Cầu an

Cập nhật: 26/02/2021

[VOV2] - Cuộc sống mỗi người - thành hay bại, tốt hay xấu là do chính bản thân mình, không thể phó thác cho trời phật và cũng chẳng có trời phật nào quyết định thay mình cả. Sống thiện, sống lành, sống nhân đức, “tâm thiện” ắt sẽ gặp điều sáng, an yên.

“Đầu năm đi lễ cầu an”. Nhưng đã hai mùa xuân, thói quen ấy, nhu cầu tâm linh ấy của nhiều người Việt “bỗng dưng” thay đổi - hay nói cách khác là buộc phải thay đổi để thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đã và đang tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Không ít người tỏ ra lo lắng, bởi sống ở trên đời, có ai mà không mong cầu sự bình an? An về mọi nhẽ: tiền bạc, danh vọng, sức khỏe, tài lộc… Vậy nên cảm giác chông chênh và nỗi niềm băn khoăn: không “cầu” sao có thể “an” đây? cũng là điều dễ hiểu.

Một vị sư trụ trì từng chia sẻ rằng: cầu nguyện không phải là bản chất của Phật giáo. Đức Phật cũng không khuyến khích đệ tử mình cầu nguyện. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận giá trị của những Khóa lễ cầu an, cũng không phải lên án, chê trách việc cầu cúng, mà quan trọng, gốc của mọi nhẽ vẫn là cái “tâm” của mỗi người.

Thực tế, rất nhiều người trong chúng ta đang hiểu chưa thực đúng về hai chữ “cầu an”. Cứ nghĩ kéo nhau lên chùa, chen lấn xô đẩy để mong tìm được vị trí “đắc địa”, sắm sửa lễ to, vật lớn… như vậy mới là thành kính. Hay lễ càng to lòng càng thành, càng được “bề trên rộng đường soi xét”, rồi thỏa sức cầu xin thánh thần ban cho cái nọ, cái kia. Đó là mê tín chứ không phải tâm linh, bởi đã là tâm linh thì không vụ lợi, không có chuyện đổi chác, bán mua.

Vậy không “cầu” liệu có “an”?

Chúng ta vẫn nói với nhau “gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Cuộc sống mỗi người - thành hay bại, tốt hay xấu là do chính bản thân mình, không thể phó thác cho trời phật và cũng chẳng có trời phật nào quyết định thay mình cả. Sống thiện, sống lành, sống nhân đức, “tâm thiện” ắt sẽ gặp điều sáng, an yên.

Thế nên mới nói, sự thành tâm ở mỗi người còn lớn hơn ngàn vạn lần những lễ lạt, cúng bái cao siêu. Chọn bình an, nhân nghĩa - đó mới là cách cầu an đúng đắn nhất, hữu hiệu nhất mà mỗi người nên và cần phải thực hành trong suốt cuộc đời. 

Ngẫm ra mới thấy, những ngày khốn khó và có phần “xa cách” vì dịch bệnh thế này cũng không phải không có cái hay. Nhiều người bỗng chợt ngộ ra rằng, có điều kiện, thảnh thơi tới đền chùa chiêm bái được là tốt, bằng không, ta cứ lòng thành, tự mình thức tỉnh đời sống tâm linh theo cách riêng của mình. “Phật tại tâm” trong giáo lý nhà Phật lâu nay được nhắc tới nhiều, nhưng có lẽ chưa khi nào người ta lại có thời gian chiêm nghiệm và thấu hiểu như lúc này.

Những ngày Xuân không lễ hội, những ngày Xuân thiếu vắng không khí rộn ràng, chen chúc nơi cửa đình, chùa; và cũng có thể sẽ có thêm những ngày Xuân như thế - chúng ta chưa thể biết trước. Nhưng đâu có sao, khi mỗi người đều sẵn có trong tâm thức giá trị tâm linh với những điều nhân nghĩa.

Giữ tâm thiện, thì không cầu – bình an cũng sẽ đến.

Từ khóa: cầu an, nhân quả, Phật tại tâm

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập