Chấm dứt xung đột ở Ukraine bằng một khu phi quân sự liệu có khả thi?

Cập nhật: 15/11/2024

VOV.VN - Hầu như có rất thông tin về kế hoạch của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, một lựa chọn được cân nhắc là đóng băng xung đột và thiết lập khu phi quân sự đang đặt ra nhiều câu hỏi.

Thiết lập khu phi quân sự ở Ukraine

Ông Trump đã tuyên bố ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm rưỡi ở Ukraine chỉ trong 1 ngày. Ông không nói rõ ông có kế hoạch thực hiện điều này như thế nào giữa bối cảnh cả Moscow và Kiev dường như đều có những điều kiện không thể dung hòa cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Một ý tưởng được thảo luận giữa các quan chức trong đội ngũ của ông Trump là Ukraine cam kết sẽ không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm, trong khi Washington tiếp tục cung cấp cho Kiev vũ khí để ngăn chặn cuộc tấn công mới của Nga, Wall Street Journal dẫn lời 3 nguồn tin thân cận với Tổng thống đắc cử Donald Trump cho hay vào tháng trước.

Ngoài ra, cuộc xung đột cũng sẽ bị đóng băng với việc Nga kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine và một khu phi quân sự kéo dài 1.200km sẽ đánh dấu phạm vi kiểm soát của Kiev và Moscow. Theo tờ báo trên, khu vực này có thể sẽ được các lực lượng của châu Âu giám sát, thay vì các lực lượng của Mỹ hoặc các tổ chức như Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel ngày 8/11 cũng nhắc lại những bài báo này, cho rằng một thỏa thuận tương lai có thể bao gồm điều khoản Ukraine trì hoãn gia nhập NATO trong 2 thập kỷ, trao cho Moscow quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine mà nước này chiếm giữ hiện tại và giao cho châu Âu trách nhiệm dài hạn bảo vệ sườn Đông cũng như khu vực phi quân sự kéo dài 1.200km.

Hiện vẫn chưa rõ khu vực phi quân sự sẽ ở đâu mặc dù Phó Tổng thống đắc cử JD Vance nói rằng một "thỏa thuận hòa bình" có thể đồng nghĩa với việc "tiền tuyến phân chia hiện tại giữa Nga và Ukraine trở thành khu vực phi quân sự".

Moscow hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, trong đó có các vùng lãnh thổ của 4 khu vực gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia mà nước này tuyên bố sáp nhập.

Điện Kremlin đã kiểm soát Crimea - bán đảo ở phía Nam Ukraine từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu ý dân. Kiev tuyên bố sẽ giành lại tất cả các vùng lãnh thổ mà Moscow chiếm giữ và Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bác bỏ việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga trong "kế hoạch chiến thắng" trình lên các nghị sĩ Ukraine cũng như các nhà lãnh đạo toàn cầu trong những tháng gần đây. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết ông phản đối một cuộc xung đột đóng băng, khẳng định Kiev cần "lời mời gia nhập NATO hiện nay".

Dan Rice, cựu cố vấn cho Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine nhận định với Newsweek rằng Kiev không thể chấp nhận một lệnh ngừng bắn ngắn hạn nhưng cần có các lực lượng của châu Âu dọc biên giới Nga với Ukraine để ngăn chặn Moscow chiếm thêm các vùng lãnh thổ.

Bryan Lanza, người từng làm việc cho chiến dịch tranh cử của ông Trump nhận định với BBC cuối tuần trước rằng chính quyền mới nhậm chức vào tháng 1/2025 sẽ yêu cầu "một tầm nhìn thực tế cho hòa bình" từ Tổng thống Zelensky.

Đánh giá về tính khả thi

Một vấn đề cũng chưa được quyết định là khu vực phi quân sự có bao gồm biên giới được quốc tế công nhận giữa Nga và Ukraine hay không. Sự hiện diện của Kiev ở khu vực Kursk trong những tháng gần đây đã khiến điều này trở nên phức tạp hơn. Một vấn đề khác được thảo luận là khu vực này sẽ rộng bao nhiêu, liệu quân đội châu Âu có đồng ý đảm bảo rằng nó không có hoạt động quân sự của Nga hoặc Ukraine hay không và liệu nó có tồn tại lâu dài hay không.

Chúng ta từng thấy các khu vực phi quân sự trước đây, có lẽ được biết tới nhiều nhất là dải đất phân chia Triều Tiên và Hàn Quốc. Khu vực cắt ngang bán đảo đã tồn tại kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, song xét theo định nghĩa thì cuộc xung đột này chưa bao giờ kết thúc.

“Các khu vực phi quân sự nghe có vẻ hay hơn chức năng của nó trên thực tế. Vấn đề là quá trình thực thi, nếu không thì nó không có ý nghĩa gì hết", Mark Cancian, một đại tá đã nghỉ hưu của Thủy quân Lục chiến Mỹ, đồng thời là cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

Theo ông, khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã "khá thành công" bởi Bình Nhưỡng và Seoul có thể liên lạc với nhau nhưng cũng vì nếu một đội quân tiến vào khu phi quân sự thì quân đội đối phương sẽ có quyền phản công đáp trả.

Chuyên gia Cancian nhận định, khu phi quân sự Ukraine "không hẳn là một ý tưởng tệ nhưng sẽ khó để thực hiện một cách thành công".

Một thành viên giấu tên trong đội ngũ của ông Trump nói với WSJ rằng "nòng súng sẽ là của châu Âu" và tuyên bố: 'Chúng tôi sẽ không đưa người Mỹ đến duy trì hòa bình ở Ukraine và chúng tôi sẽ không trả tiền cho việc đó. Hãy để Ba Lan, Đức, Anh và Pháp làm điều đó".

"Tôi khó có thể tưởng tượng bất kỳ lực lượng quân sự châu Âu nào tham gia vào các khu phi quân sự", ông Cancian nhận định. Việc triển khai lực lượng trên bộ tham gia chiến đấu là điều các quốc gia NATO không hề ủng hộ và Kiev không yêu cầu điều đó,

Chuyên gia Karolina Hird thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ thì cho rằng nếu một thỏa thuận tạo ra DMZ thì nó sẽ là theo các điều khoản của Tổng thống Putin và Nga "chỉ đơn giản sử dụng nó làm tiền tuyến cho chiến dịch tiếp theo ở Ukraine trong 10 hoặc 15 năm nữa sau khi quân đội Nga nghỉ ngơi, tái tổ chức và rút ra những bài học từ cuộc xung đột ở Ukraine".

"Việc tạo ra một DMZ dù thế nào thì sẽ cho Nga cái cớ để nghỉ ngơi, tái tổ chức và lên kế hoạch cho chiến dịch tiếp theo của họ", ông Hird nói với Newsweek. Chuyên gia này cho rằng DMZ sẽ "gần như hợp pháp hóa việc chiếm đóng" một số lãnh thổ của Ukraine và củng cố quyền kiểm soát của Điện Kremlin đối với người dân Ukraine đang sống tại những khu vực này.

"Một DMZ sẽ không chấm dứt xung đột theo bất kỳ điều kiện nào ngoài điều kiện của Nga", ông Hird nói.

Từ khóa: ukraine, xung đột ở ukraine, khu phi quân sự, chấm dứt xung đột ukraine, đàm phán hòa bình, đàm phán nga ukraine, trump, đóng băng xung đột ukraine, nato

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập