Cảnh báo nhiều trường hợp SXH dengue nặng nguy cơ tử vong cao
Cập nhật: 25/09/2019
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
Loại quả Việt đi đâu cũng thấy, ăn vào buổi sáng lại bổ dưỡng không ngờ
VOV.VN -Tại TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Riêng tại TP HCM và các tỉnh khu vực miền Nam, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tiếp tục gia tăng. Đặc biệt các bác sĩ cảnh báo, có nhiều trường hợp sốt xuất huyết dengue - dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ tử vong cao.
Các bác sĩ phải theo dõi sinh hiệu từng giờ để đảm bảo tính mạng cho các bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết. |
Chị Nguyễn Thị Hải, ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP HCM) được bệnh viện địa phương chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM trong tình trạng vàng da, khó thở, bụng trướng. Các bác sĩ tại đây cho biết, virus sốt xuất huyết dengue nặng đã ảnh hưởng đến gan và nhiều cơ quan nội tạng khác của bệnh nhân. Các bác sĩ đã phải rất vất vả để hồi sức, cứu bệnh nhân khỏi nguy kịch.
“Tôi bị sốt xuất huyết 4 hôm rồi. Ban đầu thấy sốt, tưởng bệnh nhẹ, sau đó thấy bụng trướng lên và cảm thấy mệt. Mấy hôm trước nằm ở dưới bệnh viện huyện mệt, bây giờ cũng đã thấy khỏe hơn”- chị Hải nói.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hiện đang điều trị cho 200 ca sốt xuất huyết gồm cả người lớn và trẻ em. Trong đó, tại Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn đang cứu chữa cho 5 trường hợp nặng giống bệnh nhân Nguyễn Thị Hải, được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh lân cận. Tại đây, có những bệnh nhân bị tổn thương gan nặng, vàng da, còn có trường hợp bị viêm não do virus Dengue dẫn đến rối loạn thị giác, co giật thần kinh...
TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, sốt xuất huyết dengue diễn biến từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Những ngày đầu, bệnh nhân chủ yếu là sốt, đau nhức cơ nhưng sau đó có thể chuyển nặng. Cụ thể, người bệnh bị thoát huyết tương ra ngoài thành mạch dẫn đến sốc sốt xuất huyết dengue, hoặc rối loạn đông máu khiến bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, đi tiểu ra máu, chảy máu răng, máu mũi, không thể cầm máu hoặc rong kinh, xuất huyết âm đạo ở phụ nữ. Nhiều khi có tình trạng tổn thương tạng, thường gặp là tổn thương gan, thận, hôn mê…Có một số trường hợp hiếm gặp là có xuất huyết não.
Theo bác sĩ Hảo, nếu bệnh nhân không có dấu hiệu nặng, có thể theo dõi cho điều trị ngoại trú, mỗi ngày tái khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện, không cần phải nhập viện. Còn nếu bệnh nhân có những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết dengue hoặc các trường hợp có nguy cơ cao, cần phải nhập viện.
“Có một số trường hợp phân loại sốt xuất huyết dendgue có dấu hiệu cảnh báo như bị đau bụng, nôn mửa nhiều, chảy máu cam, chảy máu răng, hoặc dấu hiệu rối loạn đông máu, thử máu thấy giảm tiểu cầu, dung tích hồng cầu tăng, khi đó cần phải nhập viện”- BS Hảo cho biết.
Còn tại khoa Hồi sức Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, những ngày gần đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 5-6 ca bị sốc sốt xuất huyết. Hiện tại khoa cũng đang điều trị cho 5 trẻ bị biến chứng nặng, trong đó có một số trẻ có nhiều yếu tố nguy cơ như bị béo phì, bệnh hen suyễn, động kinh, buộc các y bác sĩ phải theo dõi dấu hiệu sinh tồn từng giờ để đảm bảo tính mạng cho trẻ.
Bác sĩ Huỳnh Trung Triệu – Phó khoa Hồi sức Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, một số bệnh nhi khi nhập viện đã bị sốc sốt xuất huyết rất sâu, khiến công tác điều trị vô cùng khó khăn. Vì vậy, theo bác sĩ Triệu, cần phải có sự chẩn đoán bệnh sớm, để theo dõi đúng và kịp thời. Thông thường, trẻ bị sốc là do máu cô đặc quá nên phụ huynh không được tự ý điều trị cho trẻ mà cần đưa đến các cơ sở y tế để theo dõi và điều trị. Hiện, các bệnh viện quận huyện cũng đã được tập huấn rất nhiều về xử lý, phát hiện các dấu hiệu sốc sốt xuất huyết.
“Về phía gia đình, khi các cháu chuyển nặng thường rất lo lắng, gây thêm áp lực cho nhân viên y tế. Vì vậy, gia đình phải tin tưởng đội ngũ nhân viên y tế, họ sẽ cố gắng tích cực điều trị. Hiện nay phác đồ đã được ban hành và huấn luyện. Do đó, việc điều trị cũng theo một tiêu chuẩn”- BS Huỳnh Trung Hiệu cho biết.
Tại TP HCM - địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước, tính đến tuần 28 của năm 2019 đã có hơn 27.100 ca mắc, tăng hơn 165% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hơn 15.600 ca điều trị nội trú, tăng 153% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia cho biết, muỗi vằn Aedes aegypti là thủ phạm lây lan sốt xuất huyết từ người bệnh sang người lành. Với khu vực có mật độ dân cư đông đúc, tốc độ đô thị hóa cao như TP HCM sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết từ muỗi vằn Aedes aegypti. Tùy vào cơ địa, người bệnh có thể bị sốc sốt xuất huyết, bệnh nặng hơn, điều trị rất khó khăn.
Do sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh, nên ngành y tế khuyến cáo cần diệt nguồn lây truyền bệnh như: diệt lăng quăng, diệt muỗi, thực hiện đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Người dân chú ý thay nước ở các bình hoa, thả muối vào chén nước kê chân chạn, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.../.
Từ khóa: sốt xuất huyết, dịch sốt xuất huyết, tử vong do sốt xuất huyết, phòng chống dịch sốt xuất huyết,
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN