Cần nuôi dưỡng và phát triển nhiều “gen Việt” trong nền kinh tế
Cập nhật: 25/09/2019
Doanh nghiệp khai báo lỗ nhiều năm nhưng vẫn mở rộng hoạt động
Đẩy mạnh chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển (24/12/2024)
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đang tạo sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.
Với việc đàm phán ký kết các FTA thế hệ mới, Việt Nam được đánh giá là cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2018, Việt Nam đã đạt 482 tỷ USD và riêng trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 35 tỷ USD. Hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới…
Việt Nam đang có nhiều lợi thế từ hội nhập. |
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Việt Nam trong những năm qua có điểm rất lợi về thế trận hội nhập, đó là ký kết được nhiều FTA, nhiều đối tác chiến lược. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam gắn với xu thế chung của thế giới rất tốt, đó là hình thành mạng sản xuất, chuỗi giá trị, những thị trường rộng lớn nhất, những nhà đầu tư và kinh doanh tốt nhất. Do đó là điều kiện tốt để Việt Nam tham gia học hỏi, nắm bắt và đây là lợi thế của Việt Nam
Tuy nhiên, hiện nay sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, quá trình nước Anh rời khỏi khối EU… đang tạo ra sự bất định chính sách ngày càng tăng, có nguy cơ tác động sâu sắc đến kinh tế và thương mại toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng thể quốc gia.
“Việc thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng đang tạo sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Vấn đề lớn đặt ra là làm sao thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới để tăng cường được nội lực, nâng cao được năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều “gen Việt” trong nền kinh tế” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Việt Nam phải chủ động thích ứng với những tác động đa chiều của cạnh tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. |
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, Đại học Lý Quang Diệu (Singapore), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, hiện mô hình tăng trưởng của Việt Nam lệ thuộc sâu vào thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương trước biến động xấu toàn cầu. Do đó, Việt Nam cũng có thể thành lập Hội đồng cải biến kinh tế với trọng tâm đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy các nỗ lực bắt kịp với hội nhập, thúc đẩy thương mại tự do và công bằng.
“Việt Nam phải có một khả năng chống chịu tốt bởi thế giới luôn có những biến động, sự tổn thương của Việt Nam với môi trường thế giới là rất lớn, môi trường thế giới không hy vọng sẽ nhẹ nhàng, mà có sự va đập. Do đó, với những thể chế về kinh tế, xã hội, môi trường, kinh tế vĩ mô phải hết sức cẩn trọng, không nên vay nợ quá nhiều, chú trọng đến năng suất lao động, môi trường bền vững…” - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương khuyến nghị.
Nhiều chuyên gia nhận định cần tiếp tục cải thiện chất lượng của công tác điều hành và cải cách thể chế kinh tế; Cập nhật và cân nhắc các kịch bản điều hành cùng với hệ thống thông tin dự báo và cảnh báo kịp thời vẫn là nền tảng quan trọng. Đồng thời chủ động thích ứng với những tác động đa chiều của cạnh tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, chú trọng mở rộng các hoạt động xuất khẩu, thu hút chọn lọc đầu tư nước ngoài chất lượng cao./.
Từ khóa: FTA mới, doanh nghiệp Việt, nền kinh tế Việt Nam, kinh tế quốc tế, hiệp định thương mại,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN