“Cây cầu” xuyên Đại Tây Dương Mỹ-EU rung chuyển vì Covid-19

Cập nhật: 24/05/2020

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 là chất xúc tác khiến những bất đồng xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu từ âm ỉ bắt đầu trở nên sục sôi.

Covid-19 - chất xúc tác làm sục sôi bất đồng Mỹ - EU

Châu Âu đã thẳng thừng bác bỏ quan điểm của Tổng thống Trump về nhiều vấn đề trong tuần này. Mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương giữa 2 bên từng âm ỉ nhiều bất đồng cách đây 3 năm khi ông Trump trở thành Tổng thống, nay đã ngày càng sôi sục trong đại dịch Covid-19.

"cay cau" xuyen dai tay duong my-eu rung chuyen vi covid-19 hinh 1
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thoogs Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Đại dịch này không chỉ khiến cả thế giới phải bàng hoàng về tốc độ lây lan, mà còn làm gia tăng sự thay đổi về cán cân quyền lực trên toàn cầu.

Sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu đã trở nên rõ ràng trong cuộc bỏ phiếu hôm 19/5 tại cuộc họp đại hội đồng thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ khi châu Âu chọn hướng tiếp cận hòa giải với Trung Quốc liên quan đến cuộc điều tra về đại dịch Covid-19 thay vì hướng tiếp cận cứng rắn như lời kêu gọi của Mỹ.

5 tháng trong năm 2020 trôi qua và dường như một thời kỳ mới đã bắt đầu khi giờ đây chúng ta chỉ có 2 mốc để phân chia mọi thứ, đó là trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Rõ ràng đại dịch này không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mà còn là một chất xúc tác làm trầm trọng hơn những tranh cãi về địa chính trị trên thế giới.

Tuy vậy, vẫn có một thực tế không thay đổi, đó là cuộc chiến 3 bên nhằm chiếm được ưu thế trên toàn cầu giữa Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Ông Trump đã tìm cách đổ lỗi cho WHO khi cho rằng tổ chức này thiên vị Trung Quốc, đồng thời tuyên bố cắt tài trợ WHO. Tổng thống Mỹ tuyên bố hôm 18/5 rằng ông sẽ cắt ngân sách tài trợ cho WHO vĩnh viễn nếu tổ chức này không "cam kết tạo ra những đột phá đáng kể trong 30 ngày tới".

Mặc dù bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về khả năng ứng phó với đại dịch Covid-19 của Trung Quốc nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu đã ủng hộ nghị quyết của WHO, kêu gọi “một quá trình tuần tự đánh giá độc lập và toàn diện, sử dụng các cơ chế sẵn có phù hợp nhằm xem xét những kinh nghiệm đã đạt được và bài học rút ra được tự sự phản ứng toàn cầu với Covid-19”.

Động thái này cho thấy EU rõ ràng không tán thành với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ rút khỏi và đe dọa rút khỏi các thể chế đa phương toàn cầu.

Trong các bài phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 18/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga - nước chủ trì cuộc họp của WHO đều nhắc đến động thái cắt ngân sách tài trợ cho WHO của chính quyền Trump.

Tổng thống Thụy Sĩ cho rằng "chúng ta không thể mong đợi nhiều" từ WHO nếu "ngân sách của tổ chức này bị ảnh hưởng hoặc bị cắt giảm", trong khi Thủ tướng Đức Merkel tái khẳng định sự ủng hộ đối với mục tiêu đoàn kết trong WHO bởi "việc đánh bại Covid-19" sẽ không thể tiến hành đơn độc. Tổng thống Macron dường như đã cảnh báo ông Trump và ông Tập không nên giữ các loại vaccine ngừa Covid-19 trong tương lai "làm của riêng" bởi những thứ liên quan đến sức khỏe con người "không nên giữ cho riêng mình hay đem ra buôn bán hoặc trao đổi".

Trước đó, CEO của công ty dược phẩm Pháp Sanofi từng có phát ngôn gây tranh cãi khi nói rằng Mỹ sẽ là quốc gia được tiếp cận vaccine chống Covid-19 mà tập đoàn này phát triển trước tiên mặc dù sau đó, Sanofi đã đính chính lại đây là một "sự hiểu lầm".

Châu Âu đã quay lưng lại với Mỹ?

Quyết định của châu Âu khi từ chối quan điểm đối đầu với Trung Quốc và WHO của Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực cạnh tranh của lưỡng đảng Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay. Bất kể ai là người chiến thắng, dường như ông Trump và khả năng xử lý Covid-19 của nhà lãnh đạo Mỹ đang làm suy yếu hình ảnh của Mỹ trên toàn cầu.

Theo Business Insider, một cuộc khảo sát mới công bố ở Đức trong tuần này đã cho thấy phần lớn người dân Đức có quan điểm xấu hơn về Mỹ bởi vì đại dịch Covid-19. Theo đó, 76% người Đức nói rằng hình ảnh của Mỹ đã suy giảm do Covid-19, trong khi con số này đối với Trung Quốc là 36%.

Trong một câu hỏi khác, chỉ 10% người Đức cho rằng Mỹ là một đối tác toàn cầu quan trọng nhất của quốc gia này, giảm so với con số 19% vào năm ngoái.

Một cuộc khảo sát khác ở Anh cũng cho thấy hình ảnh của Mỹ đã suy giảm tại quốc gia này kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Khi được hỏi vào cuối tháng trước trong cuộc khảo sát của YouGov rằng liệu Anh nên thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn với châu Âu hay với Mỹ, 35% người Anh nói rằng châu Âu nên là ưu tiên, so với con số 13% cho rằng Mỹ là ưu tiên.

Những thông tin về việc Mỹ nỗ lực giành được những đặc quyền tiếp cận và sử dụng vaccine chống Covid-19 đã khiến nhiều nước châu Âu không hài lòng. Thậm chí, trong một cuộc khảo sát tuần trước, chỉ 2% người Pháp tin rằng ông Trump đủ khả năng lãnh đạo thế giới.

Sự thay đổi này được nhận thấy qua cách hành xử của một số chính phủ các nước châu Âu khi lờ đi những đe dọa của ông Trump để thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc.

Một loạt các nước châu Âu đang thúc đẩy thỏa thuận với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei nhằm phát triển mạng lưới 5G, bất chấp những đe dọa mạnh mẽ từ Nhà Trắng.

Vương quốc Anh, ban đầu có quan điểm cứng rắn về phản ứng của Trung Quốc trước dịch Covid-19 khi chỉ vừa tháng trước, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định: "Chúng tôi không thể làm ăn với Trung Quốc như bình thường nữa sau cuộc khủng hoảng này". Tuy nhiên, 1 tháng sau, Bộ trưởng Y tế nước này Matt Hancock dường như "mềm mỏng" hơn với Trung Quốc khi phát biểu tại cuộc họp đại hội đồng của WHO rằng không cần điều tra cụ thể Trung Quốc và cho rằng cuộc điều tra này nên diễn ra "vào một thời điểm thích hợp".

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bác bỏ những đe dọa của ông Trump về Huawei và tiếp tục thúc đẩy kế hoạch cho phép công ty này quyền phát triển mạng lưới 5G. Một số nước châu Âu khác cũng đang có động thái tương tự, "bỏ ngoài tai" cảnh báo về một cuộc chiến tranh thương mại mới của chính quyền Tổng thống Trump.

Châu Âu ngần ngại chỉ trích Trung Quốc một phần là do Bắc Kinh ngày càng chiếm ưu thế về kinh tế. Một báo cáo gần đây do ngân hàng đầu tư GP Bullhound công bố cho thấy từ khi thị trường công nghệ châu Âu mở cửa trở lại, Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ về các khoản đầu tư trong các công ty công nghệ châu Âu lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Covid-19 khiến châu Âu “nghĩ lại” về chính sách đối ngoại

Có một thực tế trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu chính là sự thiếu hợp tác giữa các bên.Theo chuyên gia Erik Brattberg - Giám đốc chương trình châu Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, khía cạnh gây ra nhiều vấn đề nhất trong sự phản ứng với dịch Covid-19 của chính quyền Tổng thống Trump là sự thiếu quan tâm đến những giải pháp đa phương.

Cuộc trao đổi giữa Ngoại trưởng các nước G7 ngày 25/3 đã không thể đưa ra tuyên bố chung bởi Ngoại trưởng Mike Pompeo khăng khăng sử dụng cụm từ "virus Vũ Hán".

Đại dịch Covid-19 đang khiến những nhà chính sách của 2 bên Đại Tây Dương thay đổi quan điểm khi tập trung hơn vào những vấn đề nội tại của mình, đó là cuộc khủng hoảng y tế và những hệ quả về kinh tế xã hội của nó. Mỹ và châu Âu sẽ ít chú ý đến nhau hơn trong những tháng tới.

Bên cạnh đó, sự gián đoạn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này về quốc phòng và thương mại cũng gia tăng như một hệ quả gián tiếp của đại dịch. Chẳng hạn, hợp tác an ninh giữa 2 bên là một trong những "nạn nhân" gián tiếp của Covid-19 do sự suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến các khoản chi tiêu quốc phòng của NATO.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhưng nếu có một nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng, ông Trump sẽ tiếp tục phải đối mặt với những xu hướng tiêu cực hiện nay và có thể ngày càng trầm trọng hơn trong 4 năm tới do tác động của đại dịch. Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” sẽ ngày càng được nhấn mạnh.

Nếu vậy, các nhà lãnh đạo EU sẽ đứng trước một thực tế rằng Washington có thể không còn là đối tác đáng tin chủ chốt nữa mà thay vào đó, EU cần tìm cách để cân bằng trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc như một phần trong trật tự thế giới đa cực.

Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu sau đại dịch sẽ không còn quay lại bình thường như trước nữa. Trên thực tế, mọi thứ đều phải thích nghi với một cuộc sống "bình thường mới". EU vẫn đứng giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng thay vì đặt câu hỏi chọn bên nào, các nước châu Âu sẽ cần trả lời câu hỏi làm sao để không phải đặt mình vào tình thế buộc phải lựa chọn bởi suy cho cùng, dù là "đồng minh" hay "bạn hàng", lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu./.


Từ khóa: quan hệ xuyên Đại Tây Dương, châu Âu quay lưng với Mỹ, bạn hàng của Trung Quốc, Covid 19, cán cân quyền lực

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập