Cần quan tâm hơn nữa tới chính sách tài trợ sản xuất và bảo hộ phim trong nước

Cập nhật: 16/03/2023

VOV.VN - Bàn về chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim, các đại biểu đều cho rằng, để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn, các chính sách của nhà nước về tài trợ sản xuất phim, bảo hộ phim trong nước vô cùng quan trọng.

Công nghiệp điện ảnh là một ngành mũi nhọn

Tại Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á" diễn ra vào chiều ngày 14/3, tại Hà Nội, trong bài phát biểu đề dẫn, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khẳng định, công nghiệp điện ảnh là ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo TS Ngô Phương Lan, điện ảnh Việt Nam là “nhân chứng" của từng giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đến thống nhất và tái thiết đất nước; đổi mới và hội nhập. Ngày nay, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được đặt lên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Luật Điện ảnh được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế. 

"Bởi vậy, việc trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam với các chuyên gia từ những nước đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh từ nhiều thập kỷ và các nước gần gũi trong khu vực Đông Nam Á là rất bổ ích và thiết thực" - TS Ngô Phương Lan nhấn mạnh.

Cần nâng cao hiệu quả phim nhà nước đặt hàng

Tại phiên thảo luận thứ nhất “Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim”, các đại biểu tham gia đều cho rằng, để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn, các chính sách về tài trợ sản xuất phim, bảo hộ phim trong nước vô cùng quan trọng.

Tham gia thảo luận tại hội thảo, NSND Đặng Nhật Minh cho biết, việc nhà nước quan tâm đến sản xuất phim ảnh là đáng quý. Nhưng để phim được nhà nước đầu tư thật sự thành công, ngoài khâu sản xuất, nhà nước nên quan tâm hơn ở khâu phát hành. Theo NSND Đặng Nhật Minh, tại các nước có nền điện ảnh phát triển, đều có rạp chiếu chuyên nghiệp dành cho dòng phim nghệ thuật. Kể cả khi phim lỗ, nhà nước sẵn sàng bù lỗ cho nhà sản xuất, để tạo điều kiện đưa phim tới khán giả.

“Chỉ đặt hàng một vài nhà làm phim hoặc lựa chọn từ kịch bản có sẵn để hỗ trợ sản xuất thì khó có phim hay. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức các cuộc thi rộng lớn, huy động nhiều đối tượng tham gia, mới có thể chọn được kịch bản tốt, người làm phim tốt. Khi ấy mới tạo được những bộ phim thành công và hiệu quả” - NSND Đặng Nhật Minh bày tỏ quan điểm. 

Cùng bàn luận về vấn đề này, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho rằng, cần phải mở rộng đề tài phim nhà nước đặt hàng hằng năm: "Không chỉ về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số, mà cần đầu tư cả những phim đề cập đến các vấn đề đang được xã hội quan tâm. Phim vừa mang tính giải trí, vừa bảo đảm tính nhân văn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay".

Phát triển hơn nữa thương hiệu điện ảnh quốc gia

Trong phiên thảo luận về “Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim” và “Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia”, các đại diện điện ảnh đến từ Đan Mạch, Indonesia, Thái Lan cùng nhiều nhà sản xuất, chuyên gia điện ảnh Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh của các nước ASEAN và trên thế giới, việc thu hút đầu tư quốc tế trong hoạt động điện ảnh, đào tạo và phát triển nhân lực,...

Theo ông Đỗ Duy Anh, việc bàn về các chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam thực chất là tìm cách để Việt Nam có thể sản xuất được nhiều phim hay, có nhiều phim dự Liên hoan phim quốc tế. Sao cho các chính sách đó đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, phù hợp với nguồn lực nhà nước và tư nhân.

"Về nguồn lực nhà nước, Luật Điện ảnh và các văn bản tiếp theo nên có định lượng, con số nhất định. Từ đó, đưa ra kế hoạch là sẽ trích kinh phí để sản xuất, đào tạo và phát hành bao nhiêu.

Về chính sách sản xuất phim, tôi nghĩ nên cần mở rộng đề tài, không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị, đồng bào thiểu số mà còn cần hướng đến mục đích giải trí. Những tác phẩm phục vụ giải trí sẽ được chọn lọc kịch bản vừa đáp ứng tính giải trí, vừa đáp ứng tính dân tộc, nhân văn. Như vậy, đồng tiền Nhà nước bỏ ra mới hiệu quả" - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh bày tỏ.

Phát biểu nhận định tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, sau khi Luật Điện ảnh với nhiều điểm mới, tiến kịp với điện ảnh quốc tế đi vào đời sống, việc xây dựng những chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh là điều cần thiết.

"Việc hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ được các cơ quan quản lý xúc tiến, xây dựng, triển khai phù hợp. Cùng với đó, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc khuyến khích, có chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất phim tại địa phương" - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh./.

Từ khóa: điện ảnh, điện ảnh Việt Nam, bảo hộ phim, hợp tác sản xuất phim, công nghiệp điện ảnh

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập