Cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội

Cập nhật: 11/10/2023

VOV.VN - Sáng 4/10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Thạch Thất trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15; lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

 

Sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội báo cáo nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 15 và những vấn đề chính trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cử tri đánh giá các quy định về phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện các hoạt động linh hoạt hơn, nhưng cũng nên có sự giới hạn trong phân cấp, ủy quyền. 

Góp ý chi tiết về nội dung phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế (Điều 9, Điều 10 của dự thảo), Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Thái (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc giao cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức đặc thù của quận, huyện, thị xã là vấn đề có thể gây tranh cãi.

"Nếu theo xu hướng phân quyền thì tôi lại thấy luật này thu quyền của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã khi quyết định cơ quan chuyên môn. Hiện tại chúng ta vẫn tồn tại Hội đồng nhân dân bên dưới thì họ quyết về cơ quan chuyên môn của họ, bây giờ theo luật này chúng ta lại thu lại, giao cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết thì tôi thấy có gì đó chưa ổn", Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Thái cho biết.

Góp ý về nội dung tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội (Điều 8) trong dự thảo, Phó Giáo sư Đặng Minh Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị thành phố Hà Nội nên cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cả cấp phường và quận).

"Thành phố Hà Nội nên cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị, tức là áp dụng đồng thời ở cả cấp phường và cấp quận, và đặc biệt là khi chúng ta có Luật Thủ đô với tính chất là văn bản có giá trị lâu dài, ổn định. Nếu như chúng ta không tổ chức ở cấp quận thì chúng ta cũng cần có giải trình. Vấn đề giám sát đối với Uỷ ban nhân dân nơi không có Hội đồng nhân dân. Theo quan điểm của tôi đây là một trong những điểm quan trọng nhất trong việc tổ chức chính quyền ở thành phố Hà Nội. Bởi vì khi chúng ta tổ chức chính quyền mà không có Hội đồng nhân dân thì đặt ra nhiều khoảng trống, nhiều bất cập là làm thế nào để giám sát được Uỷ ban nhân dân", Phó Giáo sư Đặng Minh Tuấn góp ý.

Nhất trí với các nhóm vấn đề được đề cập đến trong dự thảo và mong dự Luật sớm được thông qua, cử tri Vũ Thị Lệ Quyên (huyện Thạch Thất) kiến nghị, cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô và nên giao Hội đồng nhân dân thành phố quyết định về bộ máy, số lượng biên chế, chế độ tiền lương, phụ cấp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như chính sách thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực

"Về cơ chế, chế độ chính sách thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, đề nghị Quốc hội làm rõ khái niệm thế nào là nhân tài, cần có sự phân hóa rõ ràng về đối tượng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm và đãi ngộ đối với nhân tài về làm việc tại Thủ đô. Đồng thời xây dựng quy trình tuyển dụng cần có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ trong Hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường sự giám sát, đảm bảo tính minh bạch trong tuyển dụng", cử tri Vũ Thị Lệ Quyên cho biết.

Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trân trọng cảm ơn các đại biểu, các chuyên gia đến dự và phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo Luật. Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổng hợp đầy đủ, gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Từ khóa: hà nội, chính quyền, chính quyền đô thị, hà nội, chính quyền đô thị Hà Nội, mô hình chính quyền đô thị Hà Nội, huyện Thạch Thất

Thể loại: Nội chính

Tác giả: minh hường/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan