Cầu đi bộ Trần Nhật Duật - Hà Nội biến hình thành công trình nghệ thuật
Cập nhật: 24/04/2024
VOV.VN - Tối qua (23/4), công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội chính thức khánh thành hứa hẹn trở thành điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách khi tới Hà Nội.
Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5. Nhóm thực hiện dự án này là nhóm các nghệ sĩ từng tham gia dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng như nghệ sĩ Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn.
Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật là một lối giao thông đi bộ kết nối khu phố cổ và khu vực Phúc Tân cửa khẩu Thanh Yên, thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Cầu chủ yếu được những người lớn tuổi, người bán hàng gánh rong và học sinh đi học sử dụng. Mật độ người qua lại không quá cao. Buổi tối ánh sáng chưa đủ, nên mặt cầu khá tối.
Từ thực trạng đó, nhóm nghệ sĩ đã có ý tưởng biến cây cầu đi bộ này trở nên vui tươi, sinh động hơn cũng như được thắp sáng thêm vào buổi tối bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng một phần được sử dụng từ vật liệu tái chế.
Với chủ đề “Nước”, các tác phẩm sắp đặt tương tác khắp các vị trí trên cây cầu đi bộ đã biến nó trở thành 1 bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng. Tác phẩm “Thuỷ cung” của họa sĩ Vũ Xuân Đông gợi lại sự sống của các loài vật dưới biển như cá voi xanh, cá heo, cá đuối, cá kiếm, cá nhà táng, sứa, san hô… Các loài sinh vật biển như bơi lượn trong 1 dòng chảy suốt chiều dài cây cầu vượt, quấn quýt, múa lượn khoe dáng.... tạo cảm giác cho người xem như đang tham dự một lễ hội của biển sâu. Tất cả hòa cùng vào một dòng chảy của sự sống, chảy ra biển cả mênh mông, giống như những dòng người xưa và nay đã từng nhộn nhịp gồng gánh từ bờ sông Hồng vào phố cổ, từ phố thị trở về bên sông Cái vĩ đại, rồi lên thuyền bên bến Phúc Tân xuôi ra biển khơi.
Tất cả nhịp điệu của sự sống nơi biển cả trên một cây cầu xinh xắn nối liền phố cổ và bờ sông nhắc nhở những người sinh sống trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm về câu chuyện của Nước luôn có vai trò vị trí đặc biệt với Thăng Long - Hà Nội, với những người đang sống và yêu trên mảnh đất ngàn năm văn hiến ...
Các loài cá, mực, sứa…được làm từ vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, ni lông tái chế… thu gom từ khắp nơi trong thành phố. Sắp đặt các loài cá đại dương được hấp thu ánh sáng bởi hệ thống đèn hắt dọc 2 bên vòm cầu cũng như hệ thống ánh sáng đèn led bên trong.
Dọc suốt hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của hoạ sĩ Lê Đăng Ninh cũng gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh tái hiện những người lao động trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger.
Phía chân cầu thang đi bộ từ cả 2 hướng được thiết kế vẽ các bức “Cá chép vượt Vũ Môn” từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống gợi nhắc hành trình học tập rèn luyện của các em học sinh mỗi ngày leo thang bộ đi học giống như hành trình “cá chép hoá rồng”. Với chủ đề là “Nước” có 2 tác phẩm vẽ 3D sẽ tương tác với trụ cột cầu thành 1 hình kéo khoá nước chảy tràn, và 1 bức tranh 3D phía sau bức tường đê với những con thuyền giấy rất thân thuộc với tuổi học trò.
Tác phẩm phẩm “Tương lai” của tác giả Cấn Văn Ân với chất liệu tranh vẽ 3D với sơn phủ ngoài trời thể hiện sự bứt phá, vượt qua thử thách, vươn lên trong cuộc sống. Thể hiện sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người. Những ngạc nhiên, những bất ngờ, sự uyển chuyển của nước cho chúng ta liên tưởng đến tương lai của thế hệ mới của sáng tạo mới.
Cây cầu đi bộ với chủ đề “Nước” giống như 1 gạch nối về mặt địa lý giữa 2 khu vực Phố Cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê, sẽ trở thành 1 không gian nghệ thuật công cộng nối dài với địa điểm Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm. 3 địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau sẽ tạo thành 1 tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn thu hút khách tham quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hoá và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân địa phương.
Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu Trần Nhật Duật hy vọng góp thêm một điểm đến văn hoá ở quận Hoàn Kiếm. Dự án này cũng giúp kích thích thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hoá nghệ thuật trong đô thị, một thói quen cũng dần phát triển trở lại, giúp gắn kết cộng đồng hiệu quả hơn trong những năm gần đây.
Từ khóa: cầu đi bộ trần nhật duật, công trình nghệ thuật, nghệ thuật, hà nội, cầu đi bộ trần nhật duật
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: thu hà/vov2
Nguồn tin: VOVVN