Cần Thơ “tròng trành” con chữ trực tuyến

Cập nhật: 09/09/2021

[VOV2] - Sau lễ khai giảng, các em học sinh khối trung học, sinh viên Cần Thơ chính thức học tập bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều em không đủ điều kiện về thiết bị, đường truyền, nhất là những học sinh đang sống trên những chiếc ghe, nhà bè.

Gia đình chị Thảo sinh sống trên chiếc ghe ở khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng đã hơn 20 năm. Từ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, vợ chồng chị xuôi về chợ nổi lập nghiệp bằng nghề buôn trái cây và bán thức uống cho khách du lịch. 2 năm trước, chồng chị Thảo mất, từ đó, chị gánh gồng gia đình, nuôi 2 con ăn học.

Bé lớn Bùi Thị Mỹ Nhi vừa tốt nghiệp lớp 12 và đậu vào trường Đại học công nghệ kỹ thuật. Bé nhỏ Bùi Thị Cẩm Ly, 12 tuổi, học lớp 7 Trường THCS Lê Bình từ sau hôm khai giảng bắt đầu học trực tuyến qua chiếc điện thoại mẹ sắm cho từ năm trước. Nhưng mạng 3G trên sông nhiều lúc chập chờn, em lo lắng việc tiếp thu bài vở bị hạn chế.

Bùi Thị Mỹ Nhi chị của Cẩm Ly tạm thời cũng bước vào năm đầu Đại học bằng hình thức học trực tuyến. Với chiếc điện thoại, Nhi cố gắng làm quen thầy cô, bạn bè và từng môn học qua cái màn hình bé xíu. Chưa kể lúc mưa gió lớn, sóng điện thoại 3G lại chập chờn, bài giảng của giáo viên cứ tiếng có tiếng không.

Đối diện ghe của chị Đặng Thị Thảo là nhà bè vợ chồng anh Huỳnh Hữu Thiện – chị Đặng Thị Sang. Ngôi nhà này bám trụ trên sông cũng gần 30 năm. Anh chị có 2 người con, con lớn học năm 2 ngành Du lịch lữ hành, Trường Cao đẳng Cần Thơ và bé út Huỳnh Hữu Hiệp học lớp 4, Trường Tiểu học Lê Bình.

Theo lời em Hiệp, lớp 4 chưa được đi học trực tiếp, nhưng cũng đã làm quen với giáo viên chủ nhiệm và bạn bè qua nhóm trên mạng xã hội. Năm ngoái cũng có thời gian ngắn học trực tuyến nên em không bỡ ngỡ lắm, chỉ có điều vẫn gặp khó khăn vì thường xuyên bị rớt mạng.

Ở chợ nổi, chuyện học hành của trẻ em thường bị gián đoạn vì cuộc sống  mưu sinh và nhiều quy định về hộ khẩu, tạm trú. Đa phần trẻ chỉ học đến tiểu học hoặc THCS là nghỉ. Giờ thêm việc học trực tuyến, khiến nhiều gia đình không thể cho con theo học vì thiếu thiết bị kết nối như điện thoại, máy tính.

Ngoài 41 hộ ở trên ghe, nhà bè, hiện vẫn còn mấy chục hộ thương hồ trọ hai bên bờ sông, đang đau đáu nỗi lo tiền bạc để con đến trường vì đã thất nghiệp thời gian dài.

Để khắc phục nhược điểm đường truyền mạng chập chờn, thiếu thiết bị học, năm học mới 2021-2022, ngành giáo dục Cần Thơ đã đã chủ động xây dựng các phương án tổ chức dạy cho các trường, cơ bản đã triển khai đồng bộ đến các đơn vị. Trong đó, những học sinh không có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, nhà trường sẽ tập hợp các em học chung hoặc giáo viên giao tài liệu học tập, bài học nhưng phải tuân thủ nghiêm việc phòng chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ cho biết, sở cũng chỉ đạo các trường xây dựng “Thư viện điện tử”. Thay vì cho mượn sách, các trường sẽ cho học sinh mượn thiết bị thông minh đã qua sử dụng hoặc trợ giúp mua giá rẻ để có thể tham gia lớp học trực tuyến, không để học sinh nào bị “bỏ rơi”, nhất là các em ở khu vực chợ nổi, vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, các trường phải chủ động nắm bắt hoàn cảnh của từng em để có hỗ trợ kịp thời. Khi học sinh đến trường học trực tiếp trở lại thì Sở cũng chỉ đạo tập hợp những học sinh này lại để củng cố, ôn tập, bồi dưỡng thêm các kiến thức trong quá trình học trực tuyến, để các em bắt kịp với các bạn có đầy đủ điều kiện hơn. Những giải pháp được triển khai để con chữ trực tuyến đến với các em dễ dàng hơn, không còn “tròng trành” như thời gian qua.

  (Hồng Phương - PV thường trú tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long)

 

Từ khóa: học trực tuyến, tròng trành học trực tuyến, Cần Thơ học trực tuyến

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập