Câu “tránh thằng một nai gặp thằng hai nậm” có hàm ý gì?
Cập nhật: 11/07/2022
[VOV2] - Câu “Tránh thằng một nai, gặp thằng hai nậm” có hàm ý gì? “mắm mặn chết giòi” có phải đơn thuần chỉ là để nói về cách làm mắm hay không? Câu “người làm sao, bào hao làm vậy” để nói về những người như thế nào? PGS.TS Phạm Văn Tình giải thích.
Tránh thằng một nai, gặp thằng hai nậm
Nhiều câu thành ngữ tục ngữ trong dân gian trước đây chúng ta thường dùng, tuy nhiên giờ đã mai một và nghe không phải ai cũng hiểu được. Chẳng hạn như câu “Tránh thằng một nai, gặp thằng hai nậm”.
PGS.TS Pham Văn Tình cho biết, đây là một trong khá nhiều câu thành ngữ, được tạo ra từ cấu trúc "tránh A gặp phải, hay là vớ phải B". Tiêu biểu cho cấu trúc này có một câu rất quen thuộc, đó là “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” với hàm ý là tránh được điều tệ hại này, thì lại gặp điều tệ hại khác, đằng nào cũng không thoát.
Đối với câu “Tránh thẳng một nai, gặp thằng hai nậm” cũng có nhiều cách giải thích khác nhau. PGS.TS Phạm Văn Tình phân tích, ở đây có thể hiểu là tránh anh chồng thường uống một nai rượu, thì lại gặp phải anh chồng uống 2 nậm rượu! Đằng nào cũng sẽ gặp rắc rối với những người chồng này khi họ say rượu.
Nai và nậm được giải thích là hai dụng cụ đựng rượu ngày xưa và đây là hai từ thuộc phương ngữ. Việc định lượng giữa nai và nậm thay đổi theo từng vùng, vì vậy việc dùng nai và nậm ở đây hoàn toàn không có ý so sánh về dung lượng. Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, câu thành ngữ “tránh thằng một nai gặp thằng hai Nậm” có thể được hiểu là tránh ông chồng hay uống rượu "một nai", mà gặp phải ông chồng uống hai nậm thì cũng đều có những rủi ro như nhau!
“Mắm mặn chết giòi” có phải đơn thuần chỉ là để nói về cách làm mắm hay không?
Câu “người làm sao bào hao làm vậy” nghe khá là đặc biệt, ở đây có cụm từ “bào hao” nghe rất lạ tai và nhiều người cũng muốn rõ ý nghĩa và cách sử dụng.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình “người làm sao bào hao làm vậy” là một câu tục ngữ. Câu này hiện có nhiều hướng giải thích khác nhau. Ông đơn cử theo như từ điển tục ngữ Việt của tác giả Nguyễn Đức Dương, xuất bản năm 2010 thì “bào hao” là một danh từ cổ chỉ nỗi bồn chồn lo lắng khiến cho lòng dạ luôn day dứt. Và do đó câu “người làm sao bào hao làm vậy”, được dùng để chỉ người thế nào thì nỗi bồn chồn lo lắng thể hiện như thế.
Ngoài ra theo cuốn từ điển của tác giả Vũ Dung, Vũ Quang Hảo và Vũ Thúy Anh, thì lại thống kê thêm một biến thể nữa là “ai nói sao bào hao làm vậy”, trong từ điển này bào hao ở đây lại có ý nghĩa là hùa theo, bắt chước, làm theo, và cả câu tục ngữ này có nghĩa là người nhẹ dạ nông nổi chỉ hùa theo người khác không có bản lĩnh.
PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết theo từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương thì câu “ai nói sao bào hao làm vậy” lại có nghĩa là ai nói sao là hùa theo như thế ấy, mà không hề suy xét gì hết! trường hợp này “bào hao” có nghĩa là bắt chước hùa theo một cách mù quáng không suy xét.
Theo cách giải thích của PGS.TS Phạm Văn Tình trong câu tục ngữ “người làm sao bào hao làm vậy” thì “bào hao” nên giải thích là hành động na ná tương tự giống như tính cách hay là thể chất của một người nào đó. Và PGS cho ví dụ cụ thể như là trong câu “nó đúng là “người làm sao bào hao làm vậy vậy” nom yếu ớt, ẻo lả cho nên là công việc cũng làm đại khái cho qua và không làm đến nơi đến chốn”.
Thính giả Nguyễn Lê Đạt ở Nghệ An cũng thấy thắc mắc vì chưa hiểu rõ một câu mà anh cho là rất quen thuộc, đó là câu “mắm mặn chết giòi”, theo anh Đạt câu này chắc ngoài việc làm mắm ra còn có ẩn ý khuyên răn gì đó.
PGS.TS Phạm Văn Tình giải thích “Mắm mặn chết giòi” là một câu tục ngữ. Việc làm mắm từ xưa đến này là rất quen thuộc, và khi làm mắm người ta thường sử dụng cá, tôm, cua, ... cho vào dụng cụ làm mắm, cùng với một lượng muối phù hợp, để lâu cho nguyên liệu ngấu và thành mắm.
Ông phân tích trong quá trình làm mắm này rất hay có ruồi nhặng bay đến ăn thức ăn cá, tôm, cua rồi đẻ trứng vào đó. Sau đó trứng này lại nở thành giòi. Ông cho biết theo kinh nghiệm của người xưa nếu làm mắm mà để muối có độ mặn cao, làm cho giòi không thể phát triển. Từ đó người xưa mới đưa ra câu tục ngữ này với hàm ý nếu người ta biết cách hành xử thỏa đáng, thì ta sẽ hạn chế được những thói xấu, những chuyện tiêu cực. PGS lấy ví dụ như trong gia đình, trong trường học, ngoài xã hội, nếu nề nếp, kỷ luật, gia phong, pháp luật được thực hiện chặt chẽ và nghiêm khắc thì sẽ hạn chế được những hiện tượng tiêu cực, giống như câu "Mắm mặn chết giòi"!
Từ khóa: Tránh thằng một nai, gặp thằng hai nậm, mắm mặn chết giòi, người làm sao, bào hao làm vậy, PGS.TS Phạm Văn Tình, bóc ngắn cắn dài, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2