"Cần xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu hợp lý hơn"

Cập nhật: 17/10/2022

VOV.VN - Trước những bất cập trong việc bán lẻ xăng dầu thời gian gần đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn vừa đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp...

Tại cuộc Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khá XV diễn ra chiều nay (17/10), trước câu hỏi của phóng viên về việc hiện nay nhiều cây xăng dầu đang bán cầm chừng do vấn đề về chiết khấu, Quốc hội sẽ xem xét vấn đề này thế nào và việc miễn thuế xăng dầu đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét hay chưa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho rằng, thời gian qua vấn đề xăng dầu gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân và doanh nghiệp.

Thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều xáo trộn khi nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu thiếu nguồn cung bán hàng nhỏ giọt, treo biển nghỉ bán hàng, tập trung nhiều ở khu vực phía Nam,… tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương chiều 12/10, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nguyên nhân là do từ đầu năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khiến nguồn cung không ổn định, giá xăng dầu có biến động lớn,… đã ảnh hưởng hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước.

Trong khi đó, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung xăng từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nên các DN đầu mối đã tăng cường nhập khẩu. Sau đó, sang quý III/2022, giá xăng dầu thế giới đột ngột giảm mạnh đã khiến các DN đầu mối xăng dầu bị thua lỗ lớn, buộc phải giảm nhập khẩu và kinh doanh cầm chừng.

Trong quý III/2022, lực lượng Quản lý Thị trường cũng đã thực hiện tước giấy phép tạm thời từ 1 – 1,5 tháng đối với 7 DN đầu mối càng khiến nguồn cung phân phối đầu mối bị thiếu hụt. Trong lúc đó, lãi suất tín dụng, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tăng nhanh càng thêm ảnh hưởng đến giá nhập khẩu xăng dầu. Do đó, các DN đầu mối khó nhập khẩu hàng, chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng cung cấp đủ cho hệ thống của mình và duy trì mức tồn kho theo quy định.

Đặc biệt, khi chi phí nhập khẩu xăng dầu tăng cao nhưng chưa được tính vào giá thành đầy đủ cũng dẫn đến việc các DN đầu mối bị thua lỗ. Từ những khó khăn của các DN xăng dầu đầu mối đã kéo theo những bất lợi cho các đại lý bán lẻ xăng dầu. Khi giá xăng dầu nhập khẩu cao hơn giá bán lẻ trong nước, nhiều DN đầu mối đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để giảm lượng cung cho các đại lý, dẫn đến các DN bán lẻ thua lỗ buộc phải cắt giảm chi phí kinh doanh dẫn đến hiện tượng thiếu cục bộ nguồn xăng dầu bản lẻ, đại lý bị âm vốn phải đóng cửa hoặc bán hàng cầm chừng.

Quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh. Đây là nội dung thuộc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, trong đó nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là giá xăng dầu thế giới có biến động với biên độ lớn, trong chu kỳ điều hành, giá xăng dầu trong nước chưa phù hợp với giá thế giới.

"Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn vừa đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu", ông Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.

Về việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế giá trị gia tăng của xăng dầu, ông Sơn cho biết, tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về các loại thuế này với xăng dầu báo cáo Quốc hội xem xét khi giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa có tờ trình báo cáo Quốc hội về nội dung này. Khi Chính phủ có tờ trình các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét thẩm tra, trình Quốc hội tại kỳ họp sớm nhất.

Ngoài ra theo ông Sơn tại báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội cũng đã đề cập đến vấn đề giá xăng dầu thời gian vừa qua và sắp tới sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Tại buổi họp báo, phóng viên cũng đặt câu hỏi về việc báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội 2022 của Ủy ban Kinh tế đánh giá những vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đàn Đầu tư An Đông của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng những đơn vị liên quan, trả lời vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, các cơ quan chức năng Bộ Công An đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến lừa đảo tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông và các đơn vị liên quan.

“Vấn đề này thời gian gần đây cũng khiến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng bị xáo trộn. Qua phản ánh của báo chí, những ngày đầu tiên người dân đã kéo nhau đến rút tiền ở ngân hàng SCB. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thì tình hình đã lắng đọng. Qua buổi họp báo hôm nay mong báo chí phản ánh đến người dân, các doanh nghiệp yên tâm vì việc kiểm soát các vấn đề, hoạt động của ngân hàng để đảm bảo an toàn cho người gửi tiền”, ông Sơn nhấn mạnh./.

Từ khóa: bán lẻ xăng dầu, cây xăng ngừng hoat động, ngân hàng SCB, giá xăng dầu, thiếu xăng dầu

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập