Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Tại sao không?

Cập nhật: 15/04/2022

VOV.VN - Sức khỏe tinh thần theo đúng nghĩa là sự mạnh khỏe về mặt tinh thần và khi có sự cố cuộc sống, sự khỏe mạnh tinh thần đó bị ảnh hưởng, bị sang chấn mặt tâm lý hiện ít được quan tâm.

“Chúng tôi đã từng nghiên cứu hơn 500 bà mẹ mang thai tại 1 vùng nông thôn ở nước ta, có tới 11% trong số đó bị trầm cảm nhưng không có ai sử dụng dịch vụ y tế để hỗ trợ cho vấn đề của mình. Người ta cứ tự “bơi”, tự nỗ lực 1 mình, có người vượt qua được, có người không vượt qua được nên mới dẫn đến những câu chuyện đau lòng...” – thạc sĩ Trần Thị Thu Hà ở phòng khám Cây Thông Xanh thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng mở đầu cuộc trao đổi về vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Việt Nam với phóng viên bằng một thông tin như thế.

Theo chị, có thể sẽ có ít hơn tỷ lệ 11% trong số 500 bà mẹ ấy không rơi vào trạng thái trầm cảm nếu như những bất ổn về mặt tinh thần của họ được quan tâm, nhận biết và can thiệp sớm, ngay từ khi nó mới xuất hiện. Thế nhưng, rất đáng tiếc, ở nước ta, đây lại là vấn đề ít hoặc chưa được quan tâm, thậm chí vẫn còn có những cách hiểu chưa đúng về chăm sóc sức khỏe tinh thần.

“Chúng ta cứ nghĩ rằng, những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần là những người “tay nhặt lá, chân đá ống bơ” và chúng ta gọi họ là những người bị tâm thần, còn sức khỏe tinh thần theo đúng nghĩa là sự mạnh khỏe về mặt tinh thần và khi có sự cố cuộc sống, sự khỏe mạnh tinh thần đó bị ảnh hưởng, bị sang chấn mặt tâm lý hoặc nghiêm trọng hơn bị chuyển sang bệnh lý tâm thần hiện ít được quan tâm”- Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà chia sẻ.

Những bất ổn về mặt tâm lý, tinh thần hay còn gọi là rối nhiễu tâm trí là hiện tượng rất dễ gặp trong cuộc sống của bất kỳ ai. Thế nhưng, phần lớn người Việt chúng ta mới chỉ chú ý đến sức khỏe thực thể của mình, khi ốm đau thì đi bệnh viện nhưng còn ốm đau về tinh thần thì ít được quan tâm, chăm sóc. Trong khi đó, nếu những tổn thương về mặt tinh thần không được nhận ra và giải quyết sớm sẽ rất nguy hiểm. Các nghiên cứu đã cho thấy, một khi tình trạng rối nhiễu tâm trí xảy ra nó sẽ kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều chu kỳ và các chu kỳ sau thường nặng hơn chu kỳ trước khiến cho mọi thứ khó có thể kiểm soát được.

“Nó có thể khiến một người từ trầm cảm độ 1 chuyển sang độ 2 và 3,4. Lúc này sẽ kéo theo hành vi có thể làm hại bản thân mình và những người xung quanh” - Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà cho biết.

Làm thế nào để nhận diện những bất ổn về mặt tâm lý? Đó là khi trạng thái căng thẳng, lo âu, chán nản, ngại giao tiếp, dễ cáu bẳn ở bạn lặp đi lặp lại trong nhiều ngày và kéo dài từ 2-3 tháng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, công việc và các mối quan hệ hàng ngày. Lúc này, nếu không thể tự mình vượt qua, thạc sĩ Trần Thị Thu Hà khuyến cáo, bạn nên đến cơ sở y tế hoặc các trung tâm tư vấn về tâm lý để được khám sàng lọc. Nếu sau khi sàng lọc và được xác định thuộc ngưỡng có khả năng bị rối nhiễm tâm trí, cụ thể như căng thẳng, lo âu, trầm cảm… lúc đó mới đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khám lâm sàng chẩn đoán và được can thiệp, điều trị sớm. Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần và bác sĩ /cán bộ chuyên khoa tâm lý lâm sàng sẽ cùng phối hợp để trị liệu cho bạn.

Làm thế nào để chữa lành những tổn thương tinh thần? Cũng giống như sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cần được quan tâm, chăm sóc thường xuyên. Để làm được điều này, theo thạc sĩ Trần Thị Thu Hà, quan trọng nhất là mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm với bản thân mình, luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan. Mỗi người nên có một thú vui, sở thích nào đó mà khi mình buồn mình sẽ thả mình vào trong đó để tìm niềm vui. Đọc sách, nghe nhạc, cà phê, tập yoga, thể dục...cũng là cách có thể chữa lành những lo lắng, mệt mỏi, đau đớn nhất thời về mặt tinh thần.

Một biện pháp quan trọng nữa, theo thạc sĩ Trần Thu Hà: “chúng ta nên duy trì tư duy coi các thành viên trong gia đình là “đối tác” của mình vì khi coi nhau là đối tác chúng ta sẽ cư xử nhẹ nhàng hơn, trân trọng, yêu thương nhau hơn. Chính môi trường nhẹ nhàng ấm áp đó khiến cho sức khỏe tinh thần của toàn bộ gia đình cùng được nâng đỡ”. Còn một khi bạn thấy suy nghĩ của mình bắt đầu hơi khác thường, không còn hứng thú với những việc trước đây mình thích, tính khí thay đổi, dễ cáu, dễ bức xúc vì những chuyện không đáng có, rất có khả năng sức khỏe tâm lý, tinh thần của bạn đang có dấu hiệu bị tổn thương. Đó cũng là lúc, sức khỏe tinh thần của bạn cần được quan tâm, chăm sóc hơn lúc nào hết./.

Từ khóa: sức khỏe tinh thần, sang chấn tâm lý, áp lực tâm lý, tổn thương tinh thần, tổn thương tâm lý

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập