Cần làn gió mới cho Nghệ thuật sân khấu vùng mỏ
Cập nhật: 20/12/2021
Ra mắt trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử”
Khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định
VOV.VN - Trong công cuộc hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa như hiện nay, các nghệ sỹ sân khấu ở Quảng Ninh lại có chung 1 nỗi niềm về sự đầu tư của nhà nước và ngành văn hóa, đem lại làn gió mới cho sân khấu vùng mỏ.
Hoạt động sân khấu chuyên nghiệp ở Quảng Ninh được hình thành sau 1 năm giải phóng vùng mỏ. 65 năm qua, các đoàn nghệ thuật đã xây dựng được các thế hệ diễn viên, nghệ sỹ với nhiều tác phẩm từng vang bóng trong làng sân khấu cả nước. Trong công cuộc hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa như hiện nay, các nghệ sỹ sân khấu ở Quảng Ninh lại có chung 1 nỗi niềm về sự đầu tư của nhà nước và ngành văn hóa, đem lại làn gió mới cho sân khấu vùng mỏ.
Nghệ sỹ ưu tú Thanh Chắc, Chi hội Sân khấu, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh thả hồn mình trong 1 làn điệu xẩm nhị tình trên sân khấu. Không nhạc đệm, bà say sưa biểu diễn như đang sống lại những ngày tháng vàng son của nghệ thuật sân khấu truyền thống vùng mỏ.
Chuyển qua công tác giảng dạy, đào tạo hơn 10 năm nay, nghệ sỹ ưu tú Thanh Chắc vẫn trăn trở vì ngày càng hiếm những diễn viên chèo có đủ thanh, sắc và tâm huyết với loại hình nghệ thuật truyền thống:" Tôi thấy hơi buồn vì không thấy lớp trẻ tham gia ở các phong trào văn nghệ địa phương mà chủ yếu là người trung tuổi. Ít nhất là họ tham gia các phong trào này sẽ phục vụ tốt cho các lễ hội của địa phương bởi lễ hội buộc phải sử dụng nghệ thuật dân tộc. Mong sao các cháu, các em ngay từ tiểu học nhất là ở đất chèo ở Đông Triều làm sao họ yêu nghệ thuật truyền thống và tham gia các lớp đào tạo".
Tỉnh Quảng Ninh có một lực lượng nghệ sĩ khá đông đảo với 15 tác giả và đạo diễn, trên 70 nghệ sĩ là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, 20 hội viên cấp chuyên ngành văn học nghệ thuật trung ương. Sân khấu Quảng Ninh đã có nhiều vở diễn thành công, gây được tiếng vang như "Chị Ngần", "Người không thể chết", "Vỉa than ngầm", "Vàng đen", "Đời người thợ mỏ", "Tiếng sóng Bạch Đằng", "Sắc phù dung", "Quê than rực lửa", v.v.. Hơn một trăm vở diễn dài gồm kịch, cải lương, chèo đã tham gia các hội diễn phục vụ công chúng.
Nhìn lại những thành quả trước đó, đạo diễn Lê Chính, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh cho biết đã gần 2 thập kỷ, nghệ thuật sân khấu Quảng Ninh vắng dần những vở diễn có dấu ấn sâu đậm về giá trị tư tưởng, thẩm mỹ trong lòng công chúng. Do đó, cần có một đề án chiến lược đổi mới toàn diện hoạt động nghệ thuật sân khấu, trong đó đổi mới về hình thức thể hiện không gian sân khấu, về cấu trúc sáng tác, dàn dựng và biểu diễn.
"Đã đến lúc chúng ta phải ngồi lại với nhau bằng tình người, tình đồng nghiệp để cùng đồng tâm hiệp lực, kết nối với nhau như một khối vững chắc thì mới bật ra những ý tưởng sáng tác. Nên chăng, Quảng Ninh sẽ mở rộng các loại hình sân khấu bằng cách cổ phần hóa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, và đặc biệt là phải đầu tư, đặt hàng những kịch bản có ý tưởng lạ, mới, có cấu trúc đặc biệt, dựng vở thể nghiệm để phục vụ khách du lịch trong đó có Vịnh Hạ Long- một kỳ quan vốn giàu văn hóa truyền thống", đạo diễn Lê Chính chia sẻ.
Để xây dựng văn hóa Quảng Ninh trong giai đoạn mới, các nghệ sỹ vùng mỏ mong muốn có sự quan tâm xứng tầm với tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quảng Ninh- vùng đất có di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử làm nức lòng thế giới và nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác cùng với bề dày truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" ...là chất liệu, là môi trường để các nghệ sỹ thỏa sức sáng tác.
Bà Trịnh Thị Thu Lan, Hội viên hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh cho biết: "Chúng tôi mong muốn có sự quan tâm thật sự với văn hóa nghệ thuật Quảng Ninh. Ngay cả văn hóa du lịch, chúng ta có lợi thế các kỳ quan nhưng lại chưa thể tạo sức mạnh để thu hút khách du lịch, thiếu sự đồng bộ để tạo lên sức mạnh. Hay như hoạt động khiêu vũ hiện nay, rất nhiều người dân ở khu phố đóng tiền để được học, họ học dân vũ nhưng nếu chúng ta đưa nét đẹp này lên sân khấu sẽ tạo được sức mạnh trong các phong trào quần chúng."
Còn ông Nguyễn Văn Toàn cũng là Hội viên hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh nói: "Cần tiếp tục có những chương trình biểu diễn lưu động để đưa sân khấu với người dân. Ngoài tạo dựng tác phẩm, dàn dựng thì khán giả là vấn đề quan trọng và nhất là đào tạo được khán giả. Việc của nghệ sỹ là phải đưa sân khấu đến với người dân".
Các nghệ sĩ vùng mỏ đang kỳ vọng sân khấu tỉnh nhà từng bước vượt qua khó khăn, tìm được luồng gió mới làm động lực để các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp có những vở diễn mới chất lượng đến với công chúng./.
Từ khóa: nghệ thuật sân khấu, sân khấu quảng ninh, nghệ sĩ sân khấu, phát triển nghệ thuật sân khấu, Văn học nghệ thuật Quảng Ninh
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN