Cao Bằng: Đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 25/09/2019

Thời gian qua Cao Bằng đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, giúp phát triển kinh tế địa phương.

Cao Bằng là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ 3 cả nước sau Điện Biên và Hà Giang. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành TW, cùng sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, thời gian qua kinh tế Cao Bằng đang dần khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 ước đạt 7%, GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt gần 1.100 USD.

Để có được những kết quả đó, Cao Bằng đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

cao bang: dau tu ha tang thuc day phat trien kinh te - xa hoi hinh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao chủ trương và bản ghi nhớ đầu tư cho các doanh nghiệp tại tỉnh Cao Bằng với tổng mức đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng.
Là địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 333km, có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng nhiều năm qua, Cao Bằng - vùng đất cội nguồn cách mạng vẫn chỉ được biết đến là một tỉnh miền núi nghèo và khó khăn bậc nhất cả nước.

Cao Bằng có rất nhiều lợi thế nhưng không thu hút được các nhà đầu tư để phát triển, bởi giao thông đi lại khó khăn đã trở thành điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Phó Giám đốc nghiên cứu, Trưởng khoa Tài chính Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh của Pháp cho rằng:“Cao Bằng có thế và lực, nằm ở địa điểm trung chuyển và hoàn toàn có khả năng trở thành một mắt xích quan trọng trong kết nối các cụm kinh tế phía Bắc của Việt Nam cũng như là các cụm kinh tế phía Đông của Trung Quốc, kết nối các cực tăng trưởng đã và đang tồn tại. Cao Bằng có một hệ sinh thái tự nhiên thiên nhiên cực kỳ đẹp, là nơi chiêm nghiệm trải nghiệm một cuộc sống mới, có không khí phát triển gắn liền với nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng của dân tộc Việt Nam".

Xác định được tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn của địa phương, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh với tôn chỉ: Chính quyền luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư không chỉ bằng những cam kết trên giấy, mà bằng những hành động thiết thực và cụ thể, để các dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư sẽ sớm được triển khai.

Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng cũng có chủ trương kêu gọi đầu tư dựa trên những thế mạnh sẵn có của từng địa phương. Như đối với Nguyên Bình, một huyện miền núi vùng cao của tỉnh, nơi có nhiều mặt hàng thương phẩm có giá trị cao như miến dong, trúc sào… cũng là nơi có khu du lịch sinh thái Phia Oắc- Phia Đén, được coi là nóc nhà của Cao Bằng, một “Sapa thứ 2”, thì việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp và du lịch được coi là chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

cao bang: dau tu ha tang thuc day phat trien kinh te - xa hoi hinh 2
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Cao Bằng ước đạt 7%, GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt gần 1.100 USD. (Ảnh minh họa/KT)
Ông Nông Quốc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết:“Trong giai đoạn 2015-2020, với định hướng phát triển nông nghiệp và du lịch, kỳ vọng sẽ nâng cao được đời sống cho bà con nhân dân huyện Nguyên Bình. Chúng tôi cũng rất mong muốn với sự đồng hành của doanh nghiệp, Nguyên Bình nói riêng và Cao Bằng nói chung sẽ có nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời qua những tập đoàn lớn sẽ giới thiệu và quảng bá nền văn hóa và đất nước con người Cao Bằng để các du khách biết và sẽ đến với Cao Bằng chúng tôi".

Khi công viên địa chất Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu đã mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển du lịch thì việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, điện, cơ sở lưu trú… lại càng được Cao Bằng đặc biệt ưu tiên, nhất là với những dự án trong lĩnh vực hạ tầng, tạo bước đệm để các ngành kinh tế khác phát triển.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp điện 1, cho biết:“Công ty đã tập trung nguồn lực đầu tư các nhà máy thủy điện và xúc tiến đầu tư các nhà máy công nghiệp chế biến sâu tại Cao Bằng. Các dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ cùng với hệ thống đường giao thông, lưới điện địa phương được nâng cấp và cải tạo sẽ tăng khả năng kết nối về kinh tế xã hội, gắn kết thúc đẩy phát triển giữa các địa bàn kinh tế trong vùng. Thời điểm hoàn thành sẽ thu hút 650 lao động tại địa phương và đóng góp cho ngân sách ước tính 460 tỷ đồng mỗi năm, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh, đóng góp vào các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh".

Tăng cường thu hút đầu tư, cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng Cao Bằng cũng có những yêu cầu mang tính ràng buộc với các nhà đầu tư như tạo việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa phương, sản xuất kinh doanh phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, không phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử, không sử dụng lao động bất hợp pháp, chấp hành các quy định của pháp luật về thuế… Sự phát triển của tỉnh cũng chính là lợi ích lâu dài của những nhà đầu tư, có như vậy, kinh tế Cao Bằng mới có thể thực sự cất cánh./.

Duy Thái/VOV-Đông Bắc

Từ khóa: Cao Bằng, Đầu tư hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, GRDP,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập