Cây ăn quả ôn đới khẳng định giá trị kinh tế trên đất dốc Lai Châu

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Từ diện tích đất dốc trồng ngô, sắn kém hiệu quả, hôm nay những diện tích đất ấy đã được phủ xanh bằng những đồi cây ăn quả ôn đới như đào, lê, mận. Các sản phẩm quả đã được khẳng định chất lượng và giá trị trên thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân vùng cao ở Lai Châu từng bước xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Ngay từ sáng sớm, vợ chồng anh Ma A Kỷ, ở bản Sáy San 3, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã vác cuốc và kéo cắt tỉa lên khu sản xuất gần nhà để tập trung chăm sóc vườn lê. Do thời điểm này cây lê đang ở giai đoạn nuôi quả, nên ngoài việc cắt tỉa để đảm bảo mật độ quả phù hợp, vợ chồng anh còn bón thúc phân NPK, đạm, với kỳ vọng có được vụ lê năng suất, chất lượng.

Anh Ma A Kỷ chia sẻ, vườn lê được trồng trên diện tích đất trồng sắn từ năm 2015, theo dự án phát triển cây ăn quả ôn đới của huyện và được hỗ trợ 100% giống, phân bón. Sau 3 năm trồng, vườn lê đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên và thấy có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng sắn, nên năm 2021 anh đã chuyển đổi toàn bộ đất trồng ngô, sắn sang trồng lê và đến nay gia đình đã có hơn 300 gốc.

"Hiện nay gia đình tôi có hơn 300 cây và hơn 100 cây đã cho thu hoạch, quả cũng tương đối đẹp và sai. Gia đình tôi cũng tích cực chăm sóc để mong vụ này quả sẽ to và đẹp hơn nữa để giúp gia đình có thu nhập ổn định" - anh Kỷ cho biết.

Từng là hộ nghèo của bản, nhiều năm loay hoay với cây ngô, cây sắn, năm 2018 gia đình anh Ma A Phử, ở bản Sáy San 3, xã Nùng Nàng cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ 50 gốc đào chín sớm. Sau 3 năm cây cho thu hoạch, thấy có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trước, gia đình anh đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nương, vườn của gia đình sang trồng đào và lê. 

Theo anh Phử: "Gia đình tôi đã trồng được hơn 50 cây ban đầu và hiện tại cũng đã trồng thêm nâng tổng diện tích lên gần 1ha. Hiện đã có 50 cây đã cho thu hoạch mà cho thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nay gia đình tôi đang tập trung chăm sóc, bón phân để quả đạt chất lượng và đảm bảo năng suất trong năm 2024".

Nùng Nàng là xã vùng 3 của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu và cũng là địa phương đầu tiên đưa vào trồng thử nghiệm các giống cây ăn quả ôn đới. Từ diện tích cây ăn quả ôn đới được hỗ trợ theo dự án ban đầu, đến nay xã đã tuyên truyền, vận động người dân trồng được hơn 60 ha và đã có gần 30 ha cây cho thu hoạch. Theo đánh giá của chính quyền xã, các loại cây ăn quả ôn đới đều phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.

Ông Ngô Văn Sĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường cho biết, diện tích cây ăn quả ôn đới trên địa bàn, nhất là cây lê hiện nay phát triển tốt, chất lượng quả to, đẹp và có vị ngọt mát. Để cây lê phát triển ổn định và mang lại nguồn thu cho bà con, chính quyền xã đang phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo chất lượng cũng như sản lượng vụ mùa quả mới.

"Địa bàn xã Nùng Nàng hiện tại có khoảng 47ha, trong đó khoảng 23ha đã cho thu hoạch. Qua đánh giá đây là loại cây cho thu nhập khá cao cho bà con nhân dân. Trong những năm vừa qua chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền bà con nhân dân để chăm sóc thật tốt diện tích cây lê đã được nhà nước hỗ trợ; đồng thời trong năm 2024 này xã đã phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện xây dựng mô hình VietGap cho cây lê này để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như thu nhập cho bà con nhân dân" - ông Sĩ bày tỏ.

Từ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, đến nay huyện Tam Đường đã phát triển được gần 400ha cây ăn quả ôn đới ở các xã vùng cao như: Tả Lèng, Hồ Thầu, Giang Ma, Nùng Nàng, Sơn Bình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chính quyền các xã đang tập trung đẩy mạnh phát triển, gắn với phát triển du lịch trải nghiệm theo mùa hoa, mùa quả.

Ông Hoàng Đình Quân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường chia sẻ, toàn huyện hiện có hơn 1.100ha cây ăn quả, trong đó cây ăn quả ôn đới chiếm hơn 1/3 diện tích. Việc đưa cây ăn quả ôn đới vào trồng thành vùng tập trung thay những loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế đã góp phần hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương. Đây được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc địa phương.

Theo ông Quân: "Điều kiện khí hậu tự nhiên của huyện khá phù hợp với một số cây ăn quả và hiện tại một số xã vùng cao khá là phù hợp với cây ăn quả ôn đới như cây lê, đào, mận. Từ những đặc điểm tự nhiên của huyện như vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Trung tâm dịch vụ nông nghiệp khuyến cáo với bà con nên có đầu mối liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Với điều kiện như vậy cũng kêu gọi các hợp tác xã, doanh nghiệp vào khảo sát, từ đó giúp bà con phát triển bền vững và có thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống".

Việc phát triển cây ăn quả ôn đới tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Những vùng sản xuất cây ăn quả ôn đới, như mận, đào, lê đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, giúp cải thiện thu nhập, tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào các dân tộc địa phương và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các bản làng vùng cao.

Từ khóa: lai châu, cây ăn quả ôn đới, lai châu, lai châu phát triển cây ăn quả ôn đới, nông dân vùng cao, mô hình làm giàu ở lai châu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: khắc kiên/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập