Căn gác với hai ông nhà văn...
Cập nhật: 01/08/2020
Diva Hồng Nhung điều trị ung thư vú
Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân
VOV.VN -Căn gác ấy, cha tôi - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã thuê sau một thời gian về tiếp quản Hà Nội. Ở đó ông đã sống và viết cho tới lúc ra đi.
Trong nhiều hồi ức của các bạn văn của cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tôi để ý thấy hay nhắc đến “căn gác ở góc phố Bà Triệu”. Nhiều hôm đã khuya, đông cũng như hè, bạn bè đi ngang qua nhìn lên, thấy trên gác sáng ánh đèn đều biết “anh Tưởng đang sáng tác”.
Căn gác ấy, cha tôi đã thuê sau một thời gian về tiếp quản Hà Nội. Ở đó ông đã sống và viết cho tới lúc ra đi, một ngày tháng 7/1960. Cũng ở đó, cha mẹ chúng tôi đã sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng tôi và sau khi cha tôi mất, mấy mẹ con vẫn ở mãi cho đến sau này, khi chúng tôi lần lượt trưởng thành, lập gia đình và ra ở riêng. Đến tận ngày nay, sáu chục năm sau khi cha tôi qua đời, một chị của tôi vẫn ở đó cùng gia đình chị. Chúng tôi, nghĩa là năm chị em còn lại không chỉ ủng hộ chị ở lại giữ căn nhà hương hỏa của cha mẹ mà còn thường xuyên qua lại để cùng nhau ôn lại những kỉ niệm một thời…
Những người ngồi, từ trái qua: nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Tố Hữu và tác giả bài viết, tại căn gác nơi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã sống và viết những năm sau hòa bình lập lại. |
Thời gian đầu về tiếp quản Thủ đô, cha mẹ tôi ở nhờ nhà một người bà con ở phố Hàng Đẫy, nay là phố Nguyễn Thái Học. Tuy khá rộng rãi, gia đình người bà con cũng thoải mái, nhưng dù sao cũng vẫn là ở nhờ, điều cha tôi rất ngại gây phiền hà cho người khác. Biết tính bạn, bác Kim Lân liền mách cha tôi về làm “hàng xóm” với bác, ở căn gác nói trên.
Nhà văn Kim Lân vốn là người tháo vát – hồi ký của nhà văn Nguyên Hồng cũng cho chúng ta biết điều này. Ngay sau khi từ kháng chiến trở về, bác đã mau chóng thuê được chỗ ở gần trung tâm Hà Nội. Đó là một tòa nhà ba tầng kiểu biệt thự, tọa lạc ngay góc phố Bà Triệu - Lý Thường Kiệt. Chủ nhà là một người giàu có, sống trên tầng ba, các phòng còn lại cho thuê, trong đó có tầng hai vốn được thiết kế như một dancing để làm nơi giao lưu, khách khứa.
Ngoài các phòng phụ (bếp, buồng vệ sinh…) và dãy hành lang rộng thênh thang, kiến trúc chủ đạo của tầng này là căn buồng rộng đến bảy, tám chục mét vuông gồm hai gian thông nhau, có thể tổ chức vũ hội hoặc tiệc tùng cho hàng chục người. Khi nào không sử dụng cho những việc như thế thì có thể ngăn lại, bằng cách đóng hai cánh cửa gỗ lim cao to choán gần hết bức tường giữa hai gian. Nhà bác Kim Lân thuê một gian, gian còn lại vẫn để trống. Thế là cha tôi về làm láng giềng với bác, lại như ngày nào hai gia đình sống bên nhau ở chiến khu Việt Bắc…
Tuy nhiên, bác Kim Lân chỉ ở đó một thời gian thì lại chuyển đi. Nguyên nhân: giá thuê nhà quá cao. Bấy giờ cuộc sống của các gia đình cán bộ đều trông vào đồng lương. Nhà bác Kim Lân đông con, lương bác lại không cao, thuê nhà rộng ở phố sang thì hết quá nhiều tiền, không còn đủ cho các việc chi tiêu khác của gia đình. Thế là bác đành trả lại gian buồng, đi thuê một chỗ khác ở ngõ Hạ Hồi, hẹp hơn và cũng rẻ hơn.
Nhà văn Kim Lân trong một lần đến thăm gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chụp ảnh cùng bà Nguyễn Huy Tưởng và các con cháu của bạn mình. |
Dẫu vậy, trong thời gian ở căn gác có địa 40 Bà Triệu hoặc 42A Lý Thường Kiệt ấy, gia đình bác và gia đình chúng tôi đã có với nhau không ít kỷ niệm êm đẹp. Hồi ký của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, trưởng nữ của nhà văn Kim Lân có kể lại những chuyện thật cảm động của hai nhà và trẻ con hai nhà mà tôi xin được trích dẫn một đoạn sau:
“Bác Tưởng rất yêu trẻ con và tôi cũng yêu bác Tưởng lắm. Ở sát vách nhà nhau, suốt ngày tôi chạy sang nhà bác chơi với các con bác – chị Hiền, chị Thục, Khánh. Mãi sau này có em Thắng còn bé tí. Chúng tôi chơi đùa, chạy nhảy, la hét om sòm, đôi lúc làm ra vẻ sợ hãi đi lại rón rén. Làm ra vẻ thế thôi, vì tôi biết bác Tưởng chẳng mắng chúng tôi bao giờ.
Nhìn chúng tôi đùa nghịch, mắt bác nheo nheo, nở một nụ cười vô cùng đôn hậu. Đôi lúc bác dừng lại nhìn chúng tôi và hẹn, các con, các cháu đâu, sáng mai bác sẽ đưa tất cả nhà đi ăn mì vằn thắn, sủi cảo, tuỳ ai thích ăn gì bác khao. Chúng tôi nhảy lên reo hò, ôi thích quá, cháu ăn sủi cảo, cháu ăn vằn thắn, con cũng thế, cũng thế...
Và sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm, quần áo chỉnh tề. Bác dắt qua đường, bên kia đường là tiệm mì vằn thắn của một chú người Hoa. Chúng tôi ngồi trật tự nghiêm chỉnh. Bác nói: “Các con thích ăn gì tự gọi nhé!”. “Vâng ạ” – Chúng tôi tự nhủ – “Ai thích ăn gì tự gọi, như người lớn vậy”. Tự lập và bảnh chọe làm sao!
Thỉnh thoảng bác lại cùng cha tôi và bác Nguyên Hồng cho cả lũ chúng tôi lên nhà hàng Phú Gia bên bờ hồ Hoàn Kiếm ăn cơm Tây. Cùi dìa, phóng xét, khăn ăn trắng tinh gài lên cổ áo. Bác dạy chúng tôi cầm dao, cầm nĩa, cách ngồi ăn uống ngay ngắn đàng hoàng, nói năng nhỏ nhẹ lịch sự – Chúng tôi mới quan trọng làm sao!”…
Những điều chị Hiền kể trên, bấy giờ tôi còn bé tí, chưa được dự phần và cũng không nhớ được gì. Nhưng đọc nhật ký của cha tôi cũng như thông qua nhiều nguồn tài liệu khác, tôi được biết thêm nhiều điều liên quan đến thời gian cha tôi ở đó. Đầu tiên là bác Kim Lân. Tuy chuyển đi rồi, nhưng bác vẫn hay lại chơi với cha tôi. Từ ngõ Hạ Hồi, bác đi bộ đến rồi hai ông rủ nhau đi đâu đó, mà thường là ra Bờ Hồ cách đấy có vài trăm mét.
Với bác Nguyễn Tuân cũng vậy. Bác đi xe đạp qua, để xe lại, rồi hai ông cùng nhau làm một tua quanh Hồ Gươm mà đàm đạo đủ chuyện nhân tình thế thái. Tôi có thể hình dung, trong những lúc đi như thế với nhà văn Kim Lân và nhà văn Nguyễn Tuân, cha tôi đã thổ lộ nhiều tâm sự trong quá trình viết tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô và truyện phim Lũy hoa. Các bài viết của hai bác về cha tôi cũng chứng thực điều này.
Sau khi cha tôi qua đời, chính bác Nguyễn Tuân và bác Kim Lân đã đến nhà tôi để bàn với mẹ tôi đưa in tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô. Nhờ hai bác mà tập bản thảo còn ở dạng dở dang đã được xuất bản với một vẻ hoàn chỉnh nhất định, với phần “Lời bạt” của bác Nguyễn Tuân in cùng tác phẩm và bài giới thiệu trên báo của bác Kim Lân giúp bạn đọc hiểu thêm công phu và tâm huyết của tác giả…
Cũng còn có thể kể thêm nhiều câu chuyện cảm động khác liên quan đến căn gác của cha tôi khi ấy. Như hồi mới tập kết ra Bắc, các nhà văn trẻ Nam Bộ hay được cha tôi mời đến nhà chơi. Ông không chỉ hợp với khí chất người Nam Bộ mà còn thương anh em trẻ phải xa gia đình, quê hương bản quán. Vì thế, những khi có dịp, cha tôi lại mời anh em đến nhà ăn bữa cơm gia đình do mẹ tôi chuẩn bị. Họa sĩ Dương Bích Liên, trong một bức thư gửi cha tôi hồi ông đi thực tế ở Điện Biên cũng có nói, chú rất thích “khung cảnh gia đình thân yêu” của cha tôi mà chú cho là một nơi “ấm cúng hơn cả”…
Hay chuyện này nữa cũng có thể coi là một tư liệu cho văn học sử. Trong quá trình xúc tiến thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng mà cha tôi sẽ là giám đốc đầu tiên, ông và những người đồng chí hướng đã có nhiều buổi họp hành, bàn thảo. Bấy giờ nhà xuất bản còn chưa thành lập, cơ quan chủ quản cũng chưa xác định, các phòng ốc, hội trường thì đâu sẵn như hiện nay. Vì thế, một số cuộc họp đã phải tổ chức ở nhà ai đó, và như tôi được biết, một trong những cuộc họp quan trọng đã diễn ra tại tư gia của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trên căn gác ở góc phố Bà Triệu - Lý Thường Kiệt.
Riêng với tôi, căn gác của gia đình đã cho tôi một kỷ niệm đặc biệt có ý nghĩa trong đời. Bởi đó chính là nơi diễn ra đám cưới của tôi, vào một chiều đầu năm 1980. Đương nhiên là có bác Kim Lân đến dự, không những thế, bác còn dẫn theo một người. Đó là anh Đào Đình Thắng, một người bạn ít tuổi của bác và cha tôi từ hồi kháng chiến mà hai ông coi như em út, thậm chí, theo như lời bác Kim Lân, còn được cha tôi quý như con nuôi. Sau này, khi viết Sống mãi với thủ đô và Lũy hoa, cha tôi đã lấy anh làm nguyên mẫu cho nhân vật Thắng Đen Nhí Nhoáy.
Xúc động trước cuộc gặp gỡ bất ngờ, hai chúng tôi đã ôm lấy nhau như những người thân thiết nhất. Về sau, khi viết bài Ấn tượng về những nhân vật cùng cảnh ngộ, tôi vẫn còn nguyên cảm giác tự hào: “Bố tôi đã lấy tên tôi đặt cho nhân vật của mình, hay ngược lại thì cũng thế thôi, về điều này tôi biết ơn ông vô cùng, nó chẳng chứng tỏ ông yêu tôi lắm sao!”.
Đến khi hay tin bác Kim Lân mất, tôi đã xúc cảm viết một bài về bác, có tiêu đề: Bác Kim Lân với cha tôi và người bạn chung. “Người bạn chung” đó chính là anh Thắng mà bác đã dẫn đến với chúng tôi ở căn gác thấm đẫm những kỷ niệm của bác và cha tôi ngày nào.../.
Từ khóa: Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Kim Lân, Kim Lân, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN