Chạm mốc 1 năm, xung đột Israel-Hamas có tiếp tục lan rộng khắp Trung Đông?
Cập nhật: 07/10/2024
Gaza: cư dân thêm nỗi thống khổ trước mùa đông khắc nghiệt (25/11/2024)
Nhật Bản: nhiều địa phương báo động nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm PFAS (25/11/2024)
VOV.VN - Cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel, kéo theo sự tham chiến của Hezbollah ở mặt trận phía Bắc và Houthi trên Biển Đỏ đã mở ra cuộc xung đột kéo dài suốt 1 năm qua ở Trung Đông. Cho đến nay, lập trường của ông Netanyahu vẫn không đổi: Israel sẽ chỉ dừng lại sau khi “xóa sổ Hamas” tại khu vực này.
Sau sự kiện ngày 7/10, chảo lửa Trung Đông tiếp tục sục sôi sau hàng loạt vụ ám sát thủ lĩnh chính trị, quan chức cấp cao và lãnh đạo của Hamas, Hezbollah và Iran mà Israel nhận trách nhiệm hoặc được cho là có liên quan. Iran đã hai lần đáp trả bằng cách phóng hàng trăm quả tên lửa vào lãnh thổ Israel, trong khi các lực lượng ủy nhiệm của Tehran cũng vây chặt Tel Aviv trên các mặt trận mà Israel đang tham chiến.
Hiện nay, Lebanon cũng đang bị cuốn vào chiến sự Trung Đông khi Israel không ngừng rót hỏa lực tấn công các vị trí của Hezbollah nằm dọc biên giới. Quân đội Israel cũng triển khai chiến dịch trên bộ tiến vào miền Nam Lebanon từ cuối tháng 9.
Đầu tháng 10, xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, Thủ tướng Netanyahu đã mạnh mẽ tuyên bố: "Không có nơi nào ở Trung Đông nằm ngoài tầm với của Israel". Tuyên bố được ông Netanyahu đưa ra vài ngày sau khi Israel tập kích trụ sở của lực lượng Hezbollah ở Lebanon, khiến nhà lãnh đạo Sayyed Hassan Nasrallah thiệt mạng. Vụ tập kích này đã trở thành một trong những đòn đánh nặng nề nhất đối với cả Hezbollah và Iran trong nhiều thập kỷ, bởi ông Nasrallah từng là nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong “Trục kháng chiến” của Iran để chống lại Israel và các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.
Israel đã tiến xa ngoài sức tưởng tượng so với thời điểm 1 năm trước. Mục tiêu ban đầu của chiến dịch quân sự của Israel là đánh bại Hamas và nhanh chóng giải cứu các con tin. Một năm sau, Cơ quan y tế địa phương ghi nhận hơn 41.000 người Palestine đã thiệt mạng trong quá trình giao tranh, trong đó có 16.000 trẻ em. Hỏa lực của Hezbollah cũng khiến khoảng 60.000 thường dân Israel phải sơ tán.
Bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế, chính quyền của ông Netanyahu đã đặt ra mục tiêu mới là đưa những người di tản trở về nhà, đồng thời tăng cường các hoạt động quân sự tại Trung Đông để tiến gần hơn đến mục tiêu này. Những nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột không mấy phát huy tác dụng và chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm dường như đang "tuột dây cương" trước người đồng minh Israel. Khi cuộc đua vào Nhà Trắng đã bước vào giai đoạn nước rút, ông Biden có vẻ không muốn đưa ra những giải pháp mạo hiểm và cứng rắn để giải quyết vấn đề Israel, tạo cho ông Donald Trump nhiều lợi thế hơn ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ - bà Kamala Harris.
Một năm là khoảng thời gian dài cho mọi cuộc xung đột. Nền kinh tế Israel hiện đang oằn mình hứng chịu khoản vay đắt đỏ để tiếp tục các cuộc giao tranh ở Trung Đông. Chỉ tính đến tháng 8/2024, Tel Aviv đã mất gần 30 tỷ USD cho cuộc chiến ở Dải Gaza và con số này có thể tăng thêm 2,5 lần vào cuối năm 2025, theo ước tính của ngân hàng Israel. Ngoài ra, các mặt trận ở biên giới phía Bắc, trên Biển Đỏ và mới đây nhất là Lebanon cũng khiến Israel chịu thêm nhiều thiệt hại về mặt tài chính.
Đứng trước những thách thức về kinh tế và chính trị, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Israel sẽ chùn bước. Sau cuộc tập kích tên lửa mới nhất của Iran vào lãnh thổ Israel trong đêm 1/10, các nhà quan sát dự đoán Tel Aviv có thể tấn công trả đũa Iran, khiến tình hình khu vực tiếp tục căng như dây đàn.
Từ khóa: Israel, Hamas, Hezbollah,Iran,Trung Đông
Thể loại: Thế giới
Tác giả: diệp thảo/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN