Mỹ... xứng đáng là gương mặt đại diện cho cà phê Lào.

Nhưng Paksong đâu chỉ có cà phê. Hàng nghìn hecta cây ăn quả của Công ty Đại Thắng (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) và các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan...cũng đã góp phần làm nên vựa rau quả lớn nhất của xứ sở Triệu Voi với nhiều loại trái cây giá trị như sầu riêng, bơ, mít, thanh long... ngon nức tiếng. Tháng 7 sầu riêng chín rộ, dọc quốc lộ 16B, sầu riêng chất thành đống, giá chỉ từ 30 - 40.000 kip (75.000 - 100.000đ)/kg. Sầu riêng ở đây quả không lớn như của Thái Lan nhưng cùi rất ngậy và mùi thơm thật là đặc biệt. Ai đã thưởng thức một lần, chắc sẽ khó quên.

Champasak cũng là một trong những tỉnh có diện tích cao su lớn của Lào nhờ thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Tiên phong trong số đó là Công ty cao su Việt – Lào với 10.000 ha vườn cây sau 14 năm hoạt động, gần 9.300ha đã cho khai thác, sản lượng mủ tươi năm nay dự kiến hơn 18.000 tấn, sản phẩm sau chế biến hầu hết được xuất khẩu, dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 80 tỉ đồng. “Sự phát triển của cây cao su còn mang lại nhiều ý nghĩa xã hội to lớn khi góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống cho hơn 2.700 lao động, trong đó có hơn 2.320 người Lào; đóng góp hàng chục tỉ đồng cho các chương trình an sinh xã hội... góp phần đổi thay đáng kể bộ mặt nông thôn trong vùng dự án”-  Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Công ty cao su Việt-Lào chia sẻ.

Ông Tỉnh trưởng và ước mơ “một ngày ăn cơm ba nước”

Nghiêng mình từ cao nguyên Thanh Tạng (Trung Quốc), đổ dần xuống phương Nam, băng qua bao thác dốc của địa hình rừng núi xứ nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, sông Mekong về đến Hạ Lào đã chững dòng, để rồi ngập ngừng trải lòng mình tạo nên một vùng sông nước mênh mông với vô số cù lao, đảo lớn, đảo nhỏ trông như những đàn cá khổng lồ suốt đêm ngày đùa giỡn, tạo nên những ngọn thác nối tiếp nhau tung bọt trắng xóa giữa trời nước mênh mông. Người Lào gọi đây là xứ sở Xì-phăn-đòn (Siphandon) – nghĩa là 4.000 đảo - một thắng cảnh nổi tiếng, một nơi rất đáng để những người thích xê dịch ước mơ một lần được chiêm ngưỡng.

Ở vào một vị trí đặc biệt như vậy nên từ nhiều thế kỷ trước, Champasak đã là một lãnh địa hùng mạnh trong lưu vực Hạ Mekong; từng là tiền đồn của vương triều Khmer dưới thời Đế chế Angkor; là 1 trong 3 lãnh địa thuộc Vương quốc Lan Xang (Triệu Voi) và bây giờ, là một tỉnh lớn, một cực phát triển quan trọng phía Nam Lào.

Nhờ thế mà Champasak đã sở hữu nhiều di sản về văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Đền Wat Phou, Wat Oum Muong, làng dệt Saphai Veunexay, thác Khone Pha Pheng ở Xiphandon, chùa Phou Salao - nơi sở hữu tượng Phật dát vàng lớn nhất vùng.

Wat Phou là một quần thể đền thờ bằng đá, nằm phía bắc sườn núi Kao (núi Voi), cách thành phố Pakxe khoảng 45 km, sát  biên giới với Thái Lan và Campuchia. Quần thể đền tháp cổ kính được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 13, từng là trung tâm của đạo Hindu. Đến khi đạo Phật trở thành Quốc giáo, người Lào đã trùng tu và biến nơi đây thành ngôi đền thờ Phật.

Lễ hội Wat Phou vào dịp rằm tháng 3 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo người hành hương khắp nước Lào và du khách quốc tế. Nhờ những giá trị độc đáo về kiến trúc, điêu khắc, kỹ thuật xây dựng và tín ngưỡng mà năm 2001, Wat Phou được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Câu chuyện trong bữa cơm tối với Tiến sĩ Vilayvong Boukdakham tại nhà công vụ khi ông về nhậm chức Bí thư – Tỉnh trưởng Champasak chưa lâu, sau mấy lời giao đãi vẫn là những trăn trở làm sao đưa vùng đất này thực sự trở thành một cực phát triển, không chỉ là thủ phủ của Nam Lào mà còn là điểm kết nối giữa các nước Thái Lan - Lào - Việt Nam và Campuchia.

Là người đi nhiều, học nhiều, từng có thời gian dài công tác ở trung ương, hẳn là ông không mong muốn viễn vông, khi Champasak là một tỉnh nằm trên tuyến Hành lang kinh tế  Đông – Tây thứ 2 nối Đà Nẵng - Nam Giang (Việt Nam) với Sekong - Champasak (Lào) và Vangtau - Ubon Ratchathani - Bangkok (Thái Lan).  Đường đã tốt, cửa khẩu Nam Giang – Dak Ta Ook  giữa Quảng Nam và Sekong đang được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, việc lưu thông hàng hóa giữa Thái Lan, các tỉnh Nam Lào và miền Trung Việt Nam sẽ thuận lợi hơn. Từ Champasak, rau quả, cà phê sẽ vượt quãng đường hơn 400km là về đến Đà Nẵng trong ngày; hàng hóa từ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan cũng chỉ mất khoảng 600km là đến với các cảng biển miền Trung Việt Nam, ngắn hơn 300 km so với về cảng Laem Chabanh gần Bangkok. Nếu xuất khẩu đến các nước Bắc Á thông qua cảng biển miền Trung như Đà Nẵng, Kỳ Hà sẽ gần hơn 1.200 hải lý so với qua cảng Bangkok.

Các hãng lữ hành lớn ở miền Trung Việt Nam đang hợp tác xây dựng chương trình du lịch “3 di sản một điểm đến”, đưa khách tham quan các Di sản văn hóa của 3 nước Đông Dương. Hội nghị Xúc tiến du lịch giữa các tỉnh Nam Lào với miền Trung Việt Nam được tổ chức năm ngoái đã đặt những viên gạch đầu tiên cho cái bắt tay của doanh nghiệp, chính quyền các địa phương hai nước khai thác hết tiềm năng, lợi thế, đưa khách Việt Nam đi du lịch, khám phá các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa thế giới ở Nam Lào như Đền Wat phou, thác nước Khone Phapheng (tỉnh Champasak), thác nước Se pha (Attapeu), khám phá vẻ đẹp của cao nguyên Boloven…đồng thời đón khách du lịch từ đông bắc Thái Lan và các tỉnh Nam Lào sang nghỉ ngơi tắm biển Đà Nẵng, khám phá Bà Nà Hill, tham quan các Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Hội An, Huế, nghỉ dưỡng sinh thái ở Măng Đen (Kon Tum)…

Hơn 400 km từ Champasak về Đà Nẵng sẽ không còn xa nữa khi quốc lộ 16B đã được đầu tư nâng cấp. Cầu đã nối, đường đã rộng để câu chuyện  “một ngày ăn cơm ba nước: Sáng Thái Lan, trưa Lào, tối Việt Nam” không chỉ là ước mơ của riêng ông Bí thư - Tỉnh trưởng Champasak mà đó còn là niềm khát khao khám phá của mỗi người dân, là ước mơ trỗi dậy của một vùng đất trù phú bên dòng Mekong ở phía cực Nam đất nước xinh đẹp, mến khách này./. 

Từ khóa:

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập