Cảnh báo tình trạng học sinh nhập viện vì áp lực mùa thi
Cập nhật: 09/06/2022
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Viện Sức khoẻ Tâm thần (BV Bạch Mai) thông tin về nhiều trường hợp học sinh phải nhập viện gần đây, trong đó, có những em bị trầm cảm vì áp lực từ học tập và từ cha mẹ.
Trẻ có triệu chứng từ 3-5 năm trước
Tại Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai) thời gian gần đây đã tiếp nhận, điều trị nhiều ca bệnh là người trẻ, đặc biệt là có những bệnh nhân ở độ tuổi học sinh phải vào việc vì áp lực học tập lớn. Sau nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra, số lượng bố mẹ đưa con đến Viện Viện Sức khỏe Tâm thần khám tăng lên rõ rệt. Có những trường hợp trẻ có dấu hiệu bệnh từ 3-5 năm trước.
TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị Rối loạn liên quan Stress, Viện sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, trước đây, bố mẹ không để ý và phát hiện ra những dấu hiệu tâm lý cần giúp đỡ của con trẻ. Nhưng qua truyền thông, ngày càng nhiều bậc phụ huynh hiểu rõ hơn và chủ động đưa con đi khám.
"Nhiều phụ huynh đã khóc, thậm chí xin lỗi bác sĩ vì để không biết được và phát hiện sớm tình trạng của con. Các bậc phụ huynh thường nghĩ do con ở độ tuổi dậy thì nên thay đổi tính cách và ở trường có vấn đề gì mới biểu hiện như vậy, mà hoàn toàn không nghĩ rằng đây là dấu hiệu bệnh tật", BS Tâm nói.
Nêu cụ thể trường hợp một nam sinh lớp 12, BS Tâm cho biết, bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối cấp, nhưng nỗ lực học tập đều không hiệu quả dù có học lực khá giỏi. Từ năm lớp 11, bệnh nhân có biểu hiện khó kiềm chế cảm xúc. Sau mỗi lần cãi lời bố mẹ, bệnh nhân đều tự nhận ra mình sai và nói lời xin lỗi. Khi vào viện, trên người bệnh nhân có nhiều vết bầm tím do tự làm đau bản thân.
"Bệnh nhân luôn cảm thấy mình áp lực vì không biết học nhiều để làm gì. Ví dụ, bệnh nhân thấy rằng, học Toán rất nhiều nhưng người lớn đâu có ai sử dụng các công thức Toán ngoại trừ các phép tính cơ bản. Chính vì suy nghĩ này mà bệnh nhân giảm hứng thú trong học tập, luôn phải đấu tranh giữa việc cố gắng học tốt với việc học để làm gì. Chính những đấu tranh đó, cùng với kỳ vọng, giáo huấn của bố mẹ, khiến bệnh nhân xuất hiện những ý tưởng và hành vi chống đối, có những trò nghịch, trêu chọc bạn bè thái quá... Có những lúc căng thẳng khó chịu quá, bệnh nhân đã tự cấu véo làm đau bản thân để tìm cảm giác dễ chịu hơn" - BS Tâm nêu cụ thể trường hợp bệnh nhân mới vào Viện khám.
BS Tâm cho biết, gần đây, bệnh nhân thấy người mệt mỏi, giảm hứng thú học nhiều hơn nên không theo được guồng ôn thi của nhà trường. Điều này làm bệnh nhân càng chán nản, lo lắng, căng thẳng hơn: "Bệnh nhân hiểu là mình không "kém" sao lại học không tốt, nên cho rằng mình có vấn đề tâm lý và chính bệnh nhân đòi bố mẹ đưa đi khám. Khi gặp bác sĩ, bệnh nhân nhận thức rất rõ và hiểu rõ vấn đề tâm lý của mình".
Một trường hợp khác là nữ sinh lớp 10, được gia đình đưa vào Viện khám vì hay bị đau đầu. Bệnh nhân là "con ngoan, trò giỏi", nhưng thi lên cấp 10 không đạt được nguyện vọng vào trường chuyên nên tâm trạng buồn và thất vọng nhiều.
"Gia đình theo dõi thấy thỉnh thoảng bệnh nhân cáu gắt với mẹ, nhưng khi hỏi tại sao thì em không chia sẻ. Khi không đỗ trường chuyên, em cũng bị mẹ trách cứ, từ đó tâm trạng bệnh nhân buồn nhiều hơn, hay mệt mỏi và xuất hiện những cơn đau đầu và các triệu chứng trầm cảm", BS Tâm cho biết thêm.
Viện Sức khỏe Tâm thần cũng tiếp nhận trường hợp điển hình phải nhập viện ngày 23/5/2022 vì căng thẳng mùa thi là nam bệnh nhân 18 tuổi ở Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện do lo lắng và chóng mặt. Bệnh nhân được gia đình quan tâm chăm sóc, gia đình và bệnh nhân không có tiền sử bệnh rối loạn tâm thần... Gia đình nhận xét, bệnh nhân là người trầm tính, hiền lành, nhút nhát, ít chia sẻ cảm xúc. Bệnh nhân có học lực trung bình và được gia đình đăng ký cho học trường quốc tế khi lên cấp 2.
Tuy nhiên, bệnh nhân thường tự ti và ít tiếp xúc với các bạn học có học lực cũng như điều kiện kinh tế tốt hơn. Dần dần bệnh nhân không chơi với bạn bè tại trường. Năm lớp 7, bệnh nhân thường xuyên lo lắng, căng thẳng, học tập giảm tập trung và được Phòng tư vấn tâm lý học đường của trường giới thiệu đi khám ở BV Nhi T.Ư. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lo âu và được bác sĩ tư vấn chuyển sang môi trường học tập khác.
Khi được chuyển sang trường công, tình trạng bệnh nhân được cải thiện hơn. Nhưng khi gặp tình huống khó khăn như căng thẳng trong học tập, thi học kỳ, mâu thuẫn với bạn bè, bệnh nhân cảm giác mệt mỏi, chướng ngực, hay lo âu, sợ hãi vô cớ. Gia đình thường đưa bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa để theo dõi sức khỏe. Trong một tháng nay, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng căng thẳng lo lắng khi chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học sắp tới. Thi thoảng, bệnh nhân có cảm giác hồi hộp, trống ngực, run tay chân, vã mồ hôi, choáng đầu... Gia đình đã đưa bệnh nhân tới Viện sức khỏe Tâm thần vào được chỉ định nhập viện.
Theo BS Tâm, câu chuyện này là vô cùng khó và cần sự nhạy cảm của các bậc phụ huynh để hỗ trợ con em kịp thời.
Phòng bệnh và điều trị
Các bác sĩ cho biết, những trường hợp này, bệnh nhân sẽ được tâm lý trị liệu, dùng thuốc và điều trị bằng các thiết bị hỗ trợ để giúp cải thiện các triệu chứng và bệnh lý tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, có một liều thuốc chung có thể áp dụng chung mọi trường hợp là "bồi dưỡng nhân cách" và "tạo môi trường phù hợp" giúp trẻ vượt qua stress.
"Chúng ta chống đỡ stress bằng tâm lý, bằng nhân cách. Nhân cách càng mạnh stress càng khó thắng. Những người thiếu ý chí, thiếu nghị lực, hay tự ti, mặc cảm hoặc dễ bùng nổ đều dễ bị stress. Do vậy, các gia đình cần lưu ý, khi con em mình có những tính cách như vậy thì cần khích lệ, hỗ trợ để nâng cao tinh thần cho trẻ. Gia đình cùng với nhà trường cần quan tâm, xây dựng môi trường chống stress cho học sinh", BS Tâm khuyến cáo.
Bác sĩ đặc biệt cảnh báo việc lạm dụng thuốc, chất kích thích dù là trà hay cafe: "Nhiều bạn học sinh lạm dụng trà, cafe để tỉnh táo đầu óc khi học bài. Nhưng các bạn không biết rằng, được hôm nay tỉnh táo thì mai mệt mỏi. Nặng hơn nữa là các bạn trẻ mách nhau sử dụng chất kích thích, như "kẹo, tem dán" để tỉnh táo hơn. Điều này hết sức nguy hiểm. Bên cạnh đó, yếu tố ra đình cũng gây áp lực lớn. Có những trẻ buồn phiền vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ, nhưng có em lại áp lực vì bố mẹ quan tâm nhiều quá".
Theo BS Tâm, nhiều người dùng thuốc để bổ sung sức khỏe, tinh thần giúp trẻ có nhiều thời gian học tập hơn. Nhưng hậu quả sẽ xuất hiện khi trẻ không được nghỉ ngơi đầy đủ: "Có 2 loại giúp bổ sung sức khỏe, thứ nhất là thực dưỡng giúp bổ sung dưỡng chất cho cơ thể trẻ khỏe mạnh. Nhưng thứ hai, là thuốc kích thích để cơ thể giải phóng năng lượng sẵn có. Thuốc này có tác dụng tức thì và sau đó trẻ em mệt mỏi. Đây là sai lầm của nhiều bậc phụ huynh".
Các chuyên gia khuyến cáo, stress là phép thử để con người trưởng thành hơn khi vượt qua. Vấn đề là nhận thức về stress như thế nào để chọn phương pháp đối diện và vượt qua hay coi stress là điều xấu phải né tránh hoặc mong chờ người khác giải quyết hộ. Nếu không học được những kỹ năng cần thiết để đối mặt với căng thẳng, áp lực thì theo thời gian những điều này sẽ khiến tâm lý trở nên căng thẳng và bất lực, dẫn đến nguy cơ trầm cảm./.
Từ khóa: áp lực học tập, sức ép từ gia đình, học sinh trầm cảm, dấu hiệu trầm cảm, áp lực thi vào 10
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN