Cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm để gỡ “Thẻ vàng IUU”

Cập nhật: 13/12/2024

VOV.VN - Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo IUU Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Các địa phương cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, đảm bảo có kết quả, số liệu cụ thể để sẵn sàng làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC).

Ngày 15/11, tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành tổ chức hội nghị trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật về chống khai thác IUU và chuẩn bị nội dung, kế hoạch làm việc với EC lần thứ 5 cho 28 tỉnh thành phố ven biển.

Hội nghị nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuẩn bị nội dung, kế hoạch làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo IUU Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh các địa phương cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, đảm bảo có kết quả, số liệu cụ thể để sẵn sàng làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC).

Đồng thời, các đơn vị, ngành chức năng tiếp tục tập trung cao điểm chốt chặn tại các cửa sông, cửa biển và tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu các tại các cảng cá, bãi ngang để xử lý vi phạm; đặc biệt xử lý nghiêm khắc các vi phạm quy định về VMS, không đảm bảo điều kiện hành nghề…

Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024. Vì vậy các ngành, các cấp có liên quan từ trung ương đến địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất để gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.

Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay đã cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của EC nêu ra tại đợt thanh tra lần thứ 4, như đã được hoàn thiện, với sự tham vấn đầy đủ từ Ủy ban châu Âu, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, phát triển bền vững ngành thủy sản; Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để xử lý dứt điểm đối với tàu cá “03 không”; nhất là, ngày 12/6/2024 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý các hành vi liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các Quy hoạch, Chiến lược, Chương trình, Đề án và kế hoạch tổ chức thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Các hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định hiện nay?

Căn cứ khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản 2017 quy định, 14 hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp bao gồm:

(1) Khai thác thủy sản không có giấy phép;

(2) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;

(3) Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;

(4) Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác;

(5) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;

(6) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

(7) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

(8) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;

(9) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;

(10) Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;

(11) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;

(12) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;

(13) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;

(14) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Từ khóa: Thẻ vàng IUU, cục kiểm ngư, bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, thẻ vàng iuu, ec,gỡ thẻ vàng iUU, thẻ vàng IUU là gì

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: pv/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập