Cần hỗ trợ nhóm dân số “dễ tổn thương” nhất trong dịch Covid-19

Cập nhật: 16/05/2020

VOV.VN - Trong đại dịch Covid-19, người nghèo, người di cư và người vô gia cư là những đối tượng dễ tổn thương nhất cần được hỗ trợ.

Những người yếu thế trong xã hội như người nghèo, người vô gia cư, người di cư luôn là đối tượng dễ bị tổn thương lớn nhất trong các cuộc khủng hoảng từ thiên tai đến dịch bệnh. Trong đại dịch Covid-19, họ cũng là đối tượng chịu tác động lớn nhất. Nhiều nước đã có những cách làm khác nhau để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế vượt qua giai đoạn khó khăn khi giãn cách xã hội và đây cũng là giải pháp góp phần kiểm soát dịch bệnh.

can ho tro nhom dan so "de ton thuong" nhat trong dich covid-19 hinh 1
Trong đại dịch Covid-19, người nghèo, người di cư và người vô gia cư là những đối tượng dễ tổn thương nhất cần được hỗ trợ. Ảnh: Reuters

Trước đại dịch Covid-19 trên thế giới đã có 135 triệu người phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực và khi có thêm cú sốc dịch Covid-19 thì điều kiện sống càng trở nên bấp bênh. Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế ILO chỉ rõ, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu và thêm hàng triệu người rơi xuống chuẩn nghèo.

Dù các nước có trợ cấp cho dân ở những mức độ khác nhau nhưng đời sống của người nghèo khi bị mất việc vẫn vô cùng khó khăn. Ngay cả các nước giàu có như Mỹ, Thụy Sỹ cũng không tránh khỏi một bộ phận dân cư yếu thế (gồm người nghèo, người nhập cư) cần sự trợ giúp trong mùa dịch.

Từ thực trạng nhiều người không có tiền tích trữ để mua thực phẩm trong mùa dịch, nhiều sáng kiến cứu đói đã ra đời, được nhân rộng và triển khai từ thành thị đến nông thôn. Đó là mô hình ATM gạo của Việt Nam, mô hình tủ đựng thực phẩm miễn phí ở Thái Lan, tổ chức phá cỗ ban đêm cho dân nghèo trong tháng lễ Ramadan ở Iraq.

Anh Supakit Kulchartvijit, người khởi động dự án tủ thực phẩm ở Thái Lan cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng, nhiều người dân Thái Lan đang đối mặt với khủng hoảng vì không có thu nhập, không có tiền để mua thực phẩm do dịch Covid-19. Do vậy tôi nghĩ mô hình này sẽ giúp họ".

Một nhà tài trợ bữa tối cho người nghèo ở Baghdad trong tháng lễ Ramadan chia sẻ lý do: "Người dân không có gì để ăn, họ đã đến đây, vì họ đói. Tại châu Âu, thì người dân được hỗ trợ tiền lương, tiền thuê nhà, lương thực, nên họ dễ tuân thủ lệnh phong tỏa hơn. Ở đây, các lái xe, chủ cửa hàng, những người kiếm sống từng ngày thì làm sao họ có thể sống qua ngày?”

Phân phát cácgói lương thực, bữa ăn miễn phí là cách làm ở nhiều nơi, đặc biệt ở nhiều thành phố lớn của châu Phi để bảo vệ dân nghèo trước tác động của dịch Covid-19.
Chương trình Lương thực Thế giới chỉ ra rằng sự kết hợp giữa nghèo đói, lệ thuộc vào lương thực nhập khẩu và giá cả leo thang do đại dịch sẽ đẩy nhiều người vào cảnh cùng cực.Lãnh đạo các nước châu Âu cũng lưu ý, các nước nghèo không có khả năng trợ cấp nhiều cho dân để thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài như các nước giàu. Hơn nữa nhóm người yếu thế cũng là nhóm dân cư rất dễ lây lan dịch vì họ tiếp cận dịch vụ y tế rất hạn chế, điều kiện sống và làm việc chật chội, khó thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế hỗ trợ người nghèo cũng là cách để kiểm soát dịch.

Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO kêu gọi hỗ trợ người nghèo: “Chúng ta cần phải huy động khẩn cấp và hành động trên quy mô đoàn kết toàn cầu để hỗ trợ người nghèo, bởi hệ thống an sinh xã hội ở cấp quốc gia phần lớn còn rất yếu”./.

Trần Nga/VOV1

Tổng hợp

Từ khóa: dịch Covid 19, nhóm dễ tổn thương, hỗ trợ người nghèo, tác động Covid 19, người vô gia cư

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập