Cảnh báo tình trạng chó cắn gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ em
Cập nhật: 16/06/2020
Loại lá phơi khô thành "báu vật" cho sức khỏe, nhiều người vứt bỏ mà không hay
Phẫu thuật khẩn cấp cứu nam bệnh nhân bị áp xe cổ lan tỏa nghiêm trọng
VOV.VN - Trong một tháng qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM liên tiếp tiếp nhận 3 trường hợp trẻ em bị chó cắn gây tổn thương vùng mặt rất thương tâm.
Đáng nói nhiều vết thương vùng đầu, má, mũi để lại di chứng nặng nề về sức khỏe và tinh thần cho trẻ về sau.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi L.N.D (17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) được đưa chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng nặng với nhiều vết rách lớn ở vùng mặt. Theo lời kể của người nhà, cách đây khoảng 1 tháng khi bé đang ăn xúc xích thì bị chó nhà hàng xóm lao vào cướp miếng xúc xích và tấn công bé, gây ra những vết thương trên… Sau khi đưa lên cấp cứu ở bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ đã phải phẫu thuật gấp để bảo tồn khuôn mặt cho bệnh nhi.
Bác sĩ phải dùng 7 mét chỉ để khâu vết thương cho một bé trai bị chó cắn. |
Còn bệnh nhi Đ.Q.V, 18 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương vô tình vấp phải con chó nhà nuôi đang ngủ nên bị chó cắn vào mặt. Trường hợp thứ 3 là bệnh nhi L.N.G.H. (19 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) được đưa đến bệnh viện ngày 10/6 trong tình trạng bị rách vùng má phải với vết thương lớn, phần da bị rách nát lộ cơ, mô mỡ…Trường hợp này do bệnh nhi bước lại gần chó nhà lúc chó đang ăn nên bị cắn xé.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng hàm mặt - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hàng năm có nhiều trẻ em bị chó cắn phải nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Do trẻ em nhỏ nên thường bị chó tấn công vào vùng đầu, mặt, cổ, đây là vấn đề rất nguy hiểm, trong khi người lớn lơ là, không chú ý để lại hậu quả nghiêm trọng.
"Ảnh hưởng đầu tiên là đến sức khỏe, tinh thần và thực trạng của trẻ. Sau đó, quá trình lành vết thương cũng để lại di chứng như miệng không cân đối, mắt không nhắm được. Quá trình điều trị rất tốn kém, cả gia đình và các bác sĩ đều rất xót xa".
Các bác sỹ khuyến cáo, phụ huynh có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải được chích ngừa, xích ở nơi xa trẻ em, rọ mõm, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ. Phụ huynh cũng cần cảnh giác với chó nuôi trong tất cả mọi trường hợp, chó càng lớn thì mức độ gây sát thương cho trẻ càng cao./.
Từ khóa: chó cắn, cảnh báo trẻ bị chó cắn, tiêm phòng dại, chó dại cắn
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN