Cạn nguồn lực để đánh lớn, Ukraine cầu viện phương Tây, Nga chớp cơ hội lật kèo

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Các chỉ huy và binh sỹ Ukraine ngày càng lo lắng về việc nước này cạn kiệt nguồn lực nhanh hơn Nga. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, Ukraine đã hối thúc phương Tây tăng cường viện trợ quân sự.

Những nỗ lực của Ukraine nhằm thuyết phục các đối tác phương Tây tăng cường viện trợ quân sự để xoay chuyển cục diện cuộc xung đột với Nga theo hướng có lợi cho Kiev sẽ phải đối mặt với thời khắc quan trọng vào cuối tuần tới, khi các nhà lãnh đạo của hơn 50 quốc gia nhóm họp để đưa ra quyết định cuối cùng về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine trước cuộc bầu cử Mỹ.

Ukraine cầu viện phương Tây

Tổng thống Ukraine cho biết, Kiev mong đợi “những hành động cụ thể” từ các đối tác tại cuộc họp lần này. Được biết, Mỹ và các nước phương Tây nhóm họp gần như hàng tháng để thảo luận và thống nhất về việc hỗ trợ cho Ukraine.

Trong số những vấn đề được xem xét có vấn đề dỡ bỏ hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng tên lửa và các loại vũ khí khác do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là một ranh giới đỏ mà Mỹ và các đối tác không muốn vượt qua vì lo ngại xung đột leo thang. Bị áp đảo về quân số và vũ khí trên chiến trường, Ukraine hy vọng phương Tây sẽ dỡ bỏ lệnh cấm để họ có một quân bài quan trọng nhằm làm suy yếu khả năng chiến đấu của Nga.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Kiev, ông Zelensky nói: “Ukraine cần củng cố vị thế của mình ở tuyến đầu để chúng ta có thể gia tăng áp lực lên. Đây là lý do tại sao chúng tôi cần đủ số lượng vũ khí tầm xa với chất lượng cao – điều mà các đối tác của chúng tôi trì hoãn”.

Trong bối cảnh Ukraine hối thúc Mỹ và châu Âu tăng cường viện trợ, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang dần cạn kiệt kho vũ khí lớn có từ thời Liên Xô. Các nhà phân tích phương Tây dự đoán, Moscow sẽ gặp khó khăn khi muốn tiến hành thêm các hoạt động tấn công gây thiệt hại lớn cho Kiev vào nửa cuối năm 2025.

Các chuyên gia cho rằng, Nga đã phải triển khai những loại vũ khí cũ hơn, có tuổi đời lâu hơn ra tiền tuyền - một dấu hiệu cho thấy họ có thể đang tiến gần hơn đến đáy của kho dự trữ. Nhưng hiện tại, thời gian vẫn đứng về phía Nga.

Đánh vào ‘trái tim của tổ hợp công nghiệp-quân sự’ Nga

Ông Dmytro Zhmaylo – người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine có trụ sở tại Kiev, Ukraine khó có khả năng đạt được thế cân bằng với Nga về mặt nhân lực, do đó, chiến lược hiện hành của Kiev là phá vỡ các hậu cần của đối phương và đánh vào “trái tim của tổ hợp công nghiệp-quân sự” ở phía sau.

Trong khi Ukraine tiếp tục kiểm soát một phần của khu vực Kursk, miền tây Nga sau cuộc tấn công bất ngờ diễn ra cách đây gần 2 tháng, quân đội Nga vẫn tiếp tục tiến công mạnh mẽ vào khu vực Donetsk ở phía đông Ukraine, chiếm được thị trấn chiến lược Ugledar vào tuần trước.

Theo ông Zhmaylo, Ukraine cần dựa vào chiến thuật "phi tiêu chuẩn", trong đó có các cuộc tấn công tầm xa, để giành lợi thế trước Nga trên chiến trường, Zhmaylo cho biết. Kiev đã sử dụng vũ khí phương Tây tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng pháo binh và tên lửa tầm xa để đẩy quân đội Nga ra khỏi một số khu vực của Kherson và Kharkov. Trước đó, Kiev đã phá hủy các nhà kho và tuyến đường hậu cần của Nga suốt nhiều tháng trong cuộc phản công vào mùa thu năm 2022.

Hiện tại, Ukraine đang triển khai máy bay không người lái tầm xa tự chế, do nước tự phát triển để tấn công các mục tiêu xa tới hơn 1.000 km bên trong lãnh thổ Nga. Vào tháng 9, quân đội Ukraine cho biết họ đã tấn công kho vũ khí Tikhoretsk ở Krasnodar Krai, phía tây nam Nga. Đây là một trong ba kho đạn dược lớn nhất, đóng vai trò quan trọng đối với huyết mạch hậu cần của quân đội Nga.

Bộ Quốc phòng Anh cho rằng: "Các cuộc tấn công nêu trên gần như chắc chắn gây ra sự gián đoạn trong thời gian ngắn đối với nguồn cung cấp đạn dược hạng nhẹ và pháo binh của Nga. Những nguồn lực này rất quan trọng trong một cuộc chiến tiêu hao khi các bên chủ yếu sử dụng hỏa lực tấn công ồ ạt”.

Ông John Hardie, thuộc Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) có trụ sở tại Washington dự đoán: “Nga sẽ gặp phải tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vũ khí, đạn dược vào cuối năm 2025 và đặc biệt là năm 2026, trong trường hợp xung đột kéo dài”. Nhưng ông cho rằng, Nga sẽ duy trì tốc độ tấn công hiện tại "ít nhất là cho đến hết mùa thu năm nay".

Theo các chỉ huy Ukraine, Nga đã chuyển từ việc triển khai các đơn vị lớn sang các nhóm tấn công nhỏ để giảm bớt thiệt hại về nhân lực và trang thiết bị. Ông Hardie cho rằng việc phối hợp các cuộc tấn công ở cấp độ cao hơn, với quân số khoảng 100 người vẫn là thách thức đối với cả hai bên.

Thời gian vẫn đứng về phía Nga

Khi quân đội Ukraine đang gồng mình để giữ vững tiền tuyến ở vùng Donbass, "ẩn số lớn nhất" ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến là mức độ viện trợ quân sự của phương Tây trong tương lai, ông Jakub Janovsky, nhà phân tích quân sự cho trang web giám sát tình báo nguồn mở Oryx của Hà Lan, lưu ý.

Câu hỏi đặt ra là liệu nước ủng hộ Ukraine có cung cấp đủ cho Kiev để họ có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến hoặc buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán và nhất trí với những điều khoản có lợi cho Ukraine. Tổng thống Zelensky cho biết "kế hoạch chiến thắng" của ông có thể giúp lực lượng của nước này tiếp tục chiến đấu nhưng không thể giải phóng khoảng 20% ​​lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Giới chuyên gia nhận định, quyết định liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine phần lớn phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Cả hai ứng cử viên tổng thống đều vẫn còn mơ hồ về chính sách của họ đối với Ukraine. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump thậm chí tỏ ra hoài nghi về sự hỗ trợ mà Mỹ dành cho Ukraine

Các chỉ huy và binh sỹ Ukraine ngày càng lo lắng về việc nước này cạn kiệt nguồn lực nhanh hơn Nga. Tổng thống Zelensky thừa nhận, nước này không nhận đủ viện trợ quân sự của phương Tây để trang bị cho 4 trong số 14 lữ đoàn mới của Ukraine.

Konrad Muzyka, giám đốc của công ty tư vấn Rochan Consulting có trụ sở tại Ba Lan cho rằng, hiện tại, thời gian đang ở phía Nga khi nói đến tiềm năng huy động, nhân lực và năng lực sản xuất. Một số nhà quan sát cho rằng, với tiềm lực to lớn như vậy, Nga có thể nhân cơ hội Ukraine đang lâm vào tình thế khó khăn để giành thêm nhiều vùng lãnh thổ hơn nữa.

“Không thể dự đoán được cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào vì có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiến trường ở giai đoạn hiện tại. Có cả những yếu tố có thể định lượng được và những yếu tố không thể định lượng được, chẳng hạn như chất lượng chỉ huy và kiểm soát”, ông Konrad Muzyka lưu ý.

Các chuyên gia cho biết, các nguồn lực cơ bản - từ đạn dược đến xe bọc thép và pháo binh đóng vai trò rất quan trọng để giữ vững tiền tuyến. Họ nhấn mạnh, chỉ riêng các cuộc tấn công tầm xa sẽ không thể thay đổi cuộc chơi nếu quân đội Ukraine thiếu các yếu tố thiết yếu trên chiến trường.

"Hiện tại, phần lớn các vấn đề phát sinh từ việc thiếu người, thiếu vật liệu cơ bản, xe cộ, đạn dược, thậm chí thiếu thiết bị y tế. Tất cả những nguồn lực cơ bản này đều bị cạn kiệt trong một cuộc chiến tiêu hao”, ông Muzyka nói.

Tuy nhiên, nhà phân tích Janovsky cho rằng bất kể Nga có thêm bao nhiêu nhân lực và hỏa lực trên chiến trường, thì "lợi thế của họ cũng không mang tính quyết định". Nếu trong tương lai, phương Tây quyết định tăng viện trợ cho Ukrainecó thể nói là gấp đôi, thì đó sẽ là một vấn đề rất lớn đối với Nga”.

Từ khóa: Ukraine, Nga, Ukraine, Kursk, Donbass, cạn kiệt vũ khí, phương Tây, cung cấp vũ khí cho Ukraine, viện trợ quân sự, bầu cử Mỹ, thiếu hụt vũ khí

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: hồng anh/vov.vn (tổng hợp)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập