Câu lạc bộ Lịch sử ở trường phổ thông- Học sử đâu phải để thi cử

Cập nhật: 07/05/2021

[VOV2] - Những giờ học lịch sử "không vì mục tiêu kiểm tra, thi cử lấy điểm số" là cách để giáo viên truyền tình yêu bộ môn với học sinh. Và hiệu quả của cách dạy truyền cảm hứng này chính ở việc các em sáng tạo ra phương thức tiếp cận mới cho môn học.

Hà Nội năm nay tiếp tục chọn Lịch sử làm môn thứ 4 cho kỳ thi tốt nghiệp THCS. Điều này phần nào cho thấy mong muốn nâng cao chất lượng của môn học này. Tuy nhiên, nếu học chỉ để đi thi thì môn Lịch sử vẫn sẽ khó có chất lượng. Giáo viên giảng dạy bộ môn cho rằng học sinh và các em vẫn chỉ coi đây là môn học phụ, ít để ý và quan tâm mở rộng ngoài sách giáo khoa.

Tại một số trường phổ thông, các câu lạc bộ (CLB) Lịch sử được thiết lập và duy trì bởi chính các bạn học sinh nhằm mục đích đổi mới cách tiếp cận với môn học Lịch sử. Câu lạc bộ Lịch sử và Văn hóa thuộc trường Chuyên Sư Phạm Hà Nội có thể xem như ví dụ sinh động cho tình yêu lịch sử của các bạn trẻ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thành lập 5 năm, không có không gian riêng cho các hoạt động định kì, CLB tổ chức các hoạt động ngay ở sảnh trường với số thành viên dao động trên dưới 50 theo phương thức kế thừa. Trần Thanh Xuân (học sinh lớp Văn), phụ trách hoạt động chuyên môn của CLB cho biết em mê bộ môn Lịch sử từ những năm học THCS. Những giờ học Lịch Sử được giáo viên truyền lửa bằng những câu chuyện ngoài sách giáo khoa nhưng luôn gắn kết, làm sáng rõ tri thức nhà trường và điểm số chưa khi nào trở thành áp lực cho mỗi học sinh. Với Nguyễn Thùy Dương (lớp chuyên Sinh) thì tham gia CLB Lịch Sử cho phép em học hỏi không chỉ tri thức bộ môn mà còn ở phương thức tổ chức các hoạt động chiếm lĩnh câu chuyện của quá khứ một cách đầy sáng tạo. Những "chuyến du hành" vượt thời gian, không gian khiến các thành viên CLB cũng như khách đến sự kiện là học sinh các trường trên địa bàn Hà Nội được đóng vai, thử thách cùng chính nhân vật lịch sử.

Một yếu tố quan trọng không kém để hoạt động của CLB trở nên hấp dẫn và lan tỏa chính ở sự hậu thuẫn từ phụ huynh cùng giáo viên. Các thầy cô giữ vai trò cố vấn, khách mời để thông tin khoa học đưa đến mỗi sự kiện chuẩn xác và chọn lọc.

Có thể thấy, để môn  lịch sử hấp dẫn cần nhiều yếu tố. Ngoài việc gác áp lực điểm số, thi cử thì thầy cô ở vai trò hướng dẫn cần thay đổi phương thức truyền đạt, còn người học thì chủ động hơn trong quá trình tiếp nhận. 

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trò chuyện cùng các thành viên CLB Lịch Sử trường Chuyên Sư Phạm Hà Nội.

Từ khóa: CLB Lịch sử, Lịch sử phổ thông, học sử, dạy sử

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập