Cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn việc mua bán thuốc
Cập nhật: 26/06/2024
Thời tiết ngày 21/11: Thừa Thiên Huế đến Bình Định xảy ra mưa to và dông
TP.HCM ban hành quy trình 5 bước xử lý 5 nhóm công trình dự án tồn đọng
VOV.VN - Thuốc chữa bệnh liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân, do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vấn đề mua và bán thuốc trên thực tế.
Chiều 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho biết, những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong Luật Dược hiện hành, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phát triển, bước đầu ngành công nghiệp dược nội địa đã có kết quả.
Theo dại biểu, mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ năng lực cạnh tranh, thủ tục hành chính trong đầu tư, kiểm soát thị trường, nguồn nguyên liệu.
“Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát để các quy định được bổ sung có tính đồng bộ và giải quyết được những vấn đề tồn tại, khó khăn nhất trong phát triển ngành công nghiệp dược nội địa. Đồng thời vẫn tạo điều kiện thông thoáng để người dân dễ dàng tiếp cận và được sử dụng các nguồn thuốc nhập khẩu chất lượng cao và các loại thuốc, dược phẩm, dược liệu quý hiếm”, đại biểu nêu ý kiến.
Liên quan tới kiểm soát thị trường thuốc kinh doanh qua các hệ thống quầy thuốc, đại biểu chỉ rõ, luật hiện hành đang có nhiều quy định liên quan đến việc kiểm soát hoạt động mua bán thuốc tại các quầy thuốc. Tuy nhiên trên thực tế, việc mua bán các loại thuốc tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc vẫn khá thoải mái, kể cả những loại thuốc thuộc diện phải kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.
Đại biểu cho rằng, việc người bán thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn và tư vấn cho người mua dù hoàn toàn không có bằng cấp chuyên môn tương ứng về lĩnh vực y, dược còn khá phổ biến. Từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của người dân như dùng sai chỉ định, dùng quá liều, tác dụng phụ của thuốc...
“Do đó, đề nghị bổ sung các quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vấn đề này trên thực tế”, đại biểu Lã Thanh Tân nói.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 32 về kinh doanh được, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức điện tử.
Đại biểu nhất trí với nội dung bổ sung quy định trong dự thảo luật. Quy định này sẽ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, dại biểu cho rằng, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng.
“Do đó cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn”, đại biểu kiến nghị.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nêu rõ, danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế được ban hành bằng các Thông tư, nhưng từ năm 2011 đến nay mới có 4 lần ban hành. Như vậy, khoảng từ 3 đến 4 năm Bộ Y tế mới ban hành một Thông tư quy định danh mục thuốc mới, tại mỗi Thông tư, số thuốc được bổ sung cũng rất ít.
Trong khi đó, khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, các thuốc mới ra đời nhanh và nhiều, liên tục xuất hiện phác đồ điều trị mới làm thay đổi cơ bản chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính,..Chính vì vậy, sự chậm trễ trong việc bổ sung thuốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho người bệnh.
“Tôi đề nghị lần sửa đổi này cần có thêm nội dung quy định danh mục thuốc là trách nhiệm của Bộ Y tế và cho cán bộ y tế sử dụng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, danh mục này phải được bổ sung hàng năm. Thêm vào đó, Bộ Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng điều khoản quy định về điều chỉnh tỷ lệ chi trả hàng năm, qua đó bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính phải điều trị lâu dài”, đại biểu Trí kiến nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị cần bổ sung quy định về việc ban hành danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.
Theo đại biểu, đây là một nội dung quan trọng thể hiện nhóm chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự thảo Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đây cũng là một trong những vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay. Đó là danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, tỷ lệ được hưởng bảo hiểm y tế đối với những thuốc đồng chi trả và danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở.
Đại biểu cho biết, trong bối cảnh ngành công nghiệp dược đang có những tiến bộ về khoa học, có nhiều thuốc thế hệ mới hay một số dạng bào chế đặc biệt làm tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh.
“Việc chậm ban hành và ít cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả sẽ làm ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận các phương thức điều trị mới tiên tiến trên thế giới, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người đang trông chờ vào bảo hiểm y tế để được khám bệnh, chữa bệnh. Tôi đề nghị luật hóa nội dung này”, đại biểu đề nghị.
Đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung quy định về việc ban hành danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Theo đó, nội dung quy định mới bao gồm các nguyên tắc, điều kiện đưa thuốc vào danh mục; quy trình, thủ tục rà soát, bổ sung thuốc vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần quan tâm việc cập nhật danh mục. Việc này phải được thực hiện hàng năm và giao Bộ Y tế quy định chi tiết.
Tham gia góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị bổ sung một số nội dung đối với quy định về quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài và điều kiện lưu hành oxy y tế.
Cụ thể, về quy định điều kiện lưu hành oxy y tế điều chỉnh ở phạm vi dự thảo Luật Dược lần này, theo đại biểu Trần Khánh Thu, nếu quản lý oxy y tế như thuốc như hiện nay, không có cơ sở sản xuất nào trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu về Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP theo khuyến cáo của WHO đối với oxy.
Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội đang thực hiện thanh toán oxy y tế theo danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế nhưng bên cạnh việc sử dụng oxy mua để dùng cho người bệnh thì các giường cấp cứu, xe cấp cứu hiện đang sử dụng máy tạo oxy cho người bệnh sẽ không nằm trong phạm vi của luật và sẽ không được thanh toán. Đồng thời, trong khám bệnh, chữa bệnh ngoài oxy y tế còn một số khí y tế khác (như khí carbon dioxide (CO2), khí nitơ (N2), khí nitơ monoxide (NO), khí dinitơ monoxide (N2O); cũng đang không có quy định quản lý.
Từ các lý do trên, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại dự thảo Luật lần này; nhưng để tránh tạo khoảng trống pháp lý, nguy cơ sai phạm trong chuyên môn khi bác sĩ chỉ định dùng oxy cho người bệnh,
"Đề nghị Chính phủ sớm ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế. Trong thời gian chưa ban hành được, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo áp dung quản lý oxy y tế theo quy định tại Hiệp ước Asian về quản lý thiết bị y tế mà Việt nam là thành viên vì trong hiệp định có nội dung xây dựng thực hành sản xuất tốt với oxy y tế”, đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn Quốc hội đã quan tâm tới ngành y tế nói chung và ngành dược nói riêng trong thời gian vừa qua, với nhiều chính sách phát triển ngành dược để ngành phát triển, đáp ứng các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bộ trưởng cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đã có những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đời sống về việc sửa đổi Luật Dược, đặc biệt sau dịch Covid-19. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Luật Dược để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo nguồn cung thuốc, phục vụ tốt nhất cho đời sống người dân.
“Với ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu để phối hợp cùng cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo luật này trong thời gian tới để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội trong Kỳ họp tới”, Bộ trưởng nói.
Từ khóa: Quốc hội, Quốc hội, Luật dược, mua bán thuốc, Bộ y tế,quản lý mua bán thuốc ,Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Thể loại: Xã hội
Tác giả: phi long/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN