Câu chuyện trở thành cử nhân của cậu bé khuyết tật não
Cập nhật: 13/11/2019
Bị bắt khi định lừa 150 triệu đồng để lo cho công an lấy xe vi phạm ra sớm
Triệt xóa nhóm thiếu niên gây ra nhiều vụ cướp giật và trộm cắp tài sản
VOV.VN - Tháng 11 năm nay là một thời điểm đặc biệt với sinh viên Phan Tích Thiện của ngành Xã hội học, Trường Đại học Văn Hiến TPHCM...
Đặc biệt bởi vì dùbị khuyết tật não từ khi được sinh ra, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng nói và hoạt động của hai tay, nhưng bằng nỗ lực vượt bậc của mình và sự tận tâm giúp đỡ của các thầy cô, Thiện không những đỗ đại học mà còn tốt nghiệp loại Khá.
Phan Tích Thiện cùng các bạn chuẩn bị cho Lễ tốt nghiệp Đại học. |
Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày nhập học, nhưng mỗi khi hỏi đến việc mình đã trúng tuyển đại học như thế nào, Phan Tích Thiện vẫn xúc động rơi nước mắt. Năm 2015, tại Phòng tuyển sinh của Đại học Văn Hiến TPHCM, Thiện đã òa khóc và khóc rất lâu khi nghe thầy giáo trả lời “Con về chuẩn bị làm thủ tục nhập học”.
Đó là những giọt nước mắt vui mừng của cả một quá trình 12 năm học phổ thông mà Thiện cùng gia đình, thầy cô của mình nỗ lực, kiên nhẫn vượt qua từng bài học, từng môn học.
Khi là học sinh lớp 12, Thiện nghĩ, mình nói mãi mới được một câu, viết mãi mới được một dòng, chắc không thể tiếp tục học lên nữa. Nhưng từ thầy hiệu trưởng đến cô chủ nhiệm, cô giáo dạy Văn đều khẳng định: Thiện có thể học tiếp, miễn là trúng tuyển vào một trường đại học, chọn được ngành học phù hợp. Và chỉ có học lên cao thì Thiện mới có khả năng tìm được việc làm trong điều kiện sức khỏe như vậy.
Phan Tích Thiện (thứ 4 từ phải qua) trong một hoạt động của trường. |
Từ định hướng của thầy cô ở bậc phổ thông, Thiện đã thi đậu vào ngành Xã hội học, khoa Khoa học xã hội và nhân văn của trường Đại học Văn Hiến.
Trong hồ sơ của Thiện thể hiện rõ tình trạng khuyết tật, nhưng nhà trường đã không có bất cứ sự e ngại nào khi đón em vào. Trái lại, trường sẵn sàng dành cơ hội, tạo điều kiện tối đa cho những sinh viên như Thiện.
Thạc sỹ Nguyễn Duy Hải, Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: "Tích Thiện không phải là trường hợp đầu tiên mà trước đó cũng có nhiều sinh viên khiếm khuyết ở nhiều cấp độ khác nhau. Chủ trương của nhà trường là học tập suốt đời, tạo điều kiện cho các em có điều kiện học tập để sau này có thể tự lo cho mình và đóng góp cho xã hội. Trực tiếp về chuyên môn thì khi Thiện vào học thì trường, khoa nói trước với các thầy cô, mong thầy cô lưu tâm để ý, có cách hoặc phương pháp làm sao cho em theo kịp các bạn".
Lớp Xã hội học của Thiện có đến gần 100 sinh viên và Thiện trải qua chương trình học tập như tất cả các bạn, không nhận bất cứ sự ưu ái, nhân nhượng nào từ các giảng viên. Nhưng Thiện nhận từ các thầy cô sự tận tâm, tận lực giảng dạy.
Trưởng bộ môn Xã hội học- Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Thủy theo sát quá trình học tập của Thiện. Trước mỗi môn học, cô Thủy làm việc với từng giảng viên, nhất là giảng viên thỉnh giảng về tình trạng của Thiện, đề xuất cho Thiện được làm tiểu luận kết thúc môn thay vì thi như các sinh viên khác.
Cô Thủy còn là người khơi gợi các đề tài, hướng nghiên cứu cho các tiểu luận của Thiện và luôn bất ngờ về khả năng tư duy, diễn đạt ngôn ngữ của sinh viên này. Thiện nói không rõ và nhanh vì không thể điều khiển được lưỡi, miệng, Thiện viết và đánh máy rất chậm vì hai tay co quắp đau đớn. Nhưng Thiện tư duy sân sắc, nhiều ý tưởng và trình bày vấn đề mạch lạc. Thiện còn có tính kỷ luật cao, chưa bao giờ quá hạn bất cứ tiểu luận nào.
Cô Thủy cho biết: "Công cụ hỗ trợ nhiều nhất cho việc học là tay và miệng thì Thiện đều bị hạn chế. Do đó trong quá trình học Thiện gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng thừa nhận là Thiện có một nghị lực tốt và xác định được là đi học đại học sẽ giúp bạn vượt qua số phận của mình. Tôi làm việc rất nhiều với Thiện, từ ngày Thiện vào trường đến khi tốt nghiệp. Trong suốt quá trình học, bạn đều được hỗ trợ lớn từ giảng viên, thầy cô, bạn bè. Ai biết hoàn cảnh của Thiện cũng đều rất thương và giúp".
Một trong rất nhiều thành tích của Thiện. |
Suốt 4 năm ở trường Đại học Văn Hiến, Phan Tích Thiện đã luôn cố gắng và chưa bao giờ dùng lý do khuyết tật để từ chối một công việc gì. Ở lớp, Thiện là đầu mối gắn kết các bạn. Ở trường, Thiện là thành viên của nhiều câu lạc bộ.
Thầy cô giúp đỡ Thiện vào Câu lạc bộ MC để tập điều hòa hơi thở khi nói, tập phát âm rõ hơn, thuyết trình. Thầy cô tin tưởng đưa Thiện vào Câu lạc bộ Đại sứ để đến các trường phổ thông truyền tinh thần, truyền cảm hứng học tập cho lớp đàn em…
"Trường Đại học Văn Hiến đã cho em một cơ hội, một động lực để em có thể học tập được giống như các bạn. Và nếu như không có thầy cô ở trường thì rất khó để cho em có được như ngày hôm nay",Phan Tích Thiện khẳng định, ngày hôm nay của Thiện có được từ thầy cô.
Những ngày này, Phan Tích Thiện hoàn thành chương trình học tại trường và đang chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp. Thiện vẫn miệt mài bán hàng online và đi tìm việc, thử việc ở nhiều nơi. Thầy cô giáo của Thiện và Thiện đều mong muốn Thiện tìm được việc làm ở một nơi nào đó, đúng chuyên môn và hỗ trợ được các trẻ khuyết tật khác.
Câu chuyện của Phan Tích Thiện là minh chứng cụ thể nhất cho thấy người khuyết tật có sống và học tập, làm việc bình thường hay không là nhờ phần lớn ở sự tạo điều kiện của nhà trường, sự chú tâm của thầy cô giáo./.
Từ khóa: Phan Tích Thiện, Đại học Văn Hiến, sinh viên khuyết tật, khuyết tật não
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN