Câu hỏi bỏ ngỏ khi Ukraine được tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ
Cập nhật: 5 ngày trước
Dư luận phản ứng trước việc ICC ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel
Thái Lan chia sẻ bài học nhìn lại sau trận sóng thần Boxing Day 2004
VOV.VN - Tổng thống Joe Biden ngày 17/11 đã đảo ngược chính sách lâu nay của Mỹ, đồng ý cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, liệu quyết định này của ông chủ Nhà Trắng có thể thay đổi cục diện chiến sự Nga-Ukraine hay không vẫn là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.
Quyết định đảo ngược chính sách này diễn ra chỉ hai tháng trước khi Tổng thống Joe Biden chuyển giao quyền cho người kế nhiệm Donald Trump. Ông Trump từng nhiều lần tỏ ra nghi ngờ về kế hoạch viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine và tuyên bố sẽ cắt đứt dòng chảy viện trợ này sau khi nhậm chức.
Hơn một năm qua, quân đội đã sử dụng Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) để tấn công vào các mục tiêu Nga trên lãnh thổ Ukraine và các căn cứ không quân ở bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga hồi năm 2014 sau một cuộc trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, Mỹ chưa bao giờ cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa cho các mục tiêu sâu hơn bên trong Nga, cho đến khi quyết định này được đảo ngược vào ngày 17/11.
Tên lửa đạn đạo của Lockheed Martin là một trong những loại tên lửa mạnh nhất từng được cung cấp cho Ukraine, có khả năng bay xa tới 300km (khoảng 186 dặm). Ukraine lập luận rằng việc không được phép sử dụng những loại vũ khí như vậy để tấn công Nga cũng giống như "bị yêu cầu chiến đấu với một tay bị trói sau lưng".
Sự thay đổi chính sách này của Mỹ được cho là nhằm ứng phó với việc Triều Tiên triển khai quân đội tới chiến trường Kursk để hỗ trợ Nga gần đây. Tuyên bố cùng ngày 17/11 của Tổng thống Zelensky được xem là phản ứng mới nhất của Ukraine trước động thái "phá rào" của Nhà Trắng: "Hôm nay, nhiều phương tiện truyền thông nói rằng chúng tôi đã được phép thực hiện các hành động quân sự thích hợp. Tuy nhiên, các hành động như vậy không được thực hiện bằng lời nói. Tên lửa sẽ tự lên tiếng".
Ukraine hiện có thể tấn công các vị trí đóng quân của đối phương, các cơ sở hạ tầng và kho đạn dược sâu bên trong lãnh thổ Nga, nhiều khả năng là xung quanh khu vực Kursk - nơi Kiev kiểm soát hơn 1.000 km2 lãnh thổ.
Các quan chức Mỹ cho biết Kiev có thể sử dụng ATACMS để phòng thủ trước cuộc phản công tiếp theo của quân đội Nga và Triều Tiên, có thể được bắt đầu trong vài ngày tới với mục tiêu đẩy lùi các lực lượng Kiev về bên kia biên giới.
Việc cung cấp ATACMS có lẽ sẽ không đủ để xoay chuyển cục diện xung đột. Nhiều loại vũ khí tiên tiến của Nga, chẳng hạn như máy bay phản lực, đã được chuyển đến các sân bay xa hơn bên trong nước Nga để chuẩn bị cho khả năng Mỹ thay đổi chính sách vũ khí với Ukraine. Tuy nhiên, quyết định thay đổi chính sách này có thể mang lại cho Ukraine một số lợi thế vào thời điểm quân đội Nga đang giành được nhiều thắng lợi ở các mặt trận phía Đông và tinh thần chiến đấu của các binh sĩ đang xuống thấp.
"Tôi không nghĩ điều này sẽ mang tính quyết định", một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên đang làm việc tại Kiev chia sẻ với BBC. "Tuy nhiên, đây là quyết định mang tính biểu tượng, có thể nâng cao mức độ đe dọa và thể hiện sự ủng hộ về mặt quân sự của phương Tây đối với Ukraine. Bên cạnh đó, điều này cũng có thể làm tăng chi phí quốc phòng cho Nga".
Bà Evelyn Farkas, cựu trợ lý phó bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền cựu Tổng thống Obama, cho biết cũng có những câu hỏi về số lượng đạn dược sẽ được cung cấp.
"Câu hỏi tất nhiên là họ có bao nhiêu tên lửa? Chúng tôi nghe nói rằng Lầu Năm Góc đã cảnh báo rằng không có nhiều tên lửa như vậy để họ có thể cung cấp cho Ukraine", bà Farkas nói, đồng thời nói thêm rằng ATACMS có thể có "tác động tâm lý tích cực" ở Ukraine nếu chúng được sử dụng để tấn công các mục tiêu như cầu Kerch - cây cầu nối liền bán đảo Crimea với phần đất liền của Nga.
Động thái "phá rào" của Mỹ cũng có thể mở đường cho Anh và Pháp đưa ra quyết định tương tự, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Storm Shadow là tên lửa hành trình tâm do liên doanh Matra của Pháp và British Aerospace của Anh hợp tác phát triển vào năm 1994, có nhiều đặc tính tương tự ATACMS của Mỹ.
Vấn đề cốt lõi hiện nay là ông Biden đang ở buổi hoàng hôn của nhiệm kỳ Tổng thống và chỉ còn hai tháng nữa, ông sẽ phải trao lại quyền lực cho người kế nhiệm Donald Trump. Chưa rõ liệu chính quyền Trump có tiếp nối chính sách vũ khí mới của ông Biden hay không nhưng một số đồng minh thân cận nhất của ông đã lên tiếng chỉ trích về quyết định này của Nhà Trắng.
Con trai của ông Trump, Donald Trump Jr, đã viết trên mạng xã hội X: "Chính quyền đương nhiệm dường như muốn đảm bảo rằng Thế chiến thứ 3 sẽ nổ ra trước khi cha tôi có cơ hội tạo ra hòa bình và cứu mạng người".
Tổng thống đắc cử Trump chưa nêu rõ chính sách mà ông sẽ thực hiện đối với cuộc chiến ở Ukraine, ngoài việc tuyên thệ sẽ chấm dứt xung đột trong vòng một ngày. Nhiều quan chức cấp cao của ông Trump, chẳng hạn như "phó tướng" JD Vance, nói rằng Washington không nên cung cấp thêm bất kỳ viện trợ quân sự nào cho Kiev.
Tuy vậy, những nhân vật khác trong chính quyền Tổng thống Trump 2.0 lại có quan điểm khác. Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz lập luận rằng Mỹ có thể đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine để buộc Nga phải đàm phán.
Vẫn chưa rõ Tổng thống đắc cử sẽ đi theo hướng nào, song nhiều quan chức ở Kiev đang lo ngại rằng ông sẽ cắt đứt việc cung cấp vũ khí, bao gồm cả đạn dược cho ATACMS.
"Chúng tôi lo lắng. Chúng tôi hy vọng rằng ông Trump sẽ không đảo ngược quyết định này của Tổng thống Biden", Nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko chia sẻ với BBC.
Từ khóa: Ukraine, Nga,vũ khí mỹ, tên lửa tầm xa, ATACMS
Thể loại: Thế giới
Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN