Cần Thơ khuyến khích người dân tham gia vào quy trình canh tác lúa bền vững
Cập nhật: 01/09/2024
VOV.VN - Diện tích canh tác lúa hàng năm của Cần Thơ trên 200.000 ha, năng suất lúa ước đạt hơn 1,3 triệu tấn. Hiện nay, nông dân Cần Thơ đang áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Ở vụ lúa Thu Đông năm nay nông dân TP Cần Thơ xuống giống trên 68.000 ha, hiện nhiều trà lúa đang trong giai đoạn đòng trổ. Ở vụ lúa này cơ cấu giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao được người dân canh tác với diện tích trên 90% nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trong đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ cam kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi đề án và đến năm 2025 xây dựng được vùng sản xuất lúa với quy mô 38.000ha và đến năm 2030 sẽ đạt diện tích như cam kết với Bộ NN&PTNT.
Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh được người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Vụ lúa Hè Thu vừa qua địa phương đã triển khai mô hình thí điểm 50 ha trên địa bàn huyện Vĩnh Thanh, đây là mô hình điểm của Bộ NN&PTNT cùng với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI xây dựng mô hình mẫu. Qua đánh giá bước đầu từ vụ lúa mang lại tín hiệu khả quan, lượng giống gieo sạ giảm 50%, lượng phân bón giảm 30%, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể, năng suất lúa cao hơn trung bình từ 10%, chất lượng lúa tăng cao, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu cao hơn so với giá bán trên thị trường. Ngoài ra, đã chứng minh kết quả giảm phát thải khí nhà kính từ 2 – 6 tấn/ha.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết, hiện nay Cần Thơ đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nhân rộng đề án 1 triệu ha lúa trong vụ Đông Xuân 2024 -2025 trên địa bàn. Đồng thời sẽ tiến hành củng cố, phát huy vai trò của hợp tác xã, tổ khuyến nông cộng đồng và hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp trong thực hiện đề án 1 triệu ha.
Để khuyến khích, động viên người dân tham gia vào quy trình canh tác lúa bền vững, mới đây Cần Thơ đã khen thưởng bằng tiền cho các hộ dân. Những hộ dân được nhận tiền khen thưởng nằm trong dự án do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI thí điểm tại 4 hợp tác xã trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh thực hiện sản xuất lúa theo canh tác “1 phải, 5 giảm” và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, việc khen thưởng nhằm động viên, cổ động người dân hướng đến sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường.
"Việc áp dụng giải pháp thưởng cho các mô hình áp dụng giải pháp kỹ thuật giảm khí phát thải, thì đây là vấn đề hoàn toàn mới đối với ngành hàng lúa gạo của thành phố Cần Thơ nên chúng tôi cũng tranh thủ các sự hỗ trợ cảu các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế để thực hiện quy trình giảm khí phát thải trong quá trình sản xuất và có chính sách khen thưởng nhằm mang tính động viên, cổ động bà con có ý thức trong sản xuất. Với kết quả thực tiễn là một là một cơ hội để thúc đẩy sản xuất bền vững, và lợi ích kinh tế trong quá trình sản xuất của bà con" - ông Trần Thái Nghiêm nhấn mạnh.
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang triển khai thí điểm đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại 5 tỉnh, thành. Qua đánh giá từ những mô hình thí điểm đã thu hoạch cho thấy tín hiệu tích cực khi chứng minh giảm phát thải, tăng năng suất và chất lượng.
Từ khóa: 1 triệu ha lúa, cần thơ, canh tác lúa bền vững, đề án 1 triệu ha lúa, trồng lúa, 1 triệu ha lúa
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: phạm hải/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN