Cân đối nhiệm vụ chính trị và kinh tế, tạo sức bật cho doanh nghiệp nhà nước

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng để Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và trở thành nước có thu nhập cao năm 2045.

Vai trò và tiềm lực của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam

Trong vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt và quan trọng. Điều này được khẳng định từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới thực tiễn.

Các doanh nghiệp nhà nước vừa là chủ thể kinh doanh vừa là công cụ để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục những hạn chế của cơ chế thị trường.

Bên cạnh nhiệm vụ kinh tế, doanh nghiệp nhà nước còn làm nhiệm vụ chính trị - xã hội khi tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia, mở rộng biên giới mềm, xây dựng hình ảnh đất nước… qua đó khẳng định vị thế và khả năng tự cường của Việt Nam.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 671 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ tổng tài sản lên đến gần 3,9 triệu tỷ đồng và tổng vốn chủ sở hữu hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 1,652 triệu tỷ đồng, đạt lợi nhuận hơn 125.000 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp Nhà nước là hơn 166.000 tỷ đồng.

Số lượng doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động, nhưng đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước tương ứng khoảng 29% GDP của đất nước.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Dù được đầu tư lớn, được hưởng nhiều ưu đãi, nắm giữ những nguồn lực và tài sản lớn, nhưng hiệu quả của một số doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số doanh nghiệp nhà nước chưa làm tốt vai trò nòng cốt, mở đường, hướng dẫn, thúc đẩy các thành phần khác phát triển. Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam…

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng để Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và trở thành nước có thu nhập cao năm 2045.

Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước

Ước tính, trung bình mỗi doanh nghiệp nhà nước có tài sản khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước. Dẫu vậy, quyết định đầu tư, quyết định cán bộ của doanh nghiệp nhà nước mất rất nhiều thời gian, trong khi ở doanh nghiệp tư nhân vấn đề này được giải quyết rất nhanh chóng.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu nghịch lý: “Trong nhiều cuộc hop, doanh nghiệp tư nhân bày tỏ ước ao có được cơ chế như doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước thì lại ước ao có được cơ chế như doanh nghiệp tư nhân”.

Vấn đề dẫn tới nghịch lý này nằm ở quản lý vốn. Doanh nghiệp nhà nước làm gì cũng cần phải đi xin, gây lỡ thời cơ kinh doanh. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa hình thành được cơ chế người ủy quyền - người điều hành đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó người ủy quyền là người đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và người điều hành là người trực tiếp ra các quyết định liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cần có cơ chế thích hợp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu không còn là “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”.

Bên cạnh việc lo đạt chỉ tiêu kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước còn thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội. Trong khi đó, tiêu chí đánh giá, cơ chế phân định nhiệm vụ chính trị - xã hội mà Nhà nước giao cho với lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp chưa rõ ràng. Do đó, cần có cơ chế thích hợp để tách bạch nhiệm vụ chính trị - xã hội với nhiệm vụ kinh tế cho doanh nghiệp nhà nước; thực hiện nhiệm vụ - chính trị xã hội theo đơn đặt hàng của Nhà nước.

 “Trong các tiêu chí đánh giá của doanh nghiệp nhà nước thì phải kèm theo yếu tố chính trị. Thế nhưng, các tiêu chí đánh giá hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp theo bộ nguyên tắc quản trị OECD hoặc những tiêu chuẩn khác đều không có vấn đề này” – Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên chỉ ra thực tế.

Ví dụ trong thời điểm dịch Covid-19, ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng chủ đạo hỗ trợ Nhà nước thực hiện các chính sách giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không muốn làm. Mọi chi phí hỗ trợ được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp mà không tính vào chi từ ngân sách nhà nước. Nhưng khi khủng hoảng đi qua, nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi hậu đại dịch, có không ít doanh nghiệp nhà nước bị “trói tay” bởi các vấn đề cơ chế nên khó bứt phá để phục hồi và phát triển. Ngay cả Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước cũng không thể tự “vượt rào” để ghi nhận những hoạt động hỗ trợ nền kinh tế như một khoản đầu tư hiệu quả.

Đổi mới vai trò của doanh nghiệp nhà nước

Số lượng doanh nghiệp nhà nước từ hơn 12.000 doanh nghiệp thời điểm đầu thập niên 1990, đến nay đã giảm xuống chỉ còn vài trăm doanh nghiệp. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn đạt những kết quả nhất định. Số nhóm ngành, lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giảm mạnh.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên lưu ý rằng việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, mà thực chất là tạo ra một môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các hình thức sở hữu khác nhau. Theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, mà thực chất là tạo ra một môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các hình thức sở hữu khác nhau.

Để đổi mới vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ mới, vai trò sở hữu của nhà nước cần sự linh hoạt và chủ động, không nhất thiết phải mang tính vĩnh viễn. Sở hữu nhà nước hiện diện trong doanh nghiệp tại một số lĩnh vực nhất định để phục vụ các mục tiêu nhất định ở thời điểm nhất định. Sau khi hoàn thành mục tiêu, quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước này sẽ được thực hiện. Nguồn vốn thu được từ tư nhân hóa sẽ được sử dụng để đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực khác hoặc hình thành nên các doanh nghiệp nhà nước mới.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng, một số doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong các lĩnh vực mới và là xu thế phát triển trong dài hạn cần được cho phép chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn. Việc củng cố các doanh nghiệp nhà nước cần kết hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng, tính toán kiến tạo nền tảng tạo thành những doanh nghiệp lớn giúp kinh tế Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế và cạnh tranh với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở thị trường nội địa.

Song song với những đổi mới về vai trò của doanh nghiệp nhà nước, chúng ta cần có những thay đổi về nhận thức về doanh nghiệp nhà nước. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, sự hiểu biết đúng đắn và toàn diện về vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước là rất cần thiết.

“Việc đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp cần có bộ tiêu chí riêng, rộng hơn so với đánh giá đơn thuần hiệu quả tài chính của doanh nghiệp nói chung, vì ngoài mục tiêu lợi nhuận từ vốn chủ sở hữu còn mục tiêu đem tới sự ổn định cho nền kinh tế và đất nước” – Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.

Tài liệu tham khảo

Kỷ yếu hội thảo Những thành tựu lý luận và kết quả vận dụng về lĩnh vực kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới

Kỷ yếu hội thảo Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Arilines

Từ khóa: doanh nghiệp nhà nước, chính trị, kinh tế,doanh nghiệp nhà nước,tiến sĩ nguyễn đức kiên, nguyễn đức kiên, kinh tế nhà nước, kỷ nguyên vươn mình

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: pv/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập