Cạnh tranh trong nghề Yoga đòi hỏi HLV phải luôn làm mới bản thân

Cập nhật: 23/03/2021

[VOV2] -Nghề Yoga giờ đã bắt đầu có sự cạnh tranh nên một HLV Yoga giỏi luôn phải biết nâng cấp bản thân. Nếu không tự rèn luyện hằng ngày, sau một hai năm bạn có thể lạc hậu.

Yoga "hút" người tập

Một phòng tập Yoga trên đường Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội. 18h15 phút chiều, những tấm thảm Yoga đã được trải sẵn “chờ” các học viên.

Là nhân viên văn phòng, ít vận động nên Hoàng Thị Thắm và các đồng nghiệp khoảng gần chục người đã rủ nhau lập thành nhóm đăng ký học Yoga. Không cầu kỳ, chỉ cần quần áo thoải mái, bổ sung một chút năng lượng, vậy là các cô gái đã có thể bắt đầu buổi tập.

Những lớp học Yoga thế này phổ biến 5-7 năm trở lại đây tại Hà Nội và các thành phố lớn và lan rộng ra các tỉnh thành. Có rất nhiều trường phái luyện tập Yoga khác nhau như Yoga trị liệu, Yoga giảm cân, Yoga bầu... HLV Yoga cũng đã trở thành một nghề được nhiều người theo đuổi.

Nghề HLV Yoga - khi mọi người nghỉ thì bạn làm việc

Hăng say chỉnh từng động tác cho học viên, chị Nguyễn Thị Thu Ngà là giáo viên của lớp học này. Gắn bó với Yoga đã 11 năm nhưng ít ai biết rằng chị vốn xuất thân từ một nhân viên ngành bưu điện. Năm 2010, khi Yoga còn chưa phổ biến, chị Ngà đã bắt đầu tập luyện Yoga và tình cờ chị biết đến khóa đào tạo giáo viên Yoga. Vốn mê mẩn bộ môn này nên chị quyết định đăng ký lớp đào tạo giáo viên Yoga với ý nghĩ ban đầu tập luyện chuyên sâu hơn.

Kết thúc khóa học, bên cạnh công việc chính ở cơ quan, chị mở 1-2 nhóm Yoga dạy thêm cho bạn bè đồng nghiệp. Nhận được phản hồi tích cực của người học, chị và một số người bạn quyết định “bắt tay” mở ra trung tâm dạy Yoga. Không lâu sau thì nghỉ hẳn công việc ở cơ quan để chuyển hướng sang làm giáo viên Yoga.

Yoga là bộ môn rèn luyện cả thân và tâm. Rèn luyện các tư thế kết hợp rèn luyện hơi thở và sự tập trung giúp người tập Yoga có một sức khỏe dẻo dai và sự bình an trong tâm trí. Bởi vậy, những người tập luyện Yoga lâu năm thường có vóc dáng chuẩn, có phong thái điềm đạm và  sống hòa hợp với thiên nhiên.

Nhiều năm làm HLV Yoga, chị Ngà nhận thấy 90% người tập là nữ giới nhưng bây giờ nam giới cũng đã bắt đầu theo học. Người tìm đến Yoga vì nhiều lý do, tăng cân, giảm cân, dân công sở ngồi nhiều bị đau lưng, đau cổ, đau vai gáy, những người căng thẳng mất ngủ và cũng có cả những người lớn tuổi đau xương khớp do thời tiết. Bởi vậy, thú vị nhất của nghề này là được gặp gỡ nhiều người, mang lại sức khỏe và niềm vui cho người học”, chị Ngà chia sẻ.

Thu nhập của một giáo viên Yoga dao động trong một khoảng rất rộng, tùy thuộc từng người, dạy nhiều hay ít, là giáo viên uy tín hay mới ra trường. Bạn có thể thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng, 15-20 triệu đồng/tháng  hoặc  thậm chí nhiều hơn. Bên cạnh tìm đến các trung tâm, nhiều người hiện cũng muốn mời HLV Yoga cá nhân hoặc học theo nhóm để có chất lượng tốt hơn.

Nhắc tới nghề HLV Yoga, nhiều người chắc mẩm, “công việc này thật là sướng vì vừa được luyện tập chăm sóc sức khoẻ cho bản thân vừa có mức thu nhập cao”, thế nhưng chị Ngà cho rằng điều này chỉ đúng một phần.

Đây là công việc mà khi mọi người nghỉ thì mình làm. Thông thường mọi người thường tập vào buổi sáng sớm, buổi trưa, hoặc chiều tối, đó là thời gian ai cũng muốn dành thời gian cho bản thân.

Khi làm huấn luyện viên Yoga, bạn phải tìm hiểu rất nhiều kiến thức nhiều về các tư thế tập luyện để  tư vấn cho hội viên chính xác. Bạn cũng phải là người trải nghiệm đầu tiên những tư thế mới. Điều đó giúp bạn có thêm kiến thức tốt cho bản thân nhưng khi trên lớp bạn phải dành toàn tâm toàn ý cho học viên.

Dạy Yoga là quá trình làm mới bản thân

Nghề Yoga giờ đã bắt đầu có sự cạnh tranh nên một HLV Yoga giỏi luôn phải biết nâng cấp bản thân, có kiến thức tốt hướng dẫn cho hội viên. Làm công việc này một thời gian dài chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự nhàm chán. Đó là lúc phải làm mới mình để có năng lượng, sự hứng khởi tiếp tục đứng lớp.

“Học hỏi kiến thức, trải nghiệm tư thế mới, nhiều khi đi trải nghiệm lớp của thầy cô khác, hoặc đơn giản là nghỉ dạy vài ngày tìm đến thiên nhiên. Đó là cách tôi  làm mới cảm xúc bản thân”, chị Ngà cho hay.

Bạn trẻ muốn theo đuổi nghề này nên bắt đầu từ sự tập luyện, trải nghiệm để xem mình có thực sự đam mê hay không,  hiểu yoga mang lại cho mình lợi ích như thế nào? Nếu thực sự muốn trở thành HLV, bạn có thể tìm nơi đào tạo uy theo học để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo chị Ngà, hiện nay có các tổ chức đào tạo chứng chỉ yoga của thế giới và cả Việt Nam. Thông thường các lớp được mở với thời gian khoảng 200-500-800h.

Chứng chỉ là điều kiện cần nhưng muốn sống tốt với nghề bạn phải tự học hỏi, nâng cấp bản thân, tự tập luyện hằng ngày. “Một giáo viên tập luyện hằng ngày khi đứng lớp dạy học viên khác với một giáo viên chỉ học xong chứng chỉ hành nghề”. Nếu không tự rèn luyện hằng ngày, sau 1 – 2 năm bạn có thể lạc hậu, đồng thời cũng không thể có những trải nghiệm để truyền đến học viên. Do vậy, muốn trở thành một huấn luyện viên yoga tốt thì bạn phải là người thực hành nó hằng ngày”, chị Ngà khẳng định.

Nghe chương trình tại đây:

 

 

 

 

 

 

Từ khóa: nghề Yoga, giáo viên Yoga, HLV yoga

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập