Can thiệp vào Libya, các quốc gia bên ngoài đang “chơi trò nguy hiểm”?

Cập nhật: 14/07/2020

VOV.VN - Căng thẳng ở Libya có nguy cơ thành cuộc chiến ủy nhiệm đẫm máu, phản ánh những chia rẽ và rạn nứt sâu sắc về địa chính trị của Trung Đông và NATO.

Libya, vùng đất giàu dầu mỏ đã chìm trong bạo lực sau khi nhà lãnh đạo Moamer Khadafi bị lật đổ năm 2011. Kể từ đó đến nay, quốc gia Bắc Phi này đã trở thành chiến địa để các nhóm xâu xé nhau giành quyền lợi, và là cửa ngõ chính để những người di cư tuyệt vọng tìm đường vào châu Âu.

can thiep vao libya, cac quoc gia ben ngoai dang "choi tro nguy hiem"? hinh 1

Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj (trái) và Tướng Khalifa Haftar. Ảnh: FETHI BELAID

Việc các quốc gia bên ngoài đưa binh lính và vũ khí đến Libya đã châm ngòi cho các cuộc chiến ủy nhiệm đẫm máu ở quốc gia này, đồng thời phản ánh những chia rẽ và rạn nứt sâu sắc về địa chính trị tại Trung Đông và trong NATO.

Từ năm 2015, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở thủ đô Tripoli được Liên Hợp Quốc công nhận đã giao tranh với lực lượng của Tướng Khalifa Haftar ở thành phố phía đông Libya là Benghazi.

Tuy nhiên, gần đây, việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ GNA tiến hành phản công trước chiến dịch tiến công kéo dài 14 tháng vào Tripoli của Tướng Haftar đã làm thay đổi thế cân bằng trên thực địa. Tiền tuyến ở Libya đã dịch chuyển xuống khu vực phía đông khi các cuộc giao tranh diễn ra ở thành phố Sirte gần bờ biển.

Trong khi GNA, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Fayez al-Sarraj được Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh của Ankara là Qatar ủng hộ thì Tướng Haftar nhận được sự ủng hộ từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Pháp.

Vì thế, Libya không chỉ trở thành chiến trường giao tranh giữa các lực lượng mà còn là nơi để các bên ở cả trong và ngoài quốc gia này thực hiện những toan tính của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ

Dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có tham vọng mở rộng ảnh hưởng tới các vùng lãnh thổ từng thuộc Đế chế Ottoman từ Balkan cho tới Trung Đông.

Tại Libya, từ cuối năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai ủng hộ GNA bằng các đưa các cố vấn quân sự, lực lượng dân quân Syria ủng hộ Ankara, máy bay không người lái và các hệ thống phòng không đến đây để thay đổi tình thế cân bằng trên chiến trường.

Ankara và GNA đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự và thỏa thuận về quyền hạn trên biển hồi tháng 11. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ủng hộ các lực lượng đối lập ở Libya nhưng hai nhà lãnh đạo này đã xây dựng quan hệ đối tác trong những năm gần đây khi cùng có những rạn nứt với phương Tây.

Qatar

Qatar - đối tác giàu tài nguyên khí đốt ở vùng Vịnh và là nơi đặt 1 căn cứ quân sự quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ GNA.

Qatar đã bị cô lập ở vùng Vịnh kể từ khi Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế và du lịch với nước này cách đây 3 năm với cáo buộc Qatar tài trợ cho các phong trào Hồi giáo cực đoan bất chấp Doha phủ nhận mạnh mẽ.

UAE

Trong những năm qua, UAE ủng hộ lực lượng của Tướng Haftar qua việc đưa các chiến đấu cơ và vũ khí quân sự hiện đại đến đây. UAE cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan.

UAE và các quốc gia vùng Vịnh khác cũng được cho là đã ủng hộ tài chính cho các tay súng thuộc lực lượng của Tướng Haftar.

Ai Cập

Lo ngại về an ninh biên giới khi nước này có một đường biên giới dài với Libya, từ lâu, Ai Cạp đã ủng hộ quân đội của Tướng Haftar ở phía đông Libya.

Hồi tháng 6, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã đề xuất lệnh ngừng bắn và cảnh báo Cairo có thể can thiệp quân sự vào Libya. Ông al-Sisi nhấn mạnh rằng Ai Cập không có tham vọng ở Libya mà chỉ mong muốn khôi phục an ninh và ổn định ở nước này.

Mối quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã lao dốc nghiêm trọng kể từ khi ông al-Sisi trở thành Tổng thống sau khi ông Mohamed Morsi, người từng ủng hộ Ankara bị lật đổ.

Pháp

Mặc dù khẳng định giữ thái độ trung lập ở Libya nhưng dường như Pháp nghiêng về ủng hộ Tướng Haftar hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng chỉ trích mạnh mẽ đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này can thiệp vào Libya. Tổng thống Pháp cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi 1 trò chơi “nguy hiểm” ở Libya và hành động ngược lại mọi cam kết của nước này tại Đức hồi đầu năm, đồng thời cảnh báo Pháp sẽ không “tha thứ” cho những gì Thổ Nhĩ Kỳ đã làm.

Châu Âu có quan điểm chia rẽ sâu sắc về chính sách với Libya bất kể căng thẳng leo thang ở Libya khiến hàng nghìn người di cư bất hợp pháp đổ về châu lục này những năm gần đây.

Italy ủng hộ GNA trong khi Đức muốn trở thành trung gian hòa giải nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn và các cuộc trao đổi hòa bình song đến nay, những nỗ lực này đều thất bại.

Nga và Mỹ

Dưới thời Tổng thống Putin, Nga mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu bằng các chiến dịch quân sự. Tại Libya, Moscow ủng hộ lực lượng của Tướng Haftar.

Trong khi đó, mặc dù Mỹ công nhận GNA nhưng tuyên bố của Tổng thống Trump lại tạo ra sự khó hiểu khi ông Trump khen ngợi Tướng Haftar sau cuộc điện đàm với vị tướng này. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng duy trì quan hệ thân thiết với UAE và Saudi Arabia, cả 2 đều ủng hộ lực lượng của Tướng Haftar./.

Từ khóa: can thiệp vào Libya, thùng thuốc súng, trò chơi nguy hiểm, cuộc chiến đẫm máu, Trung Đông và NATO

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập