Cân nhắc sinh con thứ hai vì... thuế thu nhập cá nhân
Cập nhật: 26/09/2024
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản trả lời về kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh với người đóng thuế thu nhập cá nhân. Điều này khiến nhiều người dân ở TP.HCM cảm thấy lo lắng khi có quá nhiều mức phí phải gánh hàng tháng để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho gia đình.
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời cử tri về kiến nghị xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, chưa thể điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh. Nguyên nhân do từ năm 2020 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng biến động chưa tới 20%.
Sau khi lương cơ sở tăng 30%, nhiều người trước đây không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân thì nay đã phải chịu mức thuế này. Trong bối cảnh, giá cả hàng hóa leo thang, mức thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh chưa được điều chỉnh khiến nhiều người lo lắng.
Anh Vũ Trác Nguyên (40 tuổi, ngụ Quận 1) chia sẻ, trong năm nay, anh được tăng lương lên hơn 10 triệu đồng/tháng. Thu nhập tăng kéo theo mức thuế thu nhập cá nhân phải đóng của anh tăng thêm 5%.
Theo anh Nguyên, việc chưa xem xét mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế thu nhập cá nhân khiến việc tăng lương không có nhiều ý nghĩa: "Khi biết câu trả lời chính thức của Bộ Tài chính làm tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Bởi vì lạm phát thấp ở đâu tôi không biết nhưng ít nhất thì tất cả chi phí đều tăng. Ngay cả khi mua 1 bó rau ngoài chợ, người bán hàng rau nói giá mọi thứ đều tăng thì giá rau muống cũng phải tăng theo. Chi tiêu trong gia đình một bữa cơm đã lên theo chính sách tăng lương rồi".
Chị Lê Thị Thảo (33 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cảm thấy hụt hẫng khi nghe câu trả lời của Bộ Tài chính. Chị Thảo cho biết, hiện nay, mức thu nhập bình quân mỗi tháng của chị gần 40 triệu đồng. Nhưng chi phí nuôi con nhỏ và chăm sóc cha mẹ đã hơn 30 triệu đồng. Bởi vậy, nếu vẫn giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay sẽ tạo áp lực lên cuộc sống của gia đình.
Chị Thảo bày tỏ mong muốn: "Trước đây, chúng tôi có nghe thông tin liên quan đến việc sẽ tăng mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên có thể vì nhiều lý do nên chưa thực hiện được. Tôi rất mong thời gian tới việc tăng mức giảm trừ gia cảnh có thể thực hiện được để những gia đình nhỏ như tôi cũng như những người đang sống ở các thành phố lớn như TP.HCM để các gia đình có mức chi tiêu hợp lý và có một số tiền tiết kiệm an toàn cho gia đình hơn".
Cũng có tâm trạng giống như chị Thảo, anh Nguyễn Phúc (30 tuổi, ngụ quận Bình Tân) bày tỏ lo lắng và cũng cân nhắc kế hoạch sinh con thứ hai.
Anh Phúc mong muốn, Bộ Tài chính có thể xem xét lại việc tính thuế hoặc đưa ra những phương án mới phù hợp để hỗ trợ người dân: "Mình nghĩ nếu được thì nâng mức giảm trừ gia cảnh lên xíu, tầm 6-7 triệu đồng chẳng hạn, lúc đó người dân sẽ thoải mái hơn. Chứ còn miễn trừ gia cảnh chỉ có hơn 4 triệu đồng cho 1 người phụ thuộc thì mình thấy thấp, tiền học của con còn không đủ, chưa kể còn ăn uống, hay nhiều chi phí khác".
Mặc dù chưa thể giảm thuế ngay nhưng Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung.
Theo Bộ Tài chính, tại khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 quy định: "Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Từ khóa: thuế, Bộ tài chính, sinh con thứ hai, giảm trừ, gia cảnh, lo lắng, chi phí, hụt hẫng,giảm trừ, thu nhập, cá nhân
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: hoàng minh/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN