Can thiệp sức khỏe tâm thần, tiến tới từ bỏ nghiện ma túy

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Theo nhiều chuyên gia, điều trị cho người nghiện bằng can thiệp sức khỏe tâm thần sẽ làm giảm tần suất sử dụng chất gây nghiện, tiến tới từ bỏ ma túy.

Trong số những người nghiện ma túy, nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm hơn 70%, cá biệt có nơi lên đến hơn 90%. Ngày càng nhiều trường hợp bị rối loạn tâm thần nặng do dùng ma túy tổng hợp với các biểu hiện như: lo âu, hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm. Nhiều trường hợp bị ảo giác gây ra các hành vi phạm tội như giết người hoặc tự sát, gây khó khăn cho công tác quản lý và điều trị. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu điều trị cho người nghiện bằng việc can thiệp sức khỏe tâm thần sẽ làm giảm tần suất sử dụng chất gây nghiện, tiến tới từ bỏ việc sử dụng ma túy.

can thiep suc khoe tam than, tien toi tu bo nghien ma tuy hinh 1
(Ảnh minh họa: KT)

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, hiện cả nước có 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong số người nghiện, nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm hơn 70%, thậm chí ở một số địa phương, tỷ lệ này còn cao hơn (Đồng Nai: 87%; Đà Nẵng: 85%; An Giang: 76%...).

Theo bác sĩ Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), tỷ lệ người sử dụng ma tuý có vấn đề về sức khoẻ tâm thần rất cao, giao động từ 20-40%. Trong độ tuổi thanh thiếu niên, não bộ vẫn tiếp tục phát triển, đến 24-25 tuổi mới hoàn thiện, nếu trong quá trình đó, thanh thiếu niên sử dụng các chất kích thích gây tác động lên thần kinh trung ương như ma tuý, rượu... sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ dẫn dến nguy cơ bị mắc các căn bệnh về sức khoẻ tâm thần nhiều hơn, nguy cơ nghiện cao hơn.

“Mối liên hệ giữa việc sử dụng chất gây nghiện với sức khoẻ tâm thần thể hiện rất chặt chẽ ở 3 khía cạnh: gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần nên sử dụng ma tuý; sử dụng ma tuý nên những dấu hiệu của sức khoẻ tâm thần bộc phát ra; sử dụng ma tuý kéo dài dẫn đến các vấn đề trong sức khoẻ tâm thần. Chúng ta cần tìm hiểu xem đối với những người sử dụng ma tuý, có nguy cơ sử dụng ma tuý, đặc biệt là thanh thiếu niên, liệu các em có gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần hay không để chúng ta có những biện pháp ứng phó cũng như can thiệp dự phòng cho phù hợp”- bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh phân tích.

Theo nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, kết quả sơ bộ sàng lọc sức khoẻ tâm thần cho hơn 300 thanh thiếu niên từ 16 đến 24 tuổi sử dụng ma túy cho thấy, có 58% bị trầm cảm. Các triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm là rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm quan tâm thích thú, chậm chạp, buồn chán. Tỷ lệ thanh thiếu niên có yếu tố tự sát là hơn 26%, có kế hoạch tự sát là hơn 12% và nghĩ đến tự sát là 6.3%.

Việc sử dụng ma túy tổng hợp nói chung và các chất kích thích dạng amphetamine (ATS) nói riêng đang khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy, trong số người sử dụng ma túy tổng hợp, phần lớn là sử dụng và lạm dụng các chất kích thích dạng ATS. Trong khi đó, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS, mà cần một giải pháp tổng thể, bao gồm các can thiệp về tâm lý xã hội và các liệu pháp điều trị giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng.

“Khi chúng ta tiếp cận vấn đề rối loạn tâm thần thì chúng ta tiếp cận đầy đủ hơn những vấn đề xung quanh việc nghiện chất. Để làm được điều này không hề đơn giản bởi chúng ta chưa có hệ thống hay quy trình nào cho việc điều trị tất cả các mặt. Sắp tới có thể có những thay đổi về tiếp cận điều trị, ngoài việc can thiệp điều trị cai nghiện, chống tái nghiện sau cai thì cần quan tâm đến khía cạnh khác cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan, ít nhất là sự phối hợp giữa bệnh viện tâm thần và các trung tâm cai nghiện”- bác sĩ Phạm Thành Luân, Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Hội cho biết.

Hiện chưa có một nghiên cứu riêng biệt về kỳ thị- phân biệt đối xử trên thanh thiếu niên có vấn đề về sử dụng ma túy và mắc rối loạn tâm thần, nhưng có thể nhận thấy nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ việc bị kỳ thị kép khiến các em càng khép kín và bế tắc hơn. Bên cạnh đó, việc điều trị tại cộng đồng chưa được quan tâm, rất ít bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị củng cố dẫn đến tỷ lệ tái phát cao, ngay cả khi bệnh nhân không dùng lại ma túy. Chính vì thế, việc can thiệp giúp đỡ rất cần sự phối hợp của các bên, từ bác sĩ, gia đình, các nhóm đồng đẳng.

Ông Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kết quả bước đầu tương đối tốt ở những đối tượng nghiện trung bình. Tuy nhiên, ở những đối tượng nghiện nặng, chưa thấy hiệu quả trong những can thiệp ngắn. “Nên tiến hành can thiệp cho những đối tượng lạm dụng chất, quan trọng hơn là phòng ngừa lạm dụng chất từ sớm chứ không để khi phát hiện họ lạm dụng ở mức độ nặng rồi thì can thiệp rất khó”- ông Đỗ Văn Dũng cho biết.

Để phòng chống tác hại của ma túy trong cộng đồng, các chuyên gia cho rằng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho thanh thiếu niên có thể làm tăng chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ người sử dụng ma tuý cũng như phạm tội./.

Từ khóa: nghiện ma túy, sức khỏe tâm thần, gây nghiện, ma túy,

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập