Căng thẳng Mỹ-Trung liệu có dẫn tới cuộc chiến tranh Lạnh mới?
Cập nhật: 18/05/2020
Ấn Độ bác bỏ cáo buộc can thiệp vào chính trị nội bộ Maldives
Syria kêu gọi Mỹ gây sức ép buộc Israel rút quân khỏi khu vực chiếm đóng
VOV.VN - Từ cuộc chiến thương mại tới cuộc khẩu chiến về nguồn gốc Covid-19, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một trầm trọng hơn.
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống của người dân trên toàn cầu, trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia chịu thiệt hại nặng nề. Nhưng thay vì đoàn kết trong cuộc chiến chống dịch bệnh, hai quốc gia lại đẩy quan hệ vốn đã căng thẳng bấy lâu nay lên một nấc thang mới khi hai bên tiếp tục đưa ra nhiều chỉ trích nhắm vào nhau.
Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ởOsaka, Nhật Bản, tháng 6/2019. Ảnh:Reuters. |
Từ cuộc chiến thương mại tới cuộc khẩu chiến liên quan tới nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một trầm trọng hơn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Với cảnh báo hồi cuối tuần qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng cắt đứt toàn bộ quan hệ với Trung Quốc, nhiều ý kiến lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung có thể dẫn tới cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Kể từ khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng, với chính sách “nước Mỹ trước tiên” và quyết định khơi mào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã đẩy quan hệ song phương lên những nấc thang căng thẳng mới.
Lời đe dọa “cắt đứt toàn bộ quan hệ với Trung Quốc” mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn mạng lưới truyền hình Fox Business phát sóng ngày 14/ 5 vừa qua, cho thấy mối quan hệ song phương hiện thực sự căng thẳng.
Nguyên nhân chính đẩy mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ-Trung lên đỉnh điểm như hiện tại là do đại dịch Covid-19. Mặc dù hiện nay giới chuyên gia y tế công cộng và các nhà khoa học cần thêm thời gian để xác định địa phương, hoặc quốc gia nào mới thực sự là nơi khởi phát dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các ca nhiễm bệnh đầu tiên được công bố là tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, sau đó nhanh chóng lây lan ra các tỉnh thành khác của Trung Quốc và hiện đã xảy ra ở 214 quốc gia, vùng lãnh thổ và Mỹ hiện là nước phải hứng chịu tổn thất lớn nhất về sinh mạng và thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Có thể nói, toàn bộ những thành quả kinh tế và việc làm mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạo dựng được trong hơn ba năm qua gần như bị “xóa sổ” khiến nước Mỹ phải đối diện với tình trạng suy thoái kinh tế sâu.
Viễn cảnh và các kịch bản phục hồi của nền kinh tế Mỹ hiện không chắc chắn. Đây cũng là lý do Tổng thống Trump ngày càng ra sức đổ lỗi cho Trung Quốc muốn lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để khiến ông không thể trụ lại Nhà Trắng thêm bốn năm nữa. Trong bối cảnh sự chỉ trích ngày càng tăng từ dư luận, bên phía đảng Dân chủ về cách thức ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của Nhà Trắng và cuộc tổng tuyển cử ngày một đến gần, việc Trung Quốc trở thành đối tượng phải “giơ đầu chịu báng” là điều dễ hiểu.
Chiến tranh Lạnh mới?
Căng thẳng Mỹ-Trung đã gia tăng đáng kể kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và được thể hiện rõ qua cuộc chiến thương mại khi hai nước liên tiếp áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nhau. Ngay khi căng thẳng thương mại tạm thời lắng xuống với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 thì đại dịch Covid-19 lại đẩy quan hệ Mỹ-Trung vào một giai đoạn tồi tệ mới và thậm chí đã có nhiều ý kiến về một cuộc chiến tranh Lạnh mới.
Dư luận hiện đang có quan điểm khác nhau về cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới giữa Mỹ với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn Đài CNBC mới đây, ông Clete Willems, cựu Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia và từng là chuyên gia đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng, nói rằng thực tế căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang đáng kể trong thời điểm hiện tại. Mọi người không thoải mái với thuật ngữ này, nhưng cần phải thành thật rằng đây là sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thậm chí, ông Willems còn cảnh báo, nếu không cẩn thận, mọi thứ có thể tồi tệ hơn rất nhiều.
Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng hiện tại có những thành tố của cạnh tranh Mỹ-Trung gợi nhớ tới Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, tuy nhiên cũng có sự khác biệt căn bản về quy mô trao đổi thương mại và mức độ giao lưu nhân dân.
Trong khi đó, phát biểu trên Truyền hình CNN, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng cho rằng sự tương tác về thương mại là điểm khác biệt lớn trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, và với Trung Quốc hiện nay. Mỹ nhập khẩu từ Liên Xô lượng hàng hóa trị giá khoảng 200 triệu USD vào thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2018 lên tới 500 tỉ USD.
Với những phân tích nêu trên và quan sát thực tế có thể thấy hai bên đã bắt đầu rơi vào trạng thái của một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới. Tuy nhiên, với sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn về kinh tế-thương mại, cả hai nước đều hiểu rõ mức độ “tàn phá” đối với nền kinh tế mỗi nước và kinh tế toàn cầu, do vậy các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và Trung Quốc sẽ phải dừng lại đúng lúc để tình hình không vượt quá tầm kiểm soát./.
Từ khóa: Căng thẳng Mỹ-Trung, chiến tranh Lạnh mới, Covid-19, điều tra nguồn gốc Covid-19, SARS-CoV-2
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN