Chậm giải ngân các dự án giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư cho Chương trình Giảm nghèo bền vững năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi mới giải ngân được 30 tỷ đồng...

Tại tỉnh Quảng Ngãi, gần đây xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập người dân. Trong số này, nhiềumô hình giảm nghèo bền vững được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc chậm giải ngân các dự án giảm nghèo đã gây nhiều khó khăn trên hành trình xóa nghèo của bà con miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

cham giai ngan cac du an giam ngheo ben vung hinh 1
Mô hình nuôi heo ky giúp bà con vùng cao Quảng Ngãi nâng cao thu nhập.

Gần một năm nay, đặc sản gà kiến, heo ky, rau rừng cùng nhiều loại nông sản sạch ở huyện vùng cao Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi được đưa vào bày bán tại các siêu thị lớn. Đến nay, tại địa phương này đã hình thành nhiều nhóm hộ nông dân người H’rê tham gia mô hình chăn nuôi, sản xuất, cung ứng nông sản sạch, an toàn theo chuỗi liên kết với 10 loại nông sản, doanh thu hàng tỷ đồng.

Bà con được tham gia các khóa tập huấn, chuyển giao công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng hàng hóa.

cham giai ngan cac du an giam ngheo ben vung hinh 2
Gà kiến của người H'rê ở huyện Sơn Hà được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Đinh Quốc Khánh, ở xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà cho biết, khi tham gia mô hình liên kết sản xuất gà kiến thả vườn, bà con rất yên tâm về đầu ra và giá cả.

"Tôi có nuôi gà nhưng tìm không được đầu ra ổn định. Bây giờ, có huyện kết nối với các siêu thị, lo vấn đề đầu ra rất ổn định" - ông Khánh cho biết.

Chính sách khuyến khích “hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị” để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo đang được tỉnh Quảng Ngãi triển khai thí điểm ở 2 huyện Sơn Tây và Tây Trà. Tại huyện Sơn Tây, có 9 xã, mỗi xã chọn ra 5 hộ nghèo, mỗi nhà được hỗ trợ 15 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

cham giai ngan cac du an giam ngheo ben vung hinh 3
Tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều hộ nghèo

Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện gần 800 dự án hỗ trợ hơn 37.000 lượt hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi còn 33.000 hộ nghèo, trong số này, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn một nửa. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ giải ngân các dự án giảm nghèo quá chậm trễ. Năm nay, ngân sách Trung ương giao gần 370 tỷ đồng thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững nhưng tiến độ giải ngân mới đạt gần 45%.

Ngoài ra, nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư cho Chương trình Giảm nghèo bền vững năm 2019 trên địa bàn tỉnh hơn 106 tỷ đồng cũng mới giải ngân hơn 30 tỷ đồng. Nhiều dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cũng chưa được giải ngân. Qua đợt giám sát tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị địa phương này cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững.

"Việc xác định được những mô hình, hay các cây, con chủ lực để hình thành những vùng, điểm sản xuất hàng hóa, có yếu tố sản xuất hàng hóa, lan tỏa vẫn chưa rõ. Chúng ta rất lúng túng trong việc xác định cây nào, con nào sẽ trở thành định hướng chiến lược", ông Thành nhấn mạnh./.

Từ khóa: giải ngân, dự án giảm nghèo bền vững, hộ nghèo, hỗ trợ hộ nghèo, quảng ngãi

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập