Căn cước công dân gắn chíp điện tử: Tích hợp thông tin, tránh giả mạo
Cập nhật: 25/08/2020
VOV.VN - Bộ Công an đề xuất gắn chip điện tử vào thẻ căn cước công dân, giúp cho việc truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn.
Thẻ căn cước công dân gắn chip hay còn gọi là thẻ căn cước điện tử, là thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau. Hiện nay, Bộ Công an đang đề xuất gắn chip điện tử vào thẻ căn cước công dân thay vì mã vạch như hiện nay và nếu được Chính phủ phê duyệt thì sẽ được triển khai từ tháng 11 năm nay.
Thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cũng sẽ được tích hợp thêm dữ liệu của công dân, như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… để có thể sử dụng cho nhiều giao dịch, giải quyết nhiều thủ tục. (Ảnh minh họa, nguồn KT) |
Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ căn cước công dân mã vạch, có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ có giá trị khác. Qua đó, có thể phòng tránh việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống, tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của Chính phủ điện tử. Khi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân khi đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ. Thay vào đó chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân có gắn chip thì sẽ thực hiện được các giao dịch.
Đặc biệt, mức độ bảo mật của chip rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên căn cước công dân gắn chip là không thể thay đổi và không thể giả mạo. Bên cạnh đó, việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chip, hạn chế tối đa giả mạo danh tính. Ngoài ra, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền Internet.
Chia sẻ về đề xuất cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, anh Nguyễn Thanh Bình ở quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, việc sớm bỏ sổ hộ khẩu giấy và dùng thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ giúp người dân bớt phiền hà với thủ tục hành chính: “Tôi kinh doanh bất động sản nên mỗi lần làm thủ tục sang tên đều phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ. Khi có vướng mắc về giấy tờ và thủ tục, tôi phải làm đi làm lại rất vất vả. Vì vậy, tôi mong rằng Chính phủ triển khai nhanh vấn đề sử dụng thẻ căn cước gắn chip để đảm bảo thủ tục giấy tờ cho người dân”.
Tuy nhiên, thông tin sẽ đổi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử thay cho thẻ căn cước công dân sử dụng mã vạch cũng khiến nhiều người dân thấy phiền hà. Vì việc đổi thẻ căn cước công dân gắn mã vạch vừa được triển khai thực hiện cuối năm nay. Nhiều người vừa mới đổi thẻ căn cước công dân sử dụng mã vạch, nay lại phải đi đổi lại.
Đồng tình với đề xuất của Bộ Công an nhưng bà Nguyễn Thị Huyền ở thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương vẫn băn khoăn về tính khả thi của phương án này: “Tôi băn khoăn là nếu như dự kiến đến tháng 11/2020 đã thực hiện việc chuyển đổi này thì liệu có hợp lý hay không. Vì lúc đó cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thiện, như vậy thì việc chuyển đổi rất dễ gặp phải tình trạng đầu voi đuôi chuột, không đồng bộ dẫn đến phải thay đổi. Khi đó lại yêu cầu người dân xuất trình thêm các giấy tờ khác rất bất tiện và gây phiền hà”.
Ông Nguyễn Thanh Hồng- Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng để việc chuyển đổi thẻ căn cước công dân có mã vạch sang thẻ căn cước công dân có gắn chip vào triển khai thực hiện cần phải lưu tâm nhiều vấn đề quan trọng: “Thứ nhất cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật có liên quan để đảm bảo sự thống nhất của các quy định pháp luật trong việc quản lý công dân, quản lý căn cước công dân. Thứ hai là trong quá trình triển khai triển khai phải đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các lĩnh vực mới có thể phát huy được hiệu quả việc chuyển đổi này. Thứ ba là cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và để tạo điều kiện để cho người dân tiếp cận với những quy định mới này”.
Rõ ràng, việc đổi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử thay cho thẻ căn cước công dân sử dụng mã vạch có rất nhiều tiện ích. Nhưng để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ sở hạ tầng, giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú với mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi cho người dân, cải cách hành chính, giảm giấy tờ, giảm phiền hà thì rất cần sự minh bạch, tính toán kỹ lưỡng, khả thi và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện./.
Tiền lương hưu có nhiều thay đổi từ 1/1/2021
Từ khóa: căn cước công dân, gắn chíp điện tử cho căn cước công dân, Bộ Công an, truy vấn thông tin, giả mạo
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN