Căng thẳng trong 12 giờ cắt bỏ 3 mét ruột non để cứu sống người mắc bệnh hiếm
Cập nhật: 11 giờ trước
VOV.VN - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) vừa điều trị thành công một trường hợp xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do tình trạng rất hiếm gặp trên thế giới. Trong 12 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã phải cắt bỏ 3m ruột để cứu sống người bệnh.
Trước đó, sáng 14/12/2024, anh Q.P.T., 38 tuổi, bị đau bụng dữ dội quanh rốn, đi tiêu ra máu đỏ lượng nhiều, kèm chóng mặt, cảm giác sắp ngất. Anh được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng thiếu máu rất nặng, huyết áp tụt và lơ mơ.
Anh T. có tiền sử bệnh tắc tĩnh mạch cửa (hệ tĩnh mạch dẫn lưu máu từ ruột về gan) do huyết khối và được điều trị thuốc chống đông máu trong 6 tháng, sau đó tự ngưng điều trị.
Ngay lập tức, các bác sĩ nhanh chóng hồi sức sốc mất máu cho bệnh nhân và chẩn đoán nguyên nhân chảy máu tiêu hoá.
Bác sĩ xác định, nguyên nhân chính gây chảy máu ở bệnh nhân là do dị dạng và thông nối động - tĩnh mạch ruột lan tỏa, gây giãn các nhánh tĩnh mạch mạc treo ruột.
Sau khi được tiêm thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa kết hợp với nội soi đường tiêu hóa, cầm máu tại chỗ, huyết áp của anh T. dần ổn định.
Tuy nhiên, tình trạng chảy máu đường tiêu hóa lại tái phát trong chưa đến 48 giờ sau đó, huyết áp bệnh nhân bị tụt trở lại mặc dù đã được truyền máu tích cực.
Bệnh viện đã huy động nhiều chuyên gia các khoa để đưa ra chiến lược xử trí tối ưu.
Các bác sĩ đã phẫu thuật mở bụng kết hợp với can thiệp nội mạch trong lúc mổ cho bệnh nhân, tiến hành liên tục với 4 kíp mổ, kéo dài từ 8h đến 20h cùng ngày.
BS.CK2 Vũ Ngọc Sơn, Trưởng kíp phẫu thuật tiêu hoá cho biết, hơn 30 năm làm trong ngành y, đây là ca bệnh hiếm lần đầu tiên ê kíp điều trị. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 12 giờ đòi hỏi ê kíp phẫu thuật phải làm việc với cường độ cao.
Theo BS. Ngọc Sơn, ruột non mỗi người trung bình dài từ 5-6m, nhưng tình trạng bệnh nhân phải cắt hơn 1 nửa. "Điều này sẽ gây nên hội chứng ruột ngắn. Tức là suy kiệt, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất do vậy phải có chế độ ăn đặc biệt. Bệnh viện có chuyên gia về dinh dưỡng thì sẽ hướng dẫn sao cho bệnh nhân hấp thu đủ dinh dưỡng. Chế độ ăn bình thường nhưng cách chế biến và chủng loại thức ăn phải đa dạng mới thích nghi được”, TS.BS Vũ Ngọc Sơn nói.
Sau 2 tuần được phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt, hiện bệnh nhân ăn uống, phục hồi chức năng tiêu hóa gần như bình thường, không còn chảy máu tiêu hoá.
Từ khóa: ruột, ruột non ,phẫu thuật,Bệnh viện Nhân dân Gia Định ,BS.CK2 Vũ Ngọc Sơn,bệnh hiếm gặp
Thể loại: Xã hội
Tác giả: kim dung/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN