Cao su Lai Châu thời mất giá: Người dân còn “ôm mộng” làm giàu?
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp nên đời sống của đa phần các hộ dân trong vùng dự án vẫn chưa được cải thiện là bao.
Với gần 14.000 ha, cây cao su từng được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu xem là cây chiến lược trong phát triển kinh tế nông nghiệp, với kỳ vọng sẽ giúp đồng bào các dân tộc địa phương đẩy lùi đói nghèo và làm giàu. Hiện nay trên địa bàn đã đưa vào khai thác trên 4.000 ha, sản lượng và chất lượng mủ tương đương như vùng Đông Nam Bộ, điều đó phần nào khẳng định phù hợp trên đồi núi dốc ở địa phương.
Thế nhưng, thời gian qua do giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp, nên đời sống của đa phần các hộ dân trong vùng dự án vẫn chưa được cải thiện là bao. Vậy hướng đi nào cho cây trồng mới này ở địa phương và người dân có còn ôm mộng làm giàu sau hơn 10 năm góp đất?!
Năm 2010, theo chủ trương góp đất trồng cây cao su của tỉnh Lai Châu, gia đình anh Phàn A Tiến, ở bản Nậm Cha 1, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ cũng như nhiều hộ dân trong bản hồ hởi làm thủ tục góp đất để Công ty CP Cao su Lai Châu, thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thực hiện dự án.
Cây cao su trên địa bàn huyện Sìn Hồ được đánh giá có năng suất và chất lượng tốt so với các vùng truyền thống trồng cao su. |
Để đảm bảo diện tích cao su liền vùng, liền thổ, gia đình anh đã góp toàn bộ hơn 4ha đất nương trồng lúa của gia đình cho công ty. Đến nay, dù cây cao su đã bước sang năm thứ 9, sau khi trồng, nhưng không hiểu vì lý do gì diện tích trên vẫn chưa được đưa vào khai thác. Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình anh chưa được nhận khoản tiền 10% giá trị mủ trên phần diện tích đất đã góp.
Anh Phàn A Tiến cho biết, phần diện tích đất đã góp trồng cây cao su trước kia được gia đình anh trồng lúa một vụ, mỗi năm cũng được khoảng 500 bó lúa. Tuy giá trị kinh tế không nhiều, nhưng hàng năm không phải lo gạo ăn. Từ ngày góp đất trồng cao su, kinh tế của gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, vì đời sống cả nhà 4 nhân khẩu phải hoàn toàn phụ thuộc vào diện tích trồng lúa nước ít ỏi còn lại.
Trong khi chờ đợi được chia giá trị sản phẩm mủ, để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và mua thóc gạo, vào mùa mưa vợ chồng anh phải xuống hồ thủy điện để đánh bắt cá.
“Khi cổ phần góp đất, họ bảo lúc nào cao su khai thác mới được nhận tiền. Tính ra làm cao su vẫn hơn so với làm nương, nhưng tiền 10% giá trị mủ đến nay họ vẫn chưa trả nên cũng chưa biết được thế nào. Trước khi chưa khai thác mủ, kinh tế gia đình khó khăn vì lương trả chậm, nhưng nay công ty quy định đúng ngày là được nhận tiền. Ngoài làm công nhân, gia đình vẫn làm nương, làm ruộng cùng với đánh bắt cá, tôm”, anh Tiến cho biết.
Cũng như gia đình anh Tiến, năm 2010 gia đình anh Tao Văn Hung, ở bản Nậm Ngập I, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ góp toàn bộ hơn 2 ha đất nương trồng lúa của gia đình để trồng cao su. Đến năm 2018, nhiều diện tích đất góp của bà con ở bản trồng cùng năm đã được đưa vào khai thác mủ, nhưng diện tích đất cao su trồng trên đất của gia đình anh vẫn chưa được đưa vào khai thác nên cũng chưa có thu nhập. Không được tuyển vào làm công nhân cao su, từ đó đến nay kinh tế của gia đình phải phụ thuộc vào ít thóc từ đất ruộng một vụ.
“Gia đình mình góp được 2.000 mét vuông đất và được đền bù 1 triệu đồng. Cao su được công ty trồng từ năm 2010 cho khai thác từ năm 2018 nhưng công ty cao su chưa thanh toán tiền vì cao su chưa cho khai thác. Cuộc sống của gia đình lâu nay vẫn trông vào đất ruộng, đất nương để đợi ngày khai thác mủ cao su”, anh Hung chia sẻ.
Nậm Tăm là thủ phủ cao su của huyện Sìn Hồ với tổng diện tích hơn 1.300 ha của 12/14 bản tham gia góp đất. Với lứa cây trồng chủ yếu từ năm 2008 - 2010, đến nay địa phương mới đưa vào khai thác mủ gần 700 ha.
Theo quy trình thời gian kiến thiết và sinh trưởng của cây cao su, khi bước sang năm thứ 8, cây cao su có vanh phát triển sớm đạt 48 cm sẽ đưa vào khai thác. Diện tích cao su trên địa bàn xã Nậm Tăm đến nay đều có tuổi đời 9 - 11 năm, nhưng gần 1/2 diện tích cao su tại đây vẫn chưa đưa vào khai thác, dẫn đến người dân không được nhận số tiền ăn chia giá trị sản phẩm mủ.
Với việc đưa vào khai thác ít diện tích, đời sống người dân góp đất vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có nhiều thu nhập từ cao su. |
Ông Lò Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ cho biết, ở giai đoạn 1 – 2 năm đầu góp đất, bà con trong xã khi đó có nhiều việc làm vì được nhận vào làm công nhân chăm sóc cao su. Ngoài ra, bà con được trồng xen một số cây họ đậu, lúa nương khi cây cao su chưa khép tán nên thu nhập cũng khá ổn định.
Nhưng đến khi cây cao su khép tán, ít việc làm, không trồng xen được nữa nên nhiều công nhân đã bỏ việc đi tìm việc khác. Hiện chỉ có các hộ gia đình có người làm công nhân thì mới có thu nhập ổn định, còn các hộ góp đất trồng cao su đã cho thu mủ thì thu nhập bao nhiêu là phụ thuộc vào diện tích đất gia đình đã góp.
“Người dân đã đóng góp đất trồng cao su nên đất trồng hoa màu sẽ ít đi, chăn nuôi cũng giảm đi. Một số nhà còn thiếu đất để xây dựng nhà cửa vì đất ven đường cũng đã góp hết nên đang gặp khó khăn. Mong muốn của bà con cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương là làm sao giá cả của cao su tăng lên, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, chính quyền địa phương cũng yên tâm hơn”, ông Nghiêm nói cho hay.
Hơn 10 năm thực hiện chủ trương của địa phương, người dân góp đất trồng cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu bước đầu đã có thu nhập do một phần diện tích đã đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đời sống người dân góp đất nơi đây vẫn chưa được cải thiện là bao so với mục tiêu ban đầu của dự án.
Hiện các công ty cao su đã tuyển dụng một số lượng lớn công nhân người địa phương để đưa đi đào tạo kỹ thuật, phục vụ cho công đoạn thu hoạch mủ, nhưng giải pháp lâu dài để ổn định đời sống cho những người công nhân đã tuyển dụng vẫn đang là bài toán rất cần có lời giải./.
Từ khóa: cao su tây bắc, dự án trồng cao su, góp đất trồng cao su, thu hoạch mủ cao su, kinh tế người trồng cao su,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN