Chăm lo cuộc sống người lao động để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển

Cập nhật: 13/04/2022

(VOV5) - Tại Phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lươngQuốc gia (ngày 12/4), Hội đồng đã bỏ phiếu, thống nhất trình Chính phủ xem xét tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022.

Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội để có thể hoàn thành mục tiêu phát triển của năm 2022. Bên cạnh việc chú trọng các giải pháp về kinh tế, các cơ quan liên quan cũng dành sự quan tâm lớn tới cuộc sống của người lao động, góp phần đảm bảo nguồn cung lao động chất lượng, ổn định cho nền kinh tế.

Chăm lo cuộc sống người lao động để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển - ảnh 1Phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Ảnh: baochinhphu.vn

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2022 (ngày 4/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, không bị chi phối lớn bởi bên ngoài đồng thời tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Trong quá trình này phải dựa vào nội lực là cơ bản, trong đó có nhân tố con người.

Đảm bảo độ bao phủ an sinh ngày càng lớn

Những ngày gần đây, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tại Việt Nam tiếp tục ban hành những chính sách mới hướng tới người lao động. Mới đây nhất, tại Phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lươngQuốc gia (ngày 12/4), Hội đồng đã bỏ phiếu, thống nhất trình Chính phủ xem xét tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022. Đây là giải pháp thiết yếu, tạo sự cải thiện về chất lượng cuộc sống thực sự cho người lao động. Đại diện người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết: “Hơn lúc nào hết, càng khó khăn thì chúng tôi thấy càng cần phải nắm tay nhau để vượt qua khó khăn, để giúp đất nước nhanh phục hồi và phát triển, giúp cho người lao động có việc làm bền vững và doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn khuyến khích các doanh nghiệp đối thoại, thương lượng để có mức lương cao hơn”.

Cùng với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của Hội đồng tiền lương quốc gia, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động. Theo đó, các bên sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; kết nối tốt cung cầu và phát triển thị trường lao động bền vững, cung ứng kịp thời lao động có chất lượng cho thị trường; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động.

Chăm lo cuộc sống người lao động để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Các bên cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét các chính sách hỗ trợ mới cho người lao động trong trường hợp cần thiết. Đồng thời tập trung phối hợp hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, tạo việc làm tốt hơn cho người lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, tăng tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45% vào 2025 và đạt 60% năm 2030.

Trước đó, cuối tháng 3/2022, Thủ tướng đã ký ban hành quyết định hỗ trợ 3 tháng tiền thuê trọ cho khoảng 3,4 triệu lao động có đóng bảo hiểm xã hội. Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng: “Quyết định của Thủ tướng về hỗ trợ người lao động trong thời điểm này là hết sức quan trọng để phục hồi thị trường lao động. Những lao động đang làm việc thì họ yên tâm làm việc trong thời gian ít nhất là 3 tháng. Đối với những lao động chưa quay trở lại thị trường lao động hiện vẫn ở quê, nhờ có chính sách này, họ an tâm quay trở lại thị trường lao động ít nhất cũng được 3 tháng hỗ trợ tiền thuê trọ, sẽ giúp bổ sung lực lượng lao động cho thị trường. Và quan trọng nhất, nó khác với các chính sách trước là hỗ trợ để phục hồi thị trường lao động, để người lao động quay trở lại thị trường. Cho nên chúng ta mới tập trung vào những địa bàn khu kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế trọng điểm, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm của quốc gia”.

Tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường lao động

Theo Tổng cục thống kê, 3 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động Việt Nam tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước. Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngay trong quý I năm 2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Đến nay, cơ bản chúng ta đảm bảo được thị trường lao động. Các nước đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia phục hồi thị trường lao động nhanh nhất. Trước chúng ta dự báo hết quý II mới phục hồi, nhưng quý I đã cơ bản phục hồi rồi. Tôi tin rằng chúng ta tiếp tục tạo ra những chuyển biến mới”.

Thị trường lao động quý I năm 2022 dần phục hồi trở lại. Với các chính sách liên quan đến người lao động vừa có hiệu lực và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới sẽ góp phần củng cố sự phục hồi vững chắc của thị trường này, qua đó đảm bảo nguồn cung lao động cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế có thể tăng tốc phát triển trong thời gian tới.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, người lao động, nguồn nhân lực, doanh nghiệp

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập