Chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án bị điều chuyển vốn

Cập nhật: 24/09/2020

VOV.VN - Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ giải ngân vốn, trong đó chủ yếu là vướng giải phóng mặt bằng.

Gần hết tháng 9 năm nay, tỉnh Quảng Nam mới giải ngân được gần 50% vốn đầu tư công của năm 2020. Nhiều dự án đã giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp, ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành về đầu tư xây dựng. Tỉnh Quảng Nam đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đối với dự án, công trình chậm giải ngân.

Năm 2020, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam được bố trí gần 400 tỷ đồng thực hiện 15 dự án. Hầu hết các dự án, công trình mang tính khẩn cấp, bức thiết về phòng chống thiên tai như đê, kè sông biển chống sạt lở, hồ chứa thủy lợi… đòi hỏi phải hoàn thành trước mùa mưa bão. Thế nhưng đã gần hết tháng 9 mà có đơn vị chỉ giải ngân được khoảng 35% vốn được giao.

Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ giải ngân vốn, trong đó chủ yếu là vướng giải phóng mặt bằng. Nhiều nơi, người dân chưa đồng tình với mức giá đền bù nên chưa chịu bàn giao mặt bằng. Theo ông Võ Văn Điềm, thời gian vừa qua, do thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, thiếu nhân công cũng làm chậm tiến độ thi công các dự án.

“Các ngành, ban quản lý tập trung phối hợp với các huyện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Các sở, ban ngành, các đơn vị thẩm tra, thẩm định, đơn vị tư vấn làm nhanh thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán, đấu thầu. Thường xuyên họp công trường với các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, ông Điềm cho biết.

Sau 2 đợt chống dịch Covid-19 vừa qua, dự báo thu ngân sách thâm hụt nên tỉnh Quang Nam đã chủ động cắt giảm vốn đầu tư công hơn 1.400 tỷ đồng. Nhiều dự án đã giao kế hoạch vốn trong năm 2019 và từ đầu năm 2020 nhưng tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp.

Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, ngoài nguyên nhân vướng mặt bằng, nhiều dự án do dự toán ban đầu chưa sát với thực tế phải điều chỉnh nhiều lần, quy trình thủ tục chậm nên giải ngân cũng rất thấp. Sắp tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh sẽ rà soát tiến độ giải ngân, nếu chủ đầu tư không giải ngân hết vốn theo cam kết, không giải trình được nguyên nhân thì đề nghị cắt vốn, chuyển vốn sang đơn vị khác.

“Trước hết, Sở sẽ rà soát lại toàn bộ các nguồn kinh phí còn tồn tại kéo dài và những nguồn kinh phí chắc chắn không triển khai được. Đặc biệt là vốn nước ngoài, qua thời gian dịch Covid-19 không thể triển khai được sẽ tính đến việc điều chuyển, chia ra một số thời điểm quan trọng. Ví dụ, sau ngày 30/9 có một đợt điều chuyển, trường hợp đặc biệt chủ đầu tư phải có báo cáo giải trình và cam kết chịu trách nhiệm nếu như giữ lại đến cuối năm không giải ngân hết”, ông Phong chỉ rõ. 

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Trong đó, tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với từng nguồn vốn, chương trình, dự án. Tỉnh yêu cầu gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân vốn đầu tư công; Gắn tiến độ giải ngân vốn đầu tư công với thi đua khen thưởng và trách nhiệm của người đứng đầu.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với công trình đang thi công dở dang, không thuộc công trình cắt giảm.

“Điểm nghẽn cần tập trung khắc phục, đó là giải phóng mặt bằng. Đây là việc vô cùng khó nhưng phải nỗ lực làm, bởi vì xác định, khâu vướng mắc nhất trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, kể cả đầu tư công và tư nhân. Cùng nhau vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay. Nhất là đối với những công trình hiện nay đang đầu tư dở dang, không thuộc công trình cắt giảm, thì tập trung đẩy mạnh, nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lên”, ông Thanh nói./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập