Cần khởi tố hình sự cán bộ tiếp tay vi phạm xây dựng?
Cập nhật: 17/03/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Đối với các cán bộ tiếp tay cho vi phạm thì cần phải khởi tố hình sự, dù bản án chỉ là cảnh cáo hoặc án treo.
Năm 2019, TPHCM phát hiện và ban hành2.262quyết định xử phạt hành chính về vi phạm trật tự xây dựng, tuy nhiên số trường hợp chưa thi hành xong lên đến 1.330 vụ.
Sở Xây dựng TPHCM đánh giá, tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp (khoảng 50%). Con số này cho thấy hiệu lực, hiệu quả của việc xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng chưa cao.
Địa phương lúng túng xử phạt
Tại huyện Bình Chánh, từ tháng 7/2013 đến hết tháng 12/2019, địa phương này ban hành 31.741 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, môi trường, đất đai và xây dựng.
Những ngôi nhà không số, xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh.
|
Trong số này, gần 5.000 vụ (chiếm tỷ lệ hơn 15%) chưa thi hành xong, và gần 1.500 vụ bị cưỡng chế thi hành quyết định. Khó khăn khi cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực đất đai, xây dựng là người vi phạm không tự nguyện đóng tiền phạt hành chính, do đó phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu tiền. Tuy nhiên, việc cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm rất khó thực hiện vì các tổ chức tín dụng không cung cấp thông tin tài khoản của người vi phạm, hoặc người vi phạm không mở tài khoản tại các tổ chức tín dụng. Đa số người vi phạm chỉ tạm trú, khi bị xử phạt thì bỏ đi nơi khác, số tang vật bị tạm giữ có giá trị thấp hơn số tiền phạt.
Còn tại quận Thủ Đức, từ tháng 8/2019 đến tháng 2/2020 ghi nhận 122 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. Tổng số công trình còn tồn đến cuối năm 2019 là 639 nhưng đến nay mới giải quyết được 205 công trình. Các phường Hiệp Bình Chánh, Linh Trung, Linh Đông có tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng nhiều nhất trong năm 2019. Đây là những phường nằm ở khu vực giáp ranh, có nhiều khu công nghiệp, gần các trục đường chính, quỹ đất còn nhiều, nhiều dự án chưa được triển khai thực hiện nên tình hình vi phạm diễn ra phức tạp.
Sự việc "nóng" gây tác động mạnh tới dư luận là vào cuối tháng 2/2020 vừa qua, quận Thủ Đức tổ chức cưỡng chế 38 công trình xây dựng không phép trên diện tích 4.600 m2 đất nông nghiệp (đã có quy hoạch dành cho cây xanh, đường giao thông) tại đường số 40, phường Hiệp Bình Chánh.Người vi phạm là ông Lê Tấn Tài, 46 tuổi, ngụ tại địa phương.
UBND quận Thủ Đức đã ban hành 1 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và 3 quyết định xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến đầu năm 2019, ông Tài phân lô, xây nhà trong khu đất nói trên để bán, đồng thời cho rào tôn xung quanh và khóa trái cửa để ngăn cản lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
Đáng nói là từ năm 2015, phường Hiệp Bình Chánh nhiều lần xử phạt bằng các quyết định hành chính, gần đây nhất là tháng 6/2019 phường đã ra quyết định xử phạt và buộc ông Tài phải tháo dỡ các công trình vi phạm nhưng ông Tài không chấp hành.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đề nghị các cơ quan chuyên môn, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giải pháp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Vì có những công trình chỉ 1-2 ngày là xây xong, còn công đoạn ra thông báo, yêu cầu cung cấp giấy tờ, hợp tác để xử lý thì kéo dài rất lâu.
Cần có biện pháp mạnh để chấn chỉnh
Ông Long cũng thừa nhận có nguyên nhân do công tác cán bộ. Hàng năm, Thanh tra Sở Xây dựng đều xử lý các cán bộ có vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trong đó có kiểm điểm, cách chức, buộc thôi việc các cán bộ có liên quan. Cuối năm 2019, một vị đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng địa bàn quận Thủ Đức đã bị cách chức, rút về sở làm công tác khác.
Theo ông Long, xử lý vi phạm xây dựng chỉ là phần ngọn, gốc của vấn đề là quản lý Nhà nước về xây dựng. Những việc này liên quan đến quy định của luật, cũng như quy định trách nhiệm nhiều bên từ chính quyền địa phương tới cơ quan chức năng.
"Cần phải có sự phối hợp, thanh tra, kiểm tra, đúng hết rồi nhưng khi đưa vào sử dụng công năng như thế nào thì đòi hỏi sự phối hợp của chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan. Muốn xử phạt thì luật phải có quy định, ví dụ hành vi sai phép thì phạt chủ đầu tư, nhưng nếu tiếp tục thi công thì phạt bên giám sát”- ông Long cho biết.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu TPHCM nhấn mạnh cần đảm bảo nhanh, đúng và nghiêm minh khi xử phạt vi phạm hành chính, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, gây bức xúc trong xã hội. Đối với các cán bộ tiếp tay cho vi phạm thì cần phải khởi tố hình sự, dù bản án chỉ là cảnh cáo hoặc án treo nhưng khởi tố hình sự mang lại tác dụng răn đe lớn, cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật.
Ông Nghĩa nhận định tính hiệu quả và tác dụng của việc xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng hiện đang còn thấp. Các cơ quan chức năng chuyên môn như công an, tài nguyên môi trường, xây dựng…còn thiếu sự phối hợp, thậm chí phải xem lại việc quản lý và xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền địa phương, liệu đã có sự đầu tư đúng mức của lãnh đạo hay chưa.
"Sắp tới cần cải cách và chấn chỉnh lại các lực lượng thi hành hành chính Nhà nước tại TPHCM lĩnh vực xây dựng, trong đó có đội ngũ thanh tra xây dựng và các cơ quan chính quyền địa phương. Trong đó bao gồm cả lực lượng công an để phối hợp, đó là việc cần làm ngay”- ông Nghĩa cho biết.
Vi phạm xây dựng nếu không được xử lý nghiêm minh sẽ dẫn đến nhờn luật, gây bất lợi cho công tác quản lý cũng như nguy cơ mất an ninh trật tự. Trong khi chờ đợi cơ quan làm luật sửa đổi, bổ sung để tăng tính răn đe với các đối tượng lợi dụng, coi thường pháp luật, thì các cơ quan chức năng địa phương cần phải quan tâm, nâng cao trách nhiệm trong quản lý, ngăn chặn và xử phạt vi phạm xây dựng./.
Từ khóa: khởi tố hình sự, cán bộ tiếp tay vi phạm xây dựng, xây nhà trái phép, vi phạm xây dựng
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN