CEO du lịch đổi sang bán rau, bán gạo: "Chậm lại nhưng không dừng lại"

Cập nhật: 12/08/2021

VOV.VN - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, hàng loạt lãnh đạo các công ty du lịch phải xoay chuyển mô hình kinh doanh để vượt qua khó khăn, duy trì công việc cho nhân viên và chờ đợi ngành du lịch phục hồi.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu du lịch lữ hành, rất nhiều công ty phải tạm đóng cửa. Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu của Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tính đến tháng 3/2020, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành trên địa bàn đã đóng cửa, dừng hoạt động lên tới 95%.

Khi các ông chủ "khởi nghiệp"

Trước tình hình khó khăn vì Covid-19 khiến nhân lực du lịch chuyển nghề hàng loạt, những giám đốc công ty lữ hành cũng không phải ngoại lệ. Với nhiều người, đây cũng là dịp để "khởi nghiệp", thử sức với loại hình kinh doanh  mới, hoặc hiện thực hóa những ý tưởng ấp ủ từ lâu nhưng chưa có thời gian thực hiện. Những giám đốc 20 năm dày dạn kinh nghiệm trong ngành du lịch nay chập chững khởi nghiệp ở lĩnh vực khác. Phải thu hẹp quy mô và bị gián đoạn bởi các đợt bùng phát dịch bệnh, việc kinh doanh tuy chậm nhưng không ai muốn dừng lại.

Giám đốc công ty Arirang Tour Service – Nguyễn Hữu Lâm cho biết, du lịch sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi, vì vậy anh quyết định mở cửa hàng cắt tóc, vì đây là kế hoạch đã ấp ủ từ khi còn là sinh viên tại Hàn Quốc. "Công ty chỉ chuyên làm mảng outbound tại thị trường Đông Bắc Á, nên đã phải đóng cửa từ cuối năm 2020 vì dịch Covid-19. Hồi còn học tập ở Hàn Quốc, tôi đã thích có một tiệm cắt tóc vì hiệu quả kinh doanh cao. Thời gian này tôi ở nhà, suy ngẫm và nghiên cứu thị trường, sau đó quyết định đầu tư cửa hàng tóc. Đây cũng là nhu cầu không thể thiếu của xã hội hiện đại".

Ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc công ty Du lịch quốc tế Tràng An đã chuyển sang kinh doanh gạo vì đây là mặt hàng thiết yếu. "Công ty giữ lại toàn bộ nhân viên điều hành du lịch để cùng chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới. Cả giám đốc và nhân viên đều nỗ lực tiếp thị, bán hàng hay giao hàng. Sau khi thử sức với nhiều mặt hàng, chúng tôi cùng suy nghĩ để lựa chọn một sản phẩm tốt làm chủ lực, đó là gạo ST25 lúa nước tôm quy trình hữu cơ. Gạo cũng là mặt hàng thiết yếu, ít bị ảnh hưởng nếu dịch bệnh kéo dài".

Với thế mạnh nhiều năm kết nối với thị trường Nhật Bản, ông Phạm Tiến Dũng – Giám đốc công ty Golden Tour tâm đắc với các món đồ lưu niệm và tiện ích từ Nhật Bản nên quyết định tạm dừng bán tour, mở cửa hàng kinh doanh sản phẩm Nhật Bản. "Từ nhiều năm trước, chứng kiến khách Việt Nam yêu thích hàng Nhật Bản khi đi du lịch Nhật Bản, tôi đã tìm hiểu và mong muốn đưa những mặt hàng Nhật Bản chất lượng về giới thiệu tại thị trường trong nước. Khi dịch bệnh bùng phát, tôi quyết định mở cửa hàng kinh doanh và phân phối hàng Nhật nội địa, hàng gia dụng, thực phẩm thiết yếu. Cửa hàng mang đến những sản phẩm chất lượng, gần gũi với kinh nghiệm du lịch của tôi và cũng giúp giải quyết việc làm cho một số nhân sự du lịch chủ chốt".

"Cuộc sống không cho phép dừng"

Với các công ty du lịch, giai đoạn này như một quãng nghỉ sau nhiều năm ngành du lịch tăng trưởng liên tục. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa, các mô hình mở ra hiện nay chỉ là tạm thời, chờ đợi khi dịch bệnh qua đi. Phần lớn các CEO cho biết việc "khởi nghiệp" lần này có chiến lược lâu dài, sẽ tiếp tục phát triển song song với du lịch khi thị trường phục hồi và tránh phụ thuộc vào chỉ một ngành nghề.

Vừa mở thêm một siêu thị thực phẩm, ông Phùng Gia Tuấn – Giám đốc công ty Khám phá Mỹ chia sẻ: "Các mặt hàng thực phẩm là lĩnh vực kinh doanh hiệu quả, dễ thích ứng và an toàn hơn khi có những biến chuyển. Chúng tôi xác định đầu tư nghiêm túc, chứ không phải cho vui hay chỉ là 'cứu tinh' lúc khó khăn vì du lịch đóng cửa. Tôi vẫn phân định rõ tập khách hàng du lịch và tập khách hàng thực phẩm với từng chiến lược cụ thể để sau này có thể phát triển song song hai lĩnh vực".

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, đại dịch Covid-19 đã giúp công ty nhận ra bài học giảm thiểu rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào ngành du lịch: "Sản phẩm gạo sẽ tiếp tục phát triển tiếp kể cả du lịch phục hồi. Sau này các tour tuyến nối lại, công ty sẽ mở rộng các mặt hàng thực phẩm chức năng với nguồn hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây vốn là những hàng hóa người Việt có nhu cầu mua sắm rất cao từ trước tới nay".

Định hướng lâu dài của ông Nguyễn Hữu Lâm là xây dựng một chuỗi thương hiệu tóc quy củ, chuyên nghiệp giống như những gì đã quan sát, học hỏi tại Hàn Quốc: "Dù sau này dịch Covid-19 được khống chế, du lịch có thể phục hồi thì tôi vẫn có thể tiếp tục kinh doanh hệ thống tóc như bình thường. Hiện nay mới chỉ là khởi đầu nhưng với kinh nghiệm tiếp thị, chăm sóc khách du lịch hàng chục năm qua, tôi tự tin sẽ áp dụng sang lĩnh vực mới".

Với GoldenTour, ông Phạm Tiến Dũng xác định thời gian du lịch phục hồi còn lâu dài, mảng kinh doanh và phân phối hàng nhập khẩu chính hãng sẽ là một mảng kinh doanh chính. Công ty sẽ tiếp tục mở rộng nguồn hàng, đào tạo nhân viên bán hàng, tìm kiếm đối tác để mở thêm các cửa hàng tại Hà Nội và các địa phương.

Ông Phùng Gia Tuấn chia sẻ: "Các doanh nghiệp du lịch hiện nay rất khó vay ngân hàng, trong khi vẫn còn các khoản nợ phải trả lãi, các nguồn tiền nợ đọng từ đối tác do du lịch đình trệ. Dù rất khó khăn nhưng cuộc sống không cho phép dừng lại. Để yêu và duy trì nghề du lịch, nuôi gia đình, trả nợ lãi vay… thì các anh em CEO du lịch đều phải gồng mình, học hỏi nhiều hơn và tìm kiếm các cơ hội khác".

Không chỉ có cắt tóc, siêu thị, thực phẩm, hiện nay các công ty lữ hành còn xoay chuyển sang rất nhiều ngành nghề khác như đồ uống, quà tặng, đặc sản vùng miền, thiết bị y tế, xây dựng, chăm sóc xe hơi… Điều này cho thấy sự nhạy bén của những người làm du lịch, vừa góp phần bổ sung sản phẩm cho xã hội vừa tích lũy nguồn lực, chuẩn bị tốt khi thị trường du lịch phục hồi./.

Từ khóa: CEO đổi nghề, CEO du lịch bán rau, bán gạo, đại dịch Covid-19, công ty du lịch, xoay chuyển kinh doanh, ngành du lịch, chậm lại nhưng không dừng lại

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập