Cắt giảm ngay những quy định cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh

Cập nhật: 08/01/2020

VOV.VN - Việc cắt giảm, đơn giản quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh phải lượng hóa được lợi ích mang lại cho doanh nghiệp và xã hội.

Sáng nay (2/1), tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc bàn về xây dựng công cụ và kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc.

Theo đó, Dự thảo Quyết định về kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2020-2025 sẽ cắt giảm ngay những quy định là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, ngăn chặn việc phát sinh những quy định mới làm tăng chi phí và rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp. Việc cắt giảm phải lượng hóa được lợi ích mang lại cho doanh nghiệp và xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động, quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho việc cải cách, đơn giản hóa các quy định liên quan.

cat giam ngay nhung quy dinh can tro hoat dong san xuat kinh doanh hinh 1
Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Cắt giảm, đơn giản hóa quy định phải đảm bảo nguyên tắc khi ban hành mới một văn bản phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ, riêng thông tư ban hành mới phải bãi bỏ ít nhất hai thông tư cũ. Việc ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung thay thế phải đảm bảo nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản để giảm số lượng văn bản, rút ngắn thời gian ban hành và tiết kiệm chi phí.

Mục tiêu cụ thể là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ; cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm (từ năm 2020 đến năm 2025). Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá rất cao sáng kiến cải cách này bởi đây là sáng kiến vượt qua mọi cải cách mà chúng ta đang thực hiện. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng nên bổ sung trong Quyết định cần một nghị định hướng dẫn một nhóm vấn đề và một thủ tục hướng dẫn nhiều luật để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển.

“Hiện nay các mâu thuẫn giữa các luật chúng ta vẫn còn và sẽ còn tiếp tục nếu như các luật vẫn để các nghị định riêng hướng dẫn nếu đưa vào Quyết định này chỉ một nghị định hướng dẫn về cùng một vấn đề, ví dụ như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở chỉ có một Nghị định hướng dẫn về thủ tục đầu tư thì mới hết được mâu thuẫn. Còn nếu Luật Đầu tư sau này ra đời lại có nghị định riêng hướng dẫn thủ tục đầu tư, Nghị định riêng hướng dẫn Luật Xây dựng, rồi Luật Nhà ở thì vẫn luôn luôn mâu thuẫn, rà soát cũng vẫn mâu thuẫn, chồng chéo” - ông Phan Đức Hiếu nêu rõ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI) cho rằng, nếu một nghị định về quy trình hướng dẫn các luật bắt buộc các Bộ phải làm việc liên ngành, khi đó sẽ rút ngắn được nhiều thời gian. Do đó, trong năm 2020 giải quyết được thủ tục liên ngành thì sẽ rất tốt. Đồng thời cũng lưu ý, việc cắt giảm cần có các giải pháp để tránh các khoảng trống pháp luật bởi sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Cụ thể như trong năm 2018 vừa rồi, có một Nghị định của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ về việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, bỏ một số chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường bởi vì chồng lấn với các bộ khác, nhưng các bộ khác không trình nghị định để ban hành. Chính vì vậy trên thực tế có những khoảng trống có những doanh nghiệp phải kêu cứu. Do đó, chúng tôi cho rằng nếu cắt giảm và bãi bỏ cũng phải tính đến trường hợp này. Bởi những khoảng trống của pháp luật khi thực thi cũng tạo ra những rủi ro rất lớn” - ông Đậu Anh Tuấn nêu ý kiến./.

Từ khóa: điều kiện kinh doanh, quy định hoạt động kinh doanh, lợi ích của doanh nghiệp, sự phát triển doanh nghiệp

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập