Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh kết nối hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 2 giờ trước
Lục bình "bủa vây" kênh, rạch cản trở tưới tiêu, vận chuyển nông sản ở Vĩnh Long
Gia Lai tập trung phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số
VOV.VN - Ngày 26/7 tại xã Tháp Mười, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Theo Bộ Xây dựng, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Dự án có chiều dài tuyến khoảng 26,6 km, giai đoạn 1 được đầu tư phân kỳ quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 6.120 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là chủ đầu tư.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến 3 năm (năm 2025 - 2028). Điểm đầu của dự án kết nối với tuyến N2 thuộc xã Đốc Binh Kiều; điểm cuối kết nối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh), thuộc phường Mỹ Trà, tỉnh Đồng Tháp.
Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, Bộ Xây dựng, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh là một phần của hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, khi hoàn thành đưa vào khai thác cùng với tuyến Cao lãnh - Lộ Tẻ và tuyến Lộ Tẻ - Rạch sỏi đang được nâng cấp lên quy mô cao tốc sẽ giúp kết nối xuyên suốt từ TP. Hồ Chí Minh qua Tây Ninh, Đồng Tháp và An Giang, rút ngắn thời gian di chuyển và đồng thời giảm tải áp lực cho đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, Quốc lộ 80 và các tuyến lân cận.
Giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi yêu cầu các đơn vị tư vấn, nhà thầu bắt tay ngay vào công việc, triển khai thi công với tinh thần “tốc chiến - tốc thắng, vượt nắng - thắng mưa”, “làm xuyên ngày nghỉ - ngày lễ” sớm đưa công trình vào khai thác phục vụ nhân dân trong khu vực, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về chất lượng và an toàn lao động.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cho biết, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; đây là tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo ông Trần Trí Quang, trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đầu tư nhiều dự án, công trình trọng điểm đi qua và đã phát huy hiệu quả cao, đặc biệt là các công trình phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đồng Tháp nói riêng và của khu vực nói chung như: tuyến tránh Quốc lộ 30 thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự; tuyến cao tốc Cao Lãnh – Lộ Tẻ; tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; tuyến Hồ Chí Minh và tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu tạo những điều kiện thuận lợi nhất đối với chủ đầu tư và nhà thầu thi công.
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Xây dựng đã đầu tư xây dựng và chuẩn bị hoàn thành trong năm 2025 tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, một phần tuyến cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa cùng với kế hoạch khởi công tuyến cao tốc Đức Hoà - Mỹ An trong năm 2026 thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà nhấn mạnh:l Ban QLDA Mỹ Thuận cần tổ chức điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo chặt chẽ đúng pháp luật; chỉ đạo các nhà thầu xây dựng tiến độ thi công tổng thể, chi tiết phù hợp với tiến độ hoàn thành dự án, làm cơ sở đôn đốc các đơn vị thực hiện; hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ vật liệu, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn cho dự án, chất lượng và hiệu quả, an toàn trong xây dựng và đảm bảo bảo môi trường.
Dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh khi hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL. Dự án còn tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương, đóng góp vào mục tiêu hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030.
Từ khóa: Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Đồng bằng sông Cửu Long, Tháp Mười, Đồng Tháp, Bộ Xây dựng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: phạm hải/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN